Kiểm soát đồng bộ các sản phẩm thuốc lá mới: liệu có khả thi?

25/08/2023 17:00 GMT+7

Trước thực trạng gia tăng sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ, giới chuyên gia cùng đại diện các bộ, ngành đều cho rằng: Những sản phẩm thuốc lá mới nào phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì cần quản lý ngay để kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn lậu leo thang.

Đây cũng là cơ sở thực tiễn để hoàn thiện việc quản lý cho các sản phẩm cùng loại trong tương lai. Do đó, việc chờ đợi nghiên cứu quá lâu để quyết định khung pháp lý áp dụng cùng lúc cho tất cả các loại thuốc lá mới là không cần thiết, trong khi có thể quản lý từng loại theo tiến độ phù hợp. Càng để lâu, lỗ hổng trong việc kiểm soát thuốc lá mới càng dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát thị trường chợ đen.

Lo ngại về tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá mới trong giới trẻ 

Dù chưa được luật hóa, các sản phẩm thuốc lá mới đã được giao dịch phổ biến, dễ dàng trong cộng đồng. Theo thống kê trước đây của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (TLĐT) năm 2020 ở nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015, đặc biệt tập trung nhiều ở nhóm tuổi 15-24 tuổi. 

Sau 3 năm, để kiểm chứng tình hình hiện tại, khảo sát gần đây nhất về tình hình sử dụng thuốc lá mới ở học sinh Hà Nội từ 12 - 17 tuổi do Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) thực hiện đã được công bố trong Tọa đàm "Dựng hàng rào pháp lý ngăn giới trẻ tiếp cận" của báo VietnamPlus

Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh đang hút TLĐT chiếm 13,8%, thuốc lá điếu là 6,7% và thuốc lá làm nóng (TLLN) là 3,2%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới tăng dần theo độ tuổi. Nhóm học sinh 12 tuổi thì không hút TLLN, nhưng đến 17 tuổi thì có 5,5%. Trong khi đó, đối với TLĐT, có 9,7% học sinh 12 tuổi và 17.6% học sinh 17 tuổi đang sử dụng trái phép. 

Kiểm soát đồng bộ các sản phẩm thuốc lá mới: liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, đây đều là những con số đáng lo ngại. Do vậy, phần lớn bộ ban ngành liên quan đều đồng ý cần nhanh chóng áp dụng khung pháp lý sẵn có để kiểm soát các loại thuốc lá mới phù hợp với định nghĩa của Luật.

Tính pháp lý của thuốc lá mới: Việc quản lý đồng bộ có thể là rào cản

Việc quản lý thuốc lá mới đã được xác định là khẩn cấp và cần thiết thay vì cấm đoán cực đoan. Trên thực tế, thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện. Do vậy, nếu đã là thuốc lá thì việc kiểm soát là tất yếu.

Thế nhưng, biện pháp quản lý thuốc lá mới vẫn đang được thảo luận, bởi dù cùng là thuốc lá mới nhưng TLĐT và TLLN khác nhau về cách thức vận hành và nguyên liệu. TLLN có nguyên liệu thuốc lá tương tự thuốc lá điếu, cùng lấy nicotine trực tiếp từ cây thuốc lá. Do đó, các chuyên gia khẳng định, TLLN là thuốc lá nên phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) 2012. Đồng thời, sản phẩm này cũng được WHO xác định là thuốc lá và yêu cầu các quốc gia quản lý theo quy định hiện hành.

Tại hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" tháng 7.2023, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh: "TLLN là thuốc lá, tỷ lệ carbon monoxide gây hại là thấp hơn, nhưng chỉ với các sản phẩm chất lượng. Nếu không đưa vào kiểm soát, không coi TLLN là thuốc lá thì hậu quả gây ra là giới trẻ tự do sử dụng các sản phẩm này. Vô hình trung, các đối tượng trẻ này có thể hút các loại thuốc lá mới, dù có thật sự giảm tỷ lệ các chất độc hại hơn đi nữa, nhưng đã là thuốc lá là phải có tác hại".

Kiểm soát đồng bộ các sản phẩm thuốc lá mới: liệu có khả thi? - Ảnh 2.

Riêng TLĐT thì không chứa nguyên liệu thuốc lá, chỉ chứa nicotine tổng hợp được pha thêm vào dung dịch để hóa hơi. Cấu tạo của TLĐT cũng vô cùng đa dạng, có hoặc không có nicotine, có thể hoặc không thể thêm các chất khác, sử dụng 1 lần hay nhiều lần... Do vậy, trong hội thảo "Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới" ngày 18.8, bà Nguyễn Thị Cúc cũng nêu quan ngại về tính pháp lý của TLĐT. "Mặc dù luật không cấm, nhưng cũng không văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép sản xuất, kinh doanh TLĐT. Nếu TLĐT không có lá thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, vậy làm sao để xác định đây là sản phẩm thuốc lá để áp dụng quy định hiện hành?", bà Cúc đặt câu hỏi.

Vấn đề quản lý thuốc lá mới đã được các chuyên gia thảo luận hơn 6 năm qua, kể từ lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương sớm đề xuất cơ chế quản lý đối với các sản phẩm này. Trong suốt thời gian này, sự khác nhau về quan điểm đã dẫn đến tình trạng trì hoãn quyết định. Trong khi đó, thị trường chợ đen ngày càng làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ với nhiều hình thức tinh vi, biến tướng. Nặng nề nhất là hệ lụy do tội phạm ma túy pha trộn các chất cấm vào thiết bị TLĐT, hoặc dùng tiền để dụ dỗ học sinh. Từ "khách hàng", một số học sinh đã vô tình trở thành "nhà phân phối" trong trường học, bị dụ dỗ để kiếm tiền cho các đối tượng tội phạm.

Vì vậy, đại diện các bộ ngành và chuyên gia đều bức xúc và mong muốn sớm đưa các mặt hàng này vào quản lý chặt chẽ. Thế nhưng để làm điều này không thể là chuyện sớm chiều. Chính vì thế, có ý kiến cho rằng quản lý mọi loại sản phẩm thuốc lá mới là cần thiết, nhưng để giảm tải gánh nặng cho các bộ ngành cũng như hoàn thiện hệ thống quản lý, cần triển khai ngay với những loại thuốc lá mới nào đã phù hợp với luật như TLLN. Đây cũng là bước đi phù hợp để từng bước kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá mới, thay vì chờ đợi hoặc mạo hiểm kiểm soát đồng loạt trong khi hệ thống quản lý chưa hoàn thiện, các nguồn lực y tế còn đang thiếu hụt, kinh nghiệm thực tiễn vẫn chưa toàn diện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.