Kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn

28/12/2018 00:00 GMT+7

Kháng sinh là nhóm thuốc đứng đầu trong các thuốc được báo cáo về các phản ứng không mong muốn. Cục Quản lý dược đang triển khai đề án kiểm soát thuốc kê đơn, chú trọng sử dụng kháng sinh an toàn.

Thuốc tiêm truyền đứng đầu về tỷ lệ phản ứng

Thông tin về các phản ứng có hại của thuốc (ADR) được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cùng các đơn vị liên quan thực hiện và giám sát, kiểm soát và cảnh báo.
Đến ngày 31.10.2018 đã có 14.487 báo cáo Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI&ADR Quốc gia) và Trung tâm DI&ADR khu vực TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý, đạt 154,7 báo cáo/1 triệu dân. Trong đó, 11.720 báo cáo ADR được gửi từ các cơ sở khám chữa bệnh, 1.663 báo cáo ADR xảy ra trên lãnh thổ VN từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm và 1.715 báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại VN.
Theo quy định hiện hành, cán bộ y tế có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, xử trí và báo cáo phản ứng có hại của thuốc về Trung tâm Quốc gia hoặc Trung tâm khu vực TP.HCM về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Số báo cáo nhận được từ các cơ sở khám chữa bệnh trong năm 2018 là 11.720 tăng 34% so với năm 2017 (8337 báo cáo). Báo cáo từ cơ sở khám chữa bệnh vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ lớn nhất (29,1%), tiếp đến là Đông Nam bộ (23,8%). 63/63 tỉnh, thành phố đã tham gia gửi báo cáo ADR, trong đó Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ báo cáo nhiều nhất, chiếm tỷ lệ tương ứng là 18,5% và 19,5% tổng số báo cáo của tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.
Bệnh nhân nhận thuốc tại BV Nhiệt đới TP.HCM Ngọc Dương
Thông tin về bệnh nhân trong báo cáo ADR cho thấy, trong tổng số 11.172 báo cáo có 51 báo cáo liên quan đến chất lượng thuốc. ADR thường ghi nhận nhiều nhất ở nhóm đối tượng người trưởng thành từ 18-60 tuổi (59,6%); tiếp theo là đối tượng người cao tuổi (>60 tuổi) là 21,1%; ADR ở trẻ em từ 1-12 tháng tuổi và trẻ dưới 1 tuổi cũng chiếm một tỷ lệ đáng lưu ý tương ứng là 9,2% và 5,1%. Nữ giới được ghi nhận có tỷ lệ gặp ADR (56,8%) cao hơn so với nam giới.
Các báo cáo cho thấy, phản ứng có hại xảy ra ở hầu hết các đường dùng thuốc. Tuy nhiên, phản ứng có hại xảy ra khi dùng thuốc bằng đường tiêm, truyền tĩnh mạch chiếm tỷ lệ cao nhất (40%), tiếp theo là đường uống (24,4%).

Chú trọng sử dụng kháng sinh an toàn

- Bệnh nhân nhận thuốc tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM
Bệnh nhân khám bệnh tại BV Nhiệt đới TP.HCM Ngọc Dương
Nhóm thuốc kháng khuẩn dùng đường toàn thân là nhóm thuốc được báo cáo nhiều nhất (72,9%) về các phản ứng không mong muốn. Tiếp theo là nhóm thuốc tác dụng trên hệ thần kinh (12%), nhóm thuốc tác dụng lên hệ xương (11,5%).
Các kháng sinh nhóm beta-lactam khác (cephalosporin thế hệ từ 1-4, carbapenem) là nhóm kháng sinh có tỷ lệ báo cáo nhiều nhất (33,1%). Tiếp theo là nhóm thuốc điều trị lao (11,4%) và thuốc chống viêm, chống thấp khớp (9,9%).
Các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại xuất hiện nhiều nhất trong các báo cáo ADR thuộc 3 nhóm chính. Cụ thể: Nhóm thuốc kháng sinh nhiều nhất với 7 đại diện là cefotaxim, ciprofloxacin, ceftriaxon, ceftazidim, amoxicillin/chất ức chế betalactamase, levofloxacin và vancomycin (trong đó, Cefotaxim vẫn là thuốc nghi ngờ gây ra ADR được báo cáo nhiều nhất, với tỷ lệ 10,5%); Nhóm thuốc điều trị lao (ethambutol, rifampicin/isoniazid/pyrazinamid); Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm (diclofenac).
Theo quyết định 4041/QĐ-BYT năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, Cục Quản lý dược là đơn vị thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; Đầu mối phối hợp với các đơn vị xây dựng trình cấp thẩm quyền ban hành quy định về thực hành tốt bán thuốc kê đơn.
Đề án thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và bán thuốc kê đơn trong đó tập trung kiểm soát kê đơn kháng sinh và bán thuốc kháng sinh. Theo đó, trong giai đoạn 2017-2018; Bộ Y tế phối hợp Sở Y tế triển khai đề án tại tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ. Giai đoạn 2 (2018-2020): Mở rộng đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên toàn quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.