Kịch cháy vé và nồng ấm tình cảm nơi xứ người
Trời California ngày đoàn kịch VN, với gần 20 thành viên, đến bỗng nhiên rất lạnh. Từ 18 - 19 độ C hạ xuống còn 10 độ C. Tuy nhiên, khán phòng Nhà hát Saigon Performing Arts Center (tại Quận Cam, California) ngày 27.11 (giờ địa phương) thật ấm. Ấm vì không còn một hàng ghế trống và ấm vì tình cảm của khán giả dành cho đoàn kịch từ VN sang. Ngay cả khi suất diễn kết thúc, không ai bỏ về mà nán lại để được chụp ảnh, “sờ” tay, ôm nghệ sĩ bày tỏ sự ngưỡng mộ.
Nói về vé xem kịch mỗi lần đoàn VN sang, chị Yến (Trung tâm Tú Quỳnh ngay khu trung tâm Quận Cam) cho biết: “Thường chúng tôi bán trước tầm hơn 1 tháng. Kịch dài như của nhóm Thành Lộc lần nào sang đây cũng hot. Vé bán hết trước 3 - 4 ngày. Giá vé vở Tía ơi má dìa (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc; đạo diễn: Vũ Minh) thì hạng VIP là 100 USD/vé, còn lại 80, 60 và 45 USD”.
Nhìn khán giả xếp hàng vào xem kịch VN có cả người Mỹ, không ít người tò mò. Tôi hỏi một anh cao lớn tên Michael (nhà ở đường Bolsa, Quận Cam) khi anh đang chuẩn bị cùng bạn gái vào nhà hát rằng có hiểu tiếng Việt không khi đi xem kịch Việt, anh cười: “Tôi đang yêu con gái VN nên có biết chút chút tiếng Việt. Bạn gái tôi thích xem kịch nên lần nào đoàn VN sang cũng rủ tôi đi. Ở những đoạn cao trào thì bạn gái dịch cho tôi nghe, thấy vui lắm. Lần trước tôi xem vở gì đó không nhớ (Dạ cổ hoài lang - NV), thấy khán giả khóc quá, bạn tôi cũng khóc nên tôi muốn… khóc theo”.
|
|
Vui nhất là anh chị em nghệ sĩ VN đang sống tại Mỹ như: nhà thiết kế Kiều Việt Liên (đi cùng con gái), Hoa hậu Phụ nữ VN qua ảnh Dương Mỹ Linh, ca sĩ Cam Thơ, nghệ sĩ Hồng Loan, diễn viên Bảo Như… cũng đến ủng hộ kịch Việt. Dương Mỹ Linh nói: “Kịch dài với khán giả bên này như một món ăn mới, ngay cả người trẻ cũng thích. Hơn 3 tháng trước, khi diễn Dạ cổ hoài lang khán phòng không còn chỗ trống. Không chỉ phụ nữ mà đàn ông xem vở này cũng khóc”. Nhìn khán giả nườm nượp bước vào khán phòng, ông bầu Hoàng Tuấn (1 trong 2 bầu sô mang kịch Việt sang Mỹ) gật gù: “Nếu 2 vở trước đây chúng tôi mang sang Hợp đồng mãnh thú và Dạ cổ hoài lang khán giả khóc nhiều thì vở này vừa vui vừa thấm tình cảm. Phần lớn sẽ tạo tiếng cười cho mọi người. Sự đa dạng trong thể loại kịch dài khi mang sang Mỹ là điều chúng tôi mong muốn để khán giả không nhàm chán. Trước đây kịch tại Mỹ phần lớn kết hợp giữa nghệ sĩ trong nước và hải ngoại. Hiếm khi có đoàn kịch trong nước sang mà lực lượng tới gần 20 người như đoàn lần này”. Ngoài những thuận lợi như bán hết vé, được khán giả ủng hộ nhiệt tình, diễn viên Trương Minh Cường (bầu sô tại Mỹ mang kịch VN sang) bày tỏ thêm: “Cái khó nhất là đoàn quá đông cùng với đạo cụ, cảnh trí phải mang từ VN sang. Cái khó nữa là các nghệ sĩ đều rất nổi tiếng. Việc sắp xếp thời gian để họ gác lại công việc, đi lưu diễn cùng lúc với nhau vài tuần rất căng”.
Trân trọng tình cảm của kiều bào
Tôi bước vào hậu trường khi các nghệ sĩ chuẩn bị diễn suất thứ hai của vở Tía ơi má dìa. Tất cả đều chuyện trò vui vẻ, hồ hởi bởi chỉ còn một đêm nữa thôi là họ phải tạm biệt khán giả về lại VN. Nghệ sĩ Thành Lộc liên tục đi lại dặn dò anh em rồi ngồi chuẩn bị sửa soạn lại đạo cụ cho suất diễn cuối. Nghệ sĩ Hữu Châu ngả mình trên ghế sau khi đã chuẩn bị đầy đủ trang phục cho phần mở màn. Anh tâm tình: “Đây là lần thứ hai tôi lưu diễn, và là suất diễn cuối sau gần 2 tuần sang Mỹ. Đến giờ phút này tôi phải nói rằng khán giả không chỉ dễ thương mà phải dùng từ hơn cả dễ thương. Tôi đã đón nhận nhiều tình thương và trân trọng những gì kiều bào dành cho tôi cùng anh em nghệ sĩ trong đoàn. Cũng có cảnh trái giờ giấc vì diễn đúng vào tầm 3 - 4 giờ sáng của VN và mới qua hôm trước, hôm sau diễn liền. Tuy nhiên, khi bước lên sân khấu, vì sự hưng phấn trước tình cảm của khán giả nên quên hết mệt mỏi. Khán giả thích nhìn hình ảnh làng quê VN, câu chuyện, phong tục tập quán, tình cảm của người VN mình”.
Ngồi ngay hậu đài, nghệ sĩ Phương Dung tranh thủ ăn tối; Phi Phụng thì “tút” lại dung nhan. Các nghệ sĩ khác như Hoàng Trinh, Lương Thế Thành, Trương Nam Thành, Thanh Bình, Tường Vy, Don Nguyễn… vừa ăn tối vừa chuẩn bị cho phần diễn tiếp theo. Vui nhất là nghệ sĩ Phi Phụng bởi theo chị thì: “Lần đầu tôi đến Mỹ nên ngơ ngác như con... nai vàng. Cái gì cũng lạ lẫm hết. Khán giả thì ôi thôi quá dễ thương, vỗ tay liên tục, không ai bỏ về. Tôi lần đầu sang nhưng không bị trái múi giờ. Tôi diễn rồi ăn, ngủ rất bình thường. Tôi ăn nhiều lắm nên về lên ký chắc luôn (cười lớn tiếng)”. Nghệ sĩ Phương Dung tay cầm đĩa khoai tây chiên kể thêm: “Tôi đã lưu diễn rất nhiều lần ở Mỹ nhưng đây là lần đầu kết hợp các nghệ sĩ trong đoàn kịch dài từ VN sang. Ban đầu chúng tôi rất lo vì khán giả xa quê hương lâu quá sợ sẽ khó hiểu hết những thông điệp trong một vở kịch dài. Nhưng sau 3 suất, thay vì diễn 3 tiếng chúng tôi kéo thêm giờ bởi khán giả liên tục vỗ tay, không ai về. Khán giả quá trân trọng nghệ sĩ mình. Trước khi sang đây, chúng tôi tập lời thoại sao cho dễ hiểu, nhất là không được nói nhanh vì sợ những người xa quê lâu không nghe kịp. Giờ thì có thể nói khán giả tại đây rất thích xem kịch dài”. Nữ diễn viên trẻ nhất trong đoàn Tường Vy khi được hỏi có áp lực không khi diễn cùng những “tên tuổi lớn”, cô cười: “Đây là lần thứ 3 Vy lưu diễn và phải nói rằng khán giả ủng hộ rất khủng khiếp. Tối mai là đoàn về lại VN rồi nên hôm nay sẽ lưu luyến chia tay mọi người”.
Bình luận (0)