Nói một mình một chợ bởi cách đây vài năm sân khấu Hoàng Thái Thanh và Thế Giới Trẻ cũng có dựng vài vở như Aladin, Ngàn lẻ hai đêm, Nữ hoàng ngang ngược, Chú kiến lạc loài... Hè đến, ba sân khấu cùng rộn ràng bán vé. Các em thiếu nhi có nhiều cơ hội lựa chọn, thậm chí coi luôn 3 vở mới thỏa lòng.
Thế nhưng chỉ được vài năm, Hoàng Thái Thanh và Thế Giới Trẻ lặng lẽ rút lui. Đạo diễn Ái Như (Hoàng Thái Thanh) nói: “Làm kịch thiếu nhi không dễ. Vừa tốn kém kinh phí gấp đôi, gấp ba so với kịch người lớn, vì may trang phục và cảnh trí rất nhiều, rất lộng lẫy. Trong khi đó giá vé phải thấp hơn kịch người lớn. Lại thêm nghệ sĩ rất vất vả, công sức cũng bỏ ra gấp đôi, gấp ba, cho nên cầm cự không nổi”.
Cuối cùng chỉ còn IDECAF trụ lại, nay đã đến chương trình Ngày xửa ngày xưa thứ 32, tức gần 30 năm kiên trì. Những năm đầu dựng luôn 2 vở, diễn hè và diễn trung thu. Sau này chỉ dựng 1 vở cho cả năm, diễn xong hè khoảng 30 suất thì trung thu diễn lại chừng 4 - 5 suất nữa. Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn nói: “Thật ra chúng tôi không hề sợ cạnh tranh, mà chúng tôi còn mong nhiều sân khấu khác cùng dựng để có nhiều vở cho trẻ em”.
Năng lực và tính chuyên nghiệp
Thực tế, IDECAF trụ được bởi đầu tư rất cao, trung bình 300 - 500 triệu đồng 1 vở, và thuê Nhà hát Bến Thành bán cả ngàn vé một suất, thì mới có lãi. Chứ khán phòng vài trăm vé thì khó mà hòa vốn.
Và trụ lại được cũng vì mấy chục năm đã đào tạo được nhiều lứa diễn viên rất chuyên nghiệp diễn cho thiếu nhi. Bởi tuy nói khán giả chỉ là con nít, nhưng diễn viên phải dụng công rất nhiều mới thỏa mãn được các em. Nào là diễn, thoại, ca hát, nhảy múa, làm hề... đủ trò trong một buổi. Diễn phải cường điệu một chút, nếu không khán phòng sẽ bị lặng. Thoại cũng phải lớn, nhấn nhá mạnh mẽ, nếu không khán giả nhí sẽ xao nhãng. Chưa kể nghệ sĩ còn lăn lê bò toài trên sàn diễn nữa. Vở mới nhất Truy tìm thủy long kiếm, thấy NSƯT Thành Lộc lăn tròn trên sàn gỗ mà khán giả... hết hồn. Những kiểu “cưa sừng làm nghé” của nghệ sĩ IDECAF rất dễ thương, không làm ai khó chịu.
IDECAF đặt nhạc viết riêng cho từng vở, trung bình mỗi vở có 10 - 15 bài nhạc mới toanh, lại theo giai điệu đặc biệt, có khi vừa hát vừa nói vừa diễn trong ca từ để phù hợp với nội dung tình tiết, nghệ sĩ phải tập rất vất vả. Tính chuyên nghiệp còn ở thiết kế cảnh trí và thiết kế trang phục. Mỗi vở có hàng trăm bộ trang phục lộng lẫy khác nhau, không hề trùng lắp.
Đi xem kịch ở đây, chỉ nhớ thông điệp nhân văn thôi, đừng quá thắc mắc về các tình tiết, bởi có khi nó giản đơn theo kiểu con nít. Ấn tượng đọng lại chỉ là sắc màu lung linh, mơ mộng, là một thế giới thần tiên đưa người ta về với tuổi thơ, quên đi mọi phiền phức lo toan. Mộng mơ ấy, lung linh ấy nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ...
Bình luận (0)