Kịch thiếu nhi bỏ quên tuổi teen

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/06/2019 05:49 GMT+7

Những tác phẩm sân khấu thiếu nhi có lẽ chỉ dừng lại với bậc tiểu học. Khoảng trống tuổi teen cho đến giờ vẫn chưa được lấp đầy.

Bên cạnh những vở diễn thiếu nhi đang được diễn hoặc sắp ra mắt mang yếu tố văn hóa nước ngoài như cảm hứng từ nhân vật Nàng tiên cá, hay vở diễn phóng tác từ Shrek (Chằn tinh của Nhà hát kịch VN), Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại vở Con chim xanh với những yếu tố thần kỳ, sân khấu thiếu nhi năm nay chứng kiến sự tái xuất của những câu chuyện cổ tích Việt như Sơn Tinh - Thủy Tinh (Nhà hát Tuổi Trẻ) và Tấm Cám (Sân khấu Lệ Ngọc). Những năm trước, các nhân vật chủ yếu bước ra từ hoạt hình và game nước ngoài như siêu anh hùng, các đội bắn súng... Do vậy, sự “tái xuất” của các câu chuyện cổ tích Việt là đáng chú ý.
Năm nay, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ khởi động lại việc diễn đều đặn hằng tuần cho thiếu nhi. Chính vì thế, việc phân luồng khán giả nhí là điều các nghệ sĩ trăn trở.
Trăn trở lớn nhất là việc sân khấu đang thiếu tác phẩm cho tuổi teen, cho những học sinh trung học cơ sở. “Trước đây chúng ta chỉ nghĩ thiếu nhi là thiếu nhi thôi. Nhưng khán giả ngày càng đòi hỏi tinh tế hơn, và chúng tôi đã nghĩ đến việc phân luồng tuổi. Sân khấu tuổi teen đang bị “thủng”. Ngay cả mình là phụ huynh cũng không biết cho con xem gì. Đó là lứa tuổi mà nói chuyện với nó cũng khó, dễ buồn, dễ vui, dễ cáu. Tìm một tác phẩm cho tuổi đó là một thách thức”, ông Nguyễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, nói.
Sân khấu của các trường phổ thông đã có những hoạt động để lấp chỗ trống này. Năm ngoái, vở nhạc kịch Mathilda được nhà sản xuất Hoàng Hường đưa tới công chúng. Vở nhạc kịch được diễn bằng tiếng Anh, do học sinh các trường phổ thông ở Hà Nội trình diễn. Do quá đông người mua vé, vở diễn đã được diễn thêm. Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng có những dự án nhạc kịch của mình. Tuy chưa phải sân khấu chuyên nghiệp, các vở diễn này đều thu hút.
Nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng cần phải mau chóng “vá” khoảng trống sân khấu tuổi teen. “Đấy là lứa tuổi quan trọng để hình thành thói quen xem kịch. Nếu bỏ lớp khán giả này sẽ không tạo ra được công chúng trong tương lai”, ông nói. Theo ông, sân khấu cho lứa tuổi này cần đặt ra những vấn đề sâu sắc, hiện đại, phù hợp với đời sống tinh thần của các em. Đặc biệt, yếu tố thẩm mỹ, cách dàn dựng phải rất hiện đại.
Về nguồn vở diễn, ông Nguyễn Sĩ Tiến cho biết Nhà hát Tuổi Trẻ đã có kế hoạch về kịch bản và dàn dựng: “Chúng tôi vừa ký kế hoạch hợp tác 3 năm với phái đoàn Bỉ Wallonie-Bruxelles để đầu tư vở diễn cho tuổi teen. Họ cũng đang thương lượng để đưa đạo diễn sang VN. Vở diễn cũng đã được chọn dành cho lứa tuổi teen, phù hợp với cách nhìn của lứa tuổi đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.