Kiểm dịch thực vật 'làm khó' hoa Đà Lạt xuất khẩu?

06/12/2013 09:43 GMT+7

Tổ kiểm dịch thực vật (KDTV) tại H. Đức Trọng (Lâm Đồng), thuộc Chi cục KDTV vùng 2 đi vào hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoa, nhưng thực tế đang phát sinh những khó khăn.

 Hoa cúc Đà Lạt
Hoa cúc Đà Lạt canh tác theo công nghệ cao để xuất khẩu - Ảnh: Lâm Viên

Trước đây việc KDTV hoa tươi, rau quả ở Lâm Đồng được Chi cục KDTV vùng 2 ủy quyền cho Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thực hiện. Từ đầu tháng 11.2013, việc KDTV hoa, rau quả do tổ KDTV Đức Trọng đảm nhận. Cán bộ KDTV đến tận kho từng đơn vị chủ hàng kiểm tra hàng hóa, giám sát qui trình xử lý trước khi xuất khẩu. Kết quả kiểm tra sẽ là căn cứ để Chi cục KDTV vùng 2 cấp chứng thư kiểm dịch cho lô hàng xuất khẩu. Chỉ các lô hàng không có côn trùng thì mới được cấp chứng nhận KDTV để xuất khẩu. Đây là việc làm cần thiết trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Tuy nhiên do cách làm quá “cứng” của cán bộ KDTV đang làm nản lòng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hoa.

Nội dung KDTV chủ yếu là phát hiện côn trùng, dịch hại trong hoa thành phẩm. Nếu côn trùng còn sống thì doanh nghiệp phải hủy chuyến hàng, hoặc xử lý lại toàn bộ lô hàng để tái kiểm, nếu đạt mới được cấp giấy chứng nhận. Một chủ DN cho biết thực tế, với thị trường Úc họ có qui định, tất cả các nguồn hoa tươi nhập khẩu đều phải xử lý khử trùng trước khi nhà nhập khẩu tiếp nhận (chi phí khử trùng khoảng 300USD/ lần, doanh nghiệp xuất khẩu phải trả). Đây là qui định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ môi trường của họ, nhưng đồng thời cũng là một “lối mở” cho các nhà xuất khẩu, miễn phía mua hàng đồng ý tiếp nhận. Cho nên, việc siết chặt tiêu chuẩn xuất khẩu hoa có côn trùng sống do tổ KDTV Đức Trọng thực hiện là quá mức cần thiết với thị trường Úc, đang gây khó cho các doanh nghiệp. Mặt khác do tổ kiểm dịch đóng tại H.Đức Trọng chưa có phương tiện đi lại, nên mỗi khi doanh nghiệp nào có nhu cầu KDTV đều phải bố trí xe đưa đón…làm phát sinh chi phí cho phía DN.

Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho rằng, qui trình KDTV mới giúp ngành chức năng đi sâu sát với thực tế cơ sở, đồng thời giúp các DN từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành trồng hoa Việt Nam đang rất khó tìm được thị trường xuất khẩu, ngành KDTV cần linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho các DN xuất khẩu hoa, miễn sao nước nhập khẩu chấp nhận.

Ngày 3.12, ông Đặng Văn Hoàng, Chị cục trưởng Chi cục KDTV vùng 2 thừa nhận các doanh nghiệp xuất khẩu hoa ở Đà Lạt có phàn nàn việc KDTV đang gây khó cho họ. Ông Hoàng khẳng định việc KDTV được áp dụng đúng qui trình nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của hàng hóa. Về lâu dài việc này sẽ giảm rủi ro cho các DN trong nước và giữ vững được thị trường xuất khẩu. Ông Hoàng cho biết thêm: “Qua phản ánh của các DN như Dalat Hasfarm, Công ty Rừng Hoa…chúng tôi sẽ linh hoạt hơn, vận dụng tối đa việc KDTV phù hợp với yêu cầu của mỗi nước nhập khẩu để DN xuất khẩu có lợi nhất. Bên cạnh đó các DN phải ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu”. Ông Hoàng thừa nhận hiện tại tổ KDTV Đức Trọng đang thiếu nhân lực và phương tiện, chưa hiểu rõ đường sá, nên bước đầu các DN có cho xe đưa đón. Sắp tới Chi cục KDTV 2 sẽ đào tạo và huấn luyện 9 cán bộ KDTV để thành lập Trạm KDTV, lúc đó sẽ có cán bộ cắm chốt ở các địa bàn, thuận lợi hơn cho các DN xuất khẩu hoa và rau quả ở Lâm Đồng.

Lâm Viên

>> Cấp chứng nhận nhãn hiệu 'Hoa Đà Lạt
>> Tham quan Rừng hoa Đà Lạt
>> Người trồng hoa Đà Lạt thiếu hạt giống để sản xuất
>> Nghịch lý cấp chứng nhận “Hoa Đà Lạt”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.