Kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới trên cơ sở đảm bảo mục tiêu kép

24/11/2023 14:00 GMT+7

Tình trạng buôn lậu thuốc lá mới ngày càng phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Do vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần nhanh chóng kiểm soát mặt hàng này, nhất là khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ trình Chính phủ phương án kiểm soát vào quý 4 năm nay.

Không một loại thuốc lá nào được tiếp cận giới trẻ

Là một trong những quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) sớm nhất - từ năm 2005, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong chiến lược kiểm soát thuốc lá, đặc biệt là các biện pháp ngăn chặn sự tiếp cận của giới trẻ.

Theo GS.TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, kết quả điều tra mới đây cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh, tại nhà giảm từ 47,7% năm 2014 xuống 24,5% trong năm 2022; tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; tại trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thuốc lá mới (TLM) nhập lậu tràn lan mà không chịu bất kỳ rào cản nào của pháp luật. Dù tác hại của TLM đối với giới trẻ liên tục được cảnh báo, nhưng tỷ lệ sử dụng sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, trong khi năm 2019 là 2,6%.

Tại tọa đàm "Thực trạng TLM và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng" ngày 19/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phản ánh: "Đối tượng buôn lậu TLĐT chỉ nhắm đến đối tượng là giới trẻ và trẻ em. Ngoài hình thức, thì hương vị của các loại thuốc lá lậu này rất hấp dẫn, thu hút các bạn trẻ".

Căn cứ vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và chiến lược trong FCTC, ông Tạ Văn Hạ đề xuất phải cấm mọi sản phẩm thuốc lá - dù là TLM hay thuốc lá điếu - đến đúng đối tượng, đúng phạm vi, như cấm quảng cáo, mua bán, cho tặng… đối với trẻ em.

Đảm bảo mục tiêu kép và hài hòa trong quản lý

Trước những vấn nạn do buôn lậu TLM hiện nay, đã có đề xuất cho rằng cần cấm TLM để bảo vệ giới trẻ. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, hướng cấm đoán này chỉ đang đi vào khía cạnh sức khỏe cộng đồng, trong khi thuốc lá là vấn đề liên quan đến mọi mặt xã hội, quy luật cung cầu của hàng hóa, sự phát triển kinh tế thị trường và cả hệ thống pháp luật hiện hành. Mặt khác, ông cũng nêu rõ vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành và phạm vi bao hàm của luật. Cụ thể, luật PCTHTL đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá (người chưa đủ 18 tuổi) và giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Về góc độ người hút thuốc, cho đến nay Việt Nam vẫn thuộc tốp đầu các quốc gia tiêu thụ thuốc lá điếu cao nhất thế giới, bất chấp các nỗ lực hỗ trợ cai thuốc miễn phí của ngành y tế. Vì vậy, cần thay đổi cách tiếp cận để có thể giảm tối đa mức độ tác hại, thay vì phó mặc cho thực trạng tiếp tục hút thuốc lá điếu như hiện nay.

Dẫn chứng cho vấn đề này, tại Diễn đàn Nicotine Toàn cầu (GFN) lần thứ 10 vừa qua, ThS.BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng Quát và Y học Gia đình, Bệnh Viện FV cho biết, 90% người hút thuốc ở Việt Nam đều muốn bỏ thuốc nhưng chưa thành công.

Kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới trên cơ sở đảm bảo mục tiêu kép - Ảnh 1.

Phần phát biểu của BS. Phương tại GFN 2023.

Vì vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, cần xem xét áp dụng cách tiếp cận theo hướng giảm tác hại, thay thế thuốc lá điếu song song với chiến lược cai thuốc lá điếu hoàn toàn.

Tại tọa đàm "Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc TLM" vào tháng 8/2023, BS. Phương cũng bày tỏ quan điểm, nên cung cấp hợp pháp các sản phẩm TLM đã được khoa học chứng minh về mức độ giảm tác hại cho bệnh nhân hoặc người dùng trưởng thành, đồng thời vẫn cấm mọi loại thuốc lá đối với người dưới 18 tuổi.

Kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới trên cơ sở đảm bảo mục tiêu kép - Ảnh 2.

BS. Phương cùng các chuyên gia y tế toàn cầu tại GFN 2023 (thứ hai từ phải qua)

Tương tự, tại sự kiện Technovation lần thứ 7 vừa qua, ông Gregoire Verdeaux, Cựu Giám đốc Chiến lược và Tài chính UNITAID, thuộc WHO đề xuất: "Chúng ta cần theo đuổi mục tiêu kép cùng một lúc. Một mặt là đề xuất sản phẩm thay thế phù hợp dành cho những người hút thuốc trưởng thành không thể hoặc không muốn cai thuốc lá. Mặt khác là ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng TLM trong giới trẻ".

Kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới trên cơ sở đảm bảo mục tiêu kép - Ảnh 3.

Ông Gregoire Verdeaux tại sự kiện Technovation 7

Thực tế, đã có nhiều quốc gia thành công với chiến lược trên, điển hình như Thụy Điển, New Zealand, Anh, Nhật... Những người quyết tâm cai thuốc sẽ được hỗ trợ các biện pháp cai miễn phí. Trong khi đó, những người có nhu cầu sử dụng thuốc lá hoặc nicotine thì cần được khuyến khích chuyển đổi sang các giải pháp giảm tác hại, thay vì hút thuốc lá điếu. Các chuyên gia nhận định, các chính sách này song hành và bổ trợ cho nhau, nhằm thúc đẩy người hút thuốc không còn phụ thuộc vào thuốc lá điếu. Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn để Việt Nam tham khảo trong quá trình ban hành chính sách kiểm soát TLM, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTHTL về kinh doanh thuốc lá, để có hình thức quản lý phù hợp. Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm nay. Nếu có sản phẩm TLM nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa TLM vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.