Kiểm soát đà tăng của giá xăng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
31/05/2022 06:47 GMT+7

Xăng được dự báo có thể tăng lên đến 32.000 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh giá vào ngày mai (1.6).

Xăng có thể lên 32.000 đồng/lít

Dữ liệu giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật từ Bộ Công thương đến ngày 27.5 cho thấy các mặt hàng nhiên liệu tiếp tục tăng mạnh. Xăng RON92 lên 146,08 USD/thùng, xăng RON95 lên 154,26 USD/thùng, dầu diesel lên 149,49 USD/thùng. 10 ngày trước đó (ngày 17.5), giá xăng RON92 là 146,32 USD/thùng, xăng RON95 150,32 USD/thùng và dầu diesel là 141,15 USD/thùng.

Giá xăng dự kiến tăng tiếp trong ngày 1.6

Ngọc Dương

Trả lời Thanh Niên chiều 30.5, một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu tại TP.HCM tính toán giá xăng tại kỳ điều hành tới sẽ tăng mức cao nhất khoảng 700 - 800 đồng/lít, lên sát mốc 32.000 đồng/lít. Ông nói: “Hiện tại một số DN đầu mối tư nhân không dám nhập khẩu hàng về nữa vì càng nhập càng lỗ. Nếu tạm ngưng nhập khẩu, DN chỉ lỗ chi phí quản lý, không phải lỗ thêm chi phí hàng hóa. Ngay DN của tôi kỳ này đang bán chủ yếu hàng tồn. Với tình hình này, trong năm nay xăng có thể lên đến 35.000 đồng/lít chứ chưa dừng ở mức 31.000 - 32.000 đồng”.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5 đã tăng hơn 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12.2021 và tăng 2,86% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cơ quan này điểm mặt 3 mặt hàng xăng dầu, lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng giá là nguyên nhân đẩy CPI tăng mạnh. Với mặt hàng xăng dầu, qua 13 đợt điều chỉnh trong 5 tháng đầu năm, giá xăng RON95 đã tăng 7.360 đồng/lít; xăng E5 RON92 tăng 7.080 đồng/lít và dầu diesel tăng 7.980 đồng/lít. Tính bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 49,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8%. Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, khiến giá gas 5 tháng đầu năm tăng 26,67% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,39%.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú dự báo mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong 2 quý cuối năm sẽ tăng thêm 15 - 17% nữa nếu giá xăng dầu cứ tăng đều đều thế này. “Thực tế giá cả đã tăng âm thầm cao hơn nhiều so với mức chúng ta đang thống kê. Đầu tháng 7 tới sẽ áp mức lương cơ bản mới. Theo tôi, để kiềm chế lạm phát, hiện chỉ có một giải pháp duy nhất là kiềm chế giá xăng dầu. Có nhiều biện pháp đưa ra để giúp hạ nhiệt giá xăng dầu từ tháng 3, nhưng diễn biến của thị trường hiện nay cho thấy chúng ta chưa kiềm chế giá nhiên liệu đủ tốt để thoát lạm phát”, ông Phú nói.

Giảm tiếp các loại thuế

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng khó có biện pháp nào lúc này có thể kiềm chế giá xăng dầu theo kiểu “nhanh, gọn, lẹ” được. Trong điều hành giá, cần thiết có biện pháp khẩn cấp để kiềm chế đà tăng. Song với mặt hàng xăng dầu lại rất khó bởi dư địa để giảm giá như chúng ta đề cập lâu nay là thuế, thường phải được Thường vụ Quốc hội thông qua. Các bộ quản lý sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá thì nay quỹ đã âm rồi, không còn tác dụng nhiều nữa để hạ nhiệt giá xăng.

“Bảo giảm lợi nhuận của DN đầu mối, nhưng nhiều DN đầu mối tư nhân đã giảm nhập bởi không có lãi. Thế nên để hạ nhiệt đà tăng giá xăng dầu theo đà tăng của thế giới, chỉ còn công cụ giảm thuế và chấp nhận đánh đổi nguồn thu ngân sách giảm để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ông Long kết luận.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn, nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng. Đó là giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường.

Theo các nhà phân tích tại Công ty dịch vụ tài chính JP Morgan Chase & Co và Bank of America, việc gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga có thể đẩy giá dầu lên đến 185 - 200 USD/thùng. Gần đây, chính phủ các nước đưa ra nhiều biện pháp chính sách ứng phó. Mỹ mở kho giải phóng hàng chục triệu thùng dầu thô; Ireland cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel cho đến cuối tháng 8 năm nay; Bồ Đào Nha cũng giảm thuế đặc biệt đánh vào nhiên liệu từ tháng 3.2022; Hà Lan giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%. Ngoài ra, Hà Lan cũng tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 lên 800 euro…

Ông Vũ Vinh Phú nhận định các nước đẩy mạnh giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt với giá xăng dầu, VN có thể áp dụng bằng biện pháp khẩn và trình Quốc hội như giải pháp tạm thời. Còn ông Ngô Trí Long đề cập đến quỹ an sinh xã hội hỗ trợ vào giá xăng như một số nước làm và Quốc hội cũng đề cập. Tuy nhiên, quỹ an sinh hỗ trợ giá xăng cũng chỉ áp dụng cho một số đối tượng khó khăn nào đó, không thể cho toàn xã hội. Trong khi cả nền kinh tế đang cần có giá xăng dầu không tăng vũ bão như hiện nay, nên giải pháp phù hợp nhất lúc này chỉ là công cụ thuế.

Thu ngân sách chiếm 30 - 40% giá bán lẻ xăng dầu trên mỗi lít xăng là mức khá cao. Nhìn vào đây để thấy dư địa còn rất lớn và chính Bộ Công thương cũng cho rằng công cụ để giảm giá xăng dầu là có. Thế nên hơn lúc nào hết, việc điều tiết giảm thuế để hạ nhiệt giá nhiên liệu là cần thiết.

TS Vũ Đình Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.