Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp báo - ảnh: chinhphu.vn |
Điểm qua tình hình kinh tế sau 5 tháng, Bộ trưởng Phúc cho rằng, dấu ấn lớn nhất là xuất khẩu tăng 32,8%, chủ yếu tăng về lượng (chiếm tới 75%). Chính sách tiền tệ đã phát huy hiệu quả khi tỷ giá ổn định hơn, NHNN tăng mua dự trữ ngoại hối 1,2 tỉ USD, thị trường vàng lập lại trật tự. Thu ngân sách tích cực, tiết kiệm gần 4.000 tỉ đồng. Sau 5 tháng, Chính phủ đã xuất 54.000 tấn gạo hỗ trợ vùng khó khăn, mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo ông Phúc, thời gian tới Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11, ngân sách phải tăng thu, giảm chi. Tiếp tục cắt giảm đầu tư công nhưng không cắt giảm cực đoan, vẫn phải quan tâm tới các công trình liên quan đến an sinh xã hội. Phải giảm nhập siêu, tiến hành rào cản nhập khẩu đúng quy định pháp luật và WTO. Kịp thời tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, tập trung tín dụng cho xuất khẩu.
Chính phủ sẽ có biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam |
Liên quan đến đề xuất xây dựng tăng cường lực lượng kiểm ngư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Cao Đức Phát, cho biết, Chính phủ đã ủng hộ chủ trương này và chỉ đạo các bộ ngành phối hợp xây dựng đề án để Thủ tướng phê duyệt. Theo ông Phát, lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển Việt Nam. “Công tác kiểm ngư theo luật trước nay xem như một phần của công tác thanh tra. Thời gian tới, sẽ điều chỉnh lại hệ thống pháp lý để hình thành 1 tổ chức kiểm ngư chuyên nghiệp phản ảnh đúng đặc thù công việc. Bộ máy sẽ tổ chức từ trung ương đến địa phương, thanh tra tỉnh nào sẽ kiểm ngư ở vùng biển thuộc địa phận tỉnh đó”, ông Phát nói và cho biết thêm, Chính phủ đang triển khai các biện pháp thiết thực hỗ trợ ngư dân đánh cá tại các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Ngư dân có thể được nhận hỗ trợ về xăng dầu, nước ngọt, sửa chữa tàu thuyền. Chính phủ đang tính tới khả năng tổ chức các điểm thu mua cá ngay trên biển.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, sau vụ việc xảy ra ngày 26.5 vừa qua, tàu Bình Minh 02 vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế như cũ. Chính phủ sẽ có biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Theo tờ trình đề án “Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển Việt Nam. Nếu được phê duyệt, lực lượng này sẽ được thành lập theo hai cấp trung ương và địa phương. Tại trung ương sẽ đầu tư trên 1.500 tỉ đồng để đóng mới đội tàu kiểm ngư 10 chiếc với công suất từ 3.000 CV (trang bị đều cho 5 Cục Kiểm ngư vùng), được trang bị các thiết bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng, gió cấp 8, cấp 9 và đảm bảo tàu và các thiết bị hoạt động dài ngày trên biển. Cấp địa phương (28 tỉnh ven biển) cũng sẽ đầu tư gần 580 tỉ đồng để đóng mới đội tàu kiểm ngư địa phương. Cùng với đề án này, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để xây dựng, trình Chính phủ các quy định về tổ chức bộ máy, hoạt động (đồng phục, phù hiệu, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ...) của lực lượng kiểm ngư cũng như các cơ chế, chính sách về lương, phụ cấp... N.H |
Anh Vũ
Bình luận (0)