Ngăn chặn thảm nạn giao thông nửa đêm về sáng:

Kiểm soát không nghiêm, thảm họa còn rình rập

07/03/2023 07:06 GMT+7

Các quy định giám sát phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa và xử phạt chủ xe, tài xế vi phạm luật, quy định về an toàn giao thông đường bộ đã đầy đủ, nhưng khi công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm thì các tài xế, chủ doanh nghiệp vẫn chủ quan.

Tài xế chạy xuyên đêm

Đầu tháng 2.2023, PV Thanh Niên có dịp ngồi cùng xe khách 16 chỗ của một công ty du lịch xuất phát từ TP.HCM đi tỉnh Siem Reap (Campuchia) với quãng đường gần 500 km, dự kiến đi trong vòng 12 giờ đồng hồ. 15 giờ, xe xuất phát từ Q.Tân Bình (TP.HCM) do tài xế tên T. cầm lái, trên xe có 14 người. Thấy đường xa mà có một người lái, nhiều khách thắc mắc thì tài xế giải thích: "Do công ty thiếu tài xế, chuyến này một mình em chạy. Em có kinh nghiệm chạy xe khách đường dài hơn 10 năm rồi".

Kiểm soát không nghiêm, thảm họa còn rình rập  - Ảnh 1.

Xe khách giường nằm bị tai nạn lúc 1 giờ 35 ngày 21.2 trên QL1 (H.Núi Thành, Quảng Nam) khiến 3 người tử vong, 11 người bị thương

MẠNH CƯỜNG

Sau khi nhập cảnh Campuchia, càng về khuya, trên đường xe đông, xe ngược chiều liên tục bật đèn pha, tài xế T. một tay ôm vô lăng, tay còn lại liên tục cầm lon nước tăng lực uống và dùng khăn lau mặt. Thấy khách trên xe lo lắng, tài xế T. trấn an: "Chạy ban đêm hơi cực một tí, nên phải uống nước và lau mặt cho luôn tỉnh táo để lái xe, mọi người đừng quá lo lắng"...

Trong thời gian nghỉ chớp nhoáng, tài xế T. xuống xe ăn vội bánh mì, nằm trên ghế tranh thủ ngủ một lát rồi tiếp tục hành trình và đến Siem Reap lúc rạng sáng.

Hai ngày sau, tài xế T. tiếp tục điều khiển xe khách 16 chỗ chở đoàn khách 14 người về lại TP.HCM. Xe xuất phát từ 7 giờ sáng và di chuyển liên tục. Hơn 17 giờ chiều (hơn 10 giờ đồng hồ sau khi xuất phát), trên xe có tín hiệu phát ra. Tài xế T. liền giải thích đó là tín hiệu của thiết bị giám sát báo quá giờ lái xe.

Tài xế lái xe du lịch phải chịu áp lực về thời gian do công ty đề ra, sức ép của khách đi trên xe nên việc thực hiện quy định thời gian chạy xe không quá 10 giờ/ngày, không chạy liên tục 4 giờ là điều rất khó.


Tài xế T.

Tài xế T. cho hay trên các xe khách theo quy định phải gắn thiết bị giám sát hành trình để công ty quản lý. Khi xe di chuyển liên tục, quá giờ quy định sẽ phát ra tín hiệu để tài xế dừng xe nghỉ ngơi. Thế nhưng, phần lớn vì áp lực thời gian nên các tài xế đều phớt lờ cảnh báo này. Còn việc bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt thì công ty sẽ lo.

"Tài xế lái xe du lịch phải chịu áp lực về thời gian do công ty đề ra, sức ép của khách đi trên xe nên việc thực hiện quy định thời gian chạy xe không quá 10 giờ/ngày, không chạy liên tục 4 giờ là điều rất khó", tài xế T. nói và thừa nhận việc chạy quá thời gian quy định là nguy hiểm nhưng vẫn chạy để không bị trừ lương.

"Tôi đang chạy cho chủ xe tuyến Quy Nhơn (Bình Định) - TP.HCM, lộ trình khoảng 10 giờ đồng hồ, 2 tài thay nhau chạy trong đêm, chưa kể giờ nghỉ. Trước đây, khi chạy cho chủ xe cũ, cũng với tuyến đường đó, một mình tôi ôm vô lăng chạy suốt", một tài xế tên Th. kể và cho rằng: "Cũng vì có lúc do thiếu tài xế, vì chạy một tài thì có thêm tiền nên bất đắc dĩ làm vậy, chứ nguy cơ tai nạn cũng đáng lo lắm".

Nguy cơ tai nạn thảm khốc

Liên quan tình trạng trên, ông L.V.T. (chủ doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết 10 xe chở khách của công ty đều gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Bên cạnh đó, nếu xe chở khách di chuyển quãng đường từ 300 km trở lên, đi qua đêm thì công ty sẽ bố trí 2 tài xế thay phiên lái xe để đảm bảo an toàn.

Theo ông V.T., quy định không được lái ô tô quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ rất rõ ràng, hầu hết các hãng xe khách lớn, chạy đường dài đều tuân thủ. Bên cạnh đó, có nhiều xe tư nhân nhỏ lẻ, công ty du lịch vừa, nhỏ vẫn chủ quan không chấp hành. Bởi vì lắp thiết bị giám sát hành trình tốn kém, thuê thêm tài xế thì thêm chi phí.

Nguyên nhân nữa, hiện nay tài xế chạy xe khách, xe du lịch thiếu nên các chủ xe trực tiếp lái xe (lấy công làm lời), vì vậy có tình trạng một tài xế ôm vô lăng chạy mười mấy giờ liên tục, chạy xuyên đêm. "Việc này rất nguy hiểm cho chính bản thân tài xế, khách trên xe. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng", ông V.T nói.

CSGT đánh giá thế nào ?

Trả lời Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam (địa bàn vừa xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 2.2023, khiến hàng chục người tử vong, hàng chục người bị thương), cho rằng không thể khẳng định nguyên nhân tất cả những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng những năm gần đây là do tài xế mất ngủ.

Dẫn chứng như vụ TNGT nghiêm trọng khiến 10 người tử vong giữa xe khách 16 chỗ và xe container vừa xảy ra vào rạng sáng 14.2 tại H.Núi Thành (Quảng Nam), thượng tá Nam cho rằng xe khách mới xuất phát từ Quảng Ngãi được khoảng 1 giờ đồng hồ thì gặp nạn. Tuyến đường này có thể họ đi thường xuyên và đã quá quen với khung giờ đó.

"Nguyên nhân là do ý thức chủ quan của tài xế xe khách, đi qua ngã tư giao nhau mà không giảm tốc độ, không quan sát kỹ. Riêng vụ tai nạn 3 người tử vong rạng sáng 21.2 thì nguyên nhân đã rất rõ: do tài xế thiếu quan sát, còn cơ sở hạ tầng đảm bảo", thượng tá Nam lý giải.

Cũng theo thượng tá Nam, lực lượng CSGT tuần tra liên tục nhưng do địa hình rộng, dài mà quân số lại mỏng nên không thể nào kiểm soát hết được. Nếu có rải hết quân số đến các vị trí trọng điểm mà không nâng cao được ý thức tài xế, chủ xe thì vẫn cứ xảy ra tai nạn.

Thượng tá Nam cũng khuyến cáo các tài xế điều khiển phương tiện chạy đường dài không nên lái xe quá 4 giờ liên tục và 10 giờ trong một ngày. Thêm vào đó, các tài xế phải chú ý điều khiển xe đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tuân thủ phần đường, làn đường… và các yêu cầu khác khi lưu thông trên cung đường đèo dốc, sương mù (sử dụng đèn sương mù, chú ý quan sát), vào ban đêm.

Lái xe mệt mỏi, nên tạm nghỉ

Một lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam cũng đặt vấn đề về sức khỏe tài xế. Ông cho rằng phần lớn các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đều xảy ra trong khung giờ từ 0 - 4 giờ sáng, thời điểm con người cần được nghỉ ngơi nhưng các tài xế vẫn cố thức để chạy, thường dẫn đến mệt mỏi và buồn ngủ. Chưa kể, nhiều tài xế cho rằng khoảng thời gian này đường vắng, lực lượng chức năng ít kiểm soát, xử phạt nên chạy quá tốc độ, vượt ẩu.

Theo ông Lê Tặng, Phó chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.Đà Nẵng, để đảm bảo an toàn cho lái xe khách vào khung giờ gần sáng, xe khách cần 2 lái xe trở lên và có 1 phụ xe quan sát. Ban đêm, lái xe phải thay phiên nhau; trường hợp đường sá không quen, hoặc thời tiết xấu, lái xe nên hạn chế tốc độ hoặc dừng xe vào khu vực được dừng xe để nghỉ ngơi và quan sát. Trường hợp lái xe mệt mỏi, nên tạm nghỉ hoặc thay phiên nhau điều khiển phương tiện.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.