Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới khi được phép kinh doanh cũng sẽ được phân phối và cung cấp bởi các doanh nghiệp Nhà nước, đi kèm với việc tuân thủ sát sao các chỉ đạo mà Chính phủ đặt ra. Đây cũng chính là nội dung phát biểu của ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) trong hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" tại Hà Nội vừa qua.
Không có lợi ích nhóm trong kinh doanh thuốc lá mới
Tại hội thảo, ông Nhân cho biết, tại các quốc gia khác, các công ty sản xuất thuốc lá đều là tư nhân hoặc cổ phần. Do đó, lợi ích của các công ty này sẽ là lợi ích của các cổ đông, các nhà đầu tư, các ông chủ.
Nhưng ở Việt Nam thì khác, cả nước chỉ có 5 công ty được phép sản xuất thuốc lá và đều có 100% vốn Nhà nước và theo đó, ban điều hành công ty đều là các Đảng viên. Chính vì thế, theo ông Nhân, việc tuân thủ chặt chẽ các chỉ đạo của Chính phủ là điều quan trọng tối cao.
Đến nay, các doanh nghiệp nhà nước sản xuất thuốc lá điếu tuân thủ tuyệt đối các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tác hại thuốc lá, hướng đến hai mục tiêu kiểm soát nguồn cung và cầu mà Chính phủ đặt ra. Cụ thể đó là tuân thủ sản xuất theo sản lượng được cấp, các tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học để giảm hàm lượng nicotine, tuyên truyền và phối hợp với các điểm bán lẻ để không bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi. Như vậy, theo ông Nhân, nếu việc kinh doanh thuốc lá mới được thông qua, toàn bộ nguồn thu sẽ nộp vào ngân sách theo quy định, dưới sự giám sát của Nhà nước. Do đó, ông Nhân khẳng định không có lợi ích nhóm trong ngành hàng thuốc lá. Thay vào đó, cần sớm có hướng quản lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà không chỉ xã hội mà cả ngành hàng cũng đang gặp phải. Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề hàng lậu thì bán tràn lan, trong khi hàng chính ngạch thì vẫn khó khăn tìm cách cung cấp hợp pháp đến những người hút thuốc, dẫn đến Nhà nước thất thu thuế, và các doanh nghiệp Nhà nước cũng mất cơ hội hợp tác sản xuất cùng các đối tác nước ngoài.
Mọi sản phẩm thuốc lá đều phải chịu kiểm soát của Chính phủ
Không chỉ đưa ra các cam kết về trách nhiệm trong việc kiểm soát kinh doanh thuốc lá mới khi được phép thương mại, ông Nhân cũng đề cập đến tính phổ biến của các sản phẩm thuốc lá mới để Việt Nam có thể làm cơ sở tham khảo cho việc đưa ra một chính sách quản lý phù hợp. "Những nước tiên tiến, quan tâm cao đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, như là Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật, Hàn Quốc… đã đều quản lý và cho phép lưu hành những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này. Đây có thể được coi như là cơ sở để có thể vận dụng trong việc xây dựng những chính sách quản lý tại VN".
Cùng tham gia hội thảo nêu trên, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất các chính sách liên quan đến việc quản lý sản phẩm này. Trong đó, với chính sách quản lý hàng hóa, ông Nhưỡng thẳng thắn cho rằng "làm gì có chuyện chúng ta chỉ quản lý thuốc lá điếu mà không quản lý thuốc lá thế hệ mới", và khẳng định "không thể coi vấn đề này là nhỏ được, mà đây là vấn đề lớn, được xã hội quan tâm rất nhiều".
Theo các chuyên gia, các sản phẩm thuốc lá mới đã xuất hiện trên thị trường từ lâu, vì vậy cần phải đưa vào quản lý chặt chẽ. Để sớm áp dụng luật vào các mặt hàng này thì cần đánh giá mức độ bao quát của hệ thống pháp luật hiện hành đối với từng sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT), shisha, và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong tương lai.
Đồng thời cũng tại hội thảo trên, bà Nguyễn Thị Cúc - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất: "Cho phép nhập khẩu có kiểm soát hoặc sản xuất và phải quản lý như đã quản lý thuốc lá điếu, bằng luật Phòng chống tác hại thuốc lá, bằng các luật về thuế, quản lý từ vấn đề buôn lậu đến khâu sản xuất, quản lý trong môi trường học đường, quản lý cả về cách tuyên truyền, giáo dục…".
Nêu thêm về lợi ích của việc quản lý các sản phẩm thuốc lá mới, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, chỉ khi đưa các sản phẩm này vào quản lý, chúng ta mới loại bỏ được những thứ ma túy trá hình đang trà trộn, bị lợi dụng để núp bóng TLĐT rồi đưa vào trường học.
Theo ông Hải, quản lý là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Còn làm sao để quản lý chặt chẽ, chúng ta còn có rất nhiều công cụ.
Hiện đề xuất mới nhất của Bộ Công thương được cho là tiệm cận gần nhất với quan điểm của Bộ Y tế. Theo đó, cơ quan này đang đề nghị cho thí điểm 5 năm đối với sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá là TLLN, từ đó đánh giá tác động của sản phẩm này trước khi đề xuất phương án quản lý tiếp theo. Còn đối với mặt hàng còn lại là TLĐT thì sẽ theo quan điểm của Bộ Y tế là tiếp nghiên cứu trước khi ra chính sách. Tới đây, Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế và các bộ liên quan để sớm thống nhất phương án cuối cùng và trình Chính phủ để xem xét, ban hành.
Bình luận (0)