|
Trồng gừng trong bao tải
Ở xã Bồng Lai (H.Quế Võ, Bắc Ninh), Hoàng Xuân Sơn được ví như thủ lĩnh dẫn dắt thanh niên địa phương mượn đất phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ sau 2 năm tham gia phong trào này, Sơn liên kết với 15 hộ gia đình quy hoạch vùng chuyên canh trồng khoai tây và đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài khoai tây, diện tích trồng gấc, gừng đang được Sơn nhân rộng khắp 4 xã liền kề với Bồng Lai.
Thành quả này bắt nguồn từ sáng tạo trong lao động, Sơn cho biết đất mượn sau một thời gian bỏ hoang, cỏ mọc thành tầng lớp. Bề mặt đất có phủ cát, nếu cải tạo sẽ tốn kém tiền bạc. Công việc đầu tư sản xuất trên đất đi mượn tiềm ẩn rủi ro trong tình huống doanh nghiệp cần mặt bằng.
Không cải tạo theo phương pháp thông thường, Sơn thuê nhân công phát quang dọn cỏ dại lấy mặt bằng trồng gừng trong bao tải. Mỗi bao có lượng đất vừa đủ cho cây phát triển. Nước và chất dinh dưỡng nuôi cây chảy đến từng bao bằng hệ thống đường ống tự động do Sơn nghiên cứu chế tạo. “Qua hạch toán, lợi nhuận trồng gừng trong bao tải luôn đạt từ 30 - 40% do tiết kiệm chi phí đầu tư và có năng suất cao hơn trồng trong nền đất truyền thống. Khi doanh nghiệp cần mặt bằng có thể dễ dàng di chuyển cây đi nơi khác, không lệ thuộc vào thời hạn mượn đất”, Sơn bảo vậy.
Không có nhiều đất dự án, khu công nghiệp, chương trình mượn đất lập nghiệp tại xã Việt Thống (H.Quế Võ, Bắc Ninh) đã làm sống lại hàng chục héc ta đất ruộng bỏ hoang vụ đông để trồng khoai tây, gấc xuất khẩu. Theo anh Nguyễn Văn Triệu ở thôn Việt Vân, nhiều gia đình trong thôn chỉ quen trồng 2 vụ lúa, vụ đông diện tích đất trồng bỏ không rất lớn.
Chương trình mượn đất là cơ hội để thanh niên tổ chức sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Anh Triệu cho biết vụ đông đầu tiên năm 2013, chỉ với 2 ha đất được mượn trồng khoai tây, gia đình anh có lãi gần 80 triệu đồng. Năm nay, anh Triệu tiếp tục diện tích trồng khoai tây lên 5 ha vì sản phẩm này đang có sức tiêu thụ do được doanh nghiệp chế biến trong tỉnh thu mua. Với quy mô này, mô hình của anh Triệu giải quyết việc làm cho khoảng 70 lao động địa phương. “Mượn đất lập nghiệp giúp thanh niên có diện tích canh tác đủ lớn, thuận lợi đầu tư máy móc cơ giới hóa sản xuất, tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư thay vì phải đi thuê đất như trước đây. Trên thực tế, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất có lợi nhuận cao hơn so với canh tác truyền thống nên hấp dẫn thanh niên tham gia”, anh Triệu nói.
Bảo lãnh mượn đất bỏ không
Từ dự án chưa có nhu cầu xây dựng, quỹ đất khu công nghiệp hoặc ruộng bỏ hoang vụ đông là sáng kiến độc đáo của Tỉnh đoàn Bắc Ninh giúp đỡ thanh niên lập nghiệp và gia tăng thu nhập. Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chia sẻ ý tưởng ban đầu của chương trình là xuất phát từ thực tế nhiều dự án bất động sản “đóng băng”. Nhưng doanh nghiệp đầu tư dự án ở nhiều địa phương khác nhau, không dễ tìm gặp và thuyết phục họ gật đầu cho mượn đất. Cũng vì doanh nghiệp từng gặp không ít trường hợp cho mượn mặt bằng đến khi có nhu cầu sử dụng thì nảy sinh các tình huống tranh chấp phức tạp và chi phí tốn kém giải phóng mặt bằng.
Chương trình mượn đất lập nghiệp thành công ngoài mong đợi khi mở rộng đến quỹ đất quy hoạch khu công nghiệp, đất hạ tầng, dịch vụ. Để có quỹ đất cho thanh niên mượn canh tác sản xuất, Tỉnh đoàn Bắc Ninh phải đứng ra bảo lãnh, cam kết trước các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng đúng mục đích, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch đúng hạn yêu cầu.
Cũng theo anh Tuấn, thông qua mô hình này, Tỉnh đoàn Bắc Ninh thí điểm xây dựng hợp tác xã thanh niên kiểu mới. Quỹ đất mượn ưu tiên cho cá nhân hoặc nhóm cá nhân có dự án đầu tư sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và có khả năng tạo nguồn việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ở các mô hình này, Tỉnh đoàn Bắc Ninh hỗ trợ kết nối với nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp tập huấn canh tác sản xuất, khuyến khích thanh niên tự tạo việc làm giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế. “Nông sản trồng nhiều nhất trong chương trình mượn đất lập nghiệp là gừng, gấc và khoai tây, đây là những sản phẩm có đầu ra ổn định, sản xuất bao nhiêu đã có doanh nghiệp thu mua tại chỗ. Mô hình hợp tác xã kiểu mới tiến tới quy tụ các hộ gia đình thanh niên liên kết thành vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản, sản xuất theo đặt hàng từ các doanh nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu”, anh Tuấn nói.
Nhu cầu vay vốn của thanh niên rất lớn Anh Vương Quốc Tuấn cho biết tính đến vụ đông năm 2014 đã có trên 200 ha đất mượn được bàn giao cho thanh niên canh tác sản xuất. Vấn đề khó nhất hiện tại là vốn đầu tư. Hỗ trợ ban đầu cho các mô hình, T.Ư Đoàn giải ngân khoảng 1 tỉ đồng giúp thanh niên đầu tư sản xuất. Nhưng nhu cầu vay vốn của thanh niên rất lớn. Để đáp ứng, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã ký hợp tác, đứng ra bảo lãnh với Ngân hàng TMCP Đông Á hỗ trợ thanh niên vay vốn đầu tư vào các mô hình kinh tế nông nghiệp. |
Phan Hậu
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 82: Nuôi vịt Cổ Lũng làm giàu
>> Làm giàu nhờ ba ba, cua đinh
>> Khởi nghiệp từ cánh đồng hoang
>> Hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp
>> Hội tụ những ý tưởng khởi nghiệp
Bình luận (0)