Kiểm định chất lượng giáo dục: Bộ chỉ nên giám sát

21/12/2010 00:20 GMT+7

Có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) mà Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành.

Dự thảo nêu: "Tổ chức KĐCLGD là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực KĐCLGD, do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập hoặc cho phép thành lập". Bên cạnh đó, đề án của Bộ GD-ĐT về việc này trong giai đoạn 2011-2020 quy định: “Các tổ chức nhà nước sẽ do Bộ GD-ĐT thành lập, trong giai đoạn từ năm 2011-2015 chỉ có tổ chức do Bộ thành lập”. Lý do là để “thống nhất quy trình đánh giá, đảm bảo sự khách quan, công bằng về kết quả đánh giá”.

Công nhận kết quả của chính mình

Theo một số chuyên gia giáo dục thì quy định này sẽ làm cản trở hoạt động kiểm định vốn cần sự bình đẳng, công khai, minh bạch và cạnh tranh.

GS Nguyễn Quang Toản - Viện trưởng Viện Kiểm định và phát triển chất lượng - Chủ tịch Hội Chất lượng TP. HCM cho rằng: “Việc Bộ GD-ĐT thành lập ra các tổ chức kiểm định để thực hiện kiểm định, đồng thời lại là cơ quan công nhận kết quả thì sẽ không thể khách quan và minh bạch được”. Ông Toản nhấn mạnh: “Đây là mô hình chưa từng có trên thế giới. Nếu cứ tiếp tục làm như vậy thì việc kiểm định giáo dục sẽ lúng túng không biết đến bao giờ mới thoát được ra”.

GS Phạm Phụ - trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng cho biết: “Việc kiểm định phải để cho các tổ chức dân sự thực hiện. Bộ chỉ kiểm tra, thanh tra, đánh giá và công nhận các tổ chức này”.

Một GS khác nói: “Trong thời gian qua, Bộ trực tiếp làm công tác kiểm định, rồi lại công nhận kết quả kiểm định của chính mình nên đã nảy sinh tình trạng thiếu độc lập, khách quan, trung thực trong đánh giá. Hệ quả là sau 5 năm kiểm định mà vẫn chưa công bố kết quả. Nay tổ chức kiểm định do Bộ thành lập thì bản chất vẫn là Bộ kiểm định mà thôi”.

Sẽ không đảm bảo được tính khách quan

Việc Bộ GD-ĐT thành lập ra các tổ chức kiểm định để thực hiện kiểm định, đồng thời lại là cơ quan công nhận kết quả thì sẽ không thể khách quan, minh bạch được

 GS Nguyễn Quang Toản

Theo đề án xây dựng và phát triển hệ thống KĐCLGD đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020, từ năm 2016-2020 mới có thể hình thành các tổ chức KĐCLGD do tổ chức, cá nhân thành lập. Tuy nhiên dự thảo về việc thành lập tổ chức KĐCLGD quy định: các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập tổ chức KĐCLGD phải nộp hồ sơ cho Bộ GD-ĐT. Nếu hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập. Bộ GD-ĐT cũng xem xét cấp hay không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KĐCLGD.

Một số chuyên gia cho rằng Bộ là cơ quan cấp phép cho các tổ chức kiểm định sẽ không đảm bảo được tính khách quan, minh bạch. GS Phạm Phụ băn khoăn: “Theo Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện KĐCLGD thì việc Bộ đứng ra cấp phép cho các tổ chức kiểm định của tổ chức và tư nhân không có gì sai nhưng lâu nay việc phải xin phép như vậy bao giờ cũng bị biến thành chuyện xin cho tiêu cực”.

Một chuyên gia khác nói: “Bộ được cấp phép thì Bộ cũng có quyền giải thể những tổ chức đó. Vì vậy các tổ chức này sẽ phải tuân thủ “vô điều kiện” những yêu cầu của Bộ. Như vậy thì làm sao gọi là độc lập, khách quan?”.

Theo GS Nguyễn Quang Toản thì các tổ chức KĐCLGD cần được xem như một tổ chức khoa học, công nghệ và sẽ được thành lập và quản lý theo Luật Khoa học, Công nghệ. Các tổ chức này sẽ hoạt động như một doanh nghiệp và chỉ cần đăng ký hoạt động với Sở KH-ĐT, hoặc đăng ký hoạt động chuyên môn với Bộ GD-ĐT.

Bộ có quyền giám sát, theo dõi hoạt động của các tổ chức này đồng thời có quyền công nhận hoặc không công nhận kết quả kiểm định của các tổ chức đó. Như vậy thì mới đúng bản chất của việc kiểm định và có thể hội nhập được với các nước trên thế giới.

Thế nào là kiểm định chất lượng giáo dục?

Đó là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. KĐCLGD gồm có “KĐCL cơ sở giáo dục” (còn gọi là kiểm định trường) và “KĐCL chương trình giáo dục” (còn gọi là kiểm định chương trình).

Kiểm định trường được áp dụng đối với tất cả các cơ sở giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo. Kiểm định chương trình được áp dụng đối với các chương trình giáo dục các trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và TCCN.

(Trích dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục)

Vũ Thơ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.