Hiện Quảng Nam vẫn còn cả ngàn mét khối gỗ lậu bị tịch thu không thể bán được. Riêng Hạt kiểm lâm Đại Lộc đã tồn kho đến 334,8 mét khối. Tại Trạm kiểm lâm cơ động số 2 cũng có trăm khối gỗ các loại nằm ngổn ngang trong sân. Tại Trạm kiểm soát liên ngành đóng tại xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc), gỗ tồn kho đã tràn ngập cả khuôn viên, thậm chí nằm tràn ra cả đường dù trạm đã tận dụng những khoảng đất trống phía trước để chất gỗ. Tại Hạt kiểm lâm Nam Giang đóng ở thị trấn Thạnh Mỹ hay Trạm kiểm lâm Tà lơ, gỗ nằm la liệt, phơi nắng phơi mưa.
Vì sao không thể bán thanh lý gỗ? Theo một lãnh đạo ngành kiểm lâm Quảng Nam, giá bán còn cao (dù UBND tỉnh đã nhiều lần giảm giá), quy trình và thủ tục bán đấu giá các lô gỗ lớn còn nhiêu khê, rườm rà, qua nhiều khâu, nhiều cửa. Thứ hai, là do tình hình xây dựng chững lại, nhu cầu sử dụng gỗ trong xây dựng không cao. Chưa kể còn có nguyên nhân thương lái thông đồng, ép giá, chê ỏng chê eo quy cách và chất lượng gỗ...
Theo ông Diệp Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam - mới đây, một số lô gỗ phải giảm giá từ 20 - 30% mới tìm được người mua. Tình trạng gỗ thu giữ không bán thanh lý được đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Theo một cán bộ của kiểm lâm Đại Lộc, gỗ lậu sau khi bị phát hiện, thu giữ cần phải bốc vác, vận chuyển về. Nhưng lấy đâu ra kinh phí để trả công cho người bốc vác, cho chủ xe hay chủ ghe vận chuyển gỗ? Một nhân viên kiểm lâm nói: "Lần thứ nhất nợ, họ cười; lần thứ hai nợ, họ cũng không nói gì, chứ lần thứ ba mà nói nợ công bốc vác nữa thì họ chửi thẳng mặt. Thời giờ ai đi làm không công".
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, để giải quyết tình trạng này, cần có cơ chế cho phép phân gỗ thanh lý thành lô nhỏ (từ 1 - 3 hay 3 - 5 mét khối/lô) rồi thông báo bán rộng rãi cho người dân thay vì cách làm bán khối lượng lớn như hiện nay. Ai cần đều có thể đến đấu giá mua theo quy định. Với cách làm này, gỗ thanh lý sẽ bán được, không bị hư hỏng, thu ngân sách kịp thời.
H.T
Bình luận (0)