Kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số

23/12/2021 10:20 GMT+7

Ngày 26.12 này tròn 60 năm truyền thống ngành Dân số Việt (26.12.1961 - 26.12.2021). 60 năm qua, công tác dân số của Việt Nam đạt nhiều thành quả quan trọng trong việc khống chế tốc độ gia tăng dân số, tăng tuổi thọ trung bình (từ 40 tuổi năm 1960 đến nay đạt 73,7 tuổi)...

Kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số - Ảnh 1.

Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo (thứ 2 từ trái qua), tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến

đậu tiến đạt

Tuy nhiên, công tác dân số hiện đang có các thách thức mới như: xu hướng mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế tại một số tỉnh, thành. (hiện có 21 tỉnh thành là TP.HCM và 20 tỉnh ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh ở mức thấp nhất nước).

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại nhiều tỉnh, thành có nguy cơ gây thừa hàng triệu nam giới nếu không can thiệp hiệu quả.

Việt Nam bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, dự báo thời kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2039.

Thông tin về các vấn đề trên, Báo Thanh Niên và Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến về công tác dân số, đề cập về các giải pháp khuyến khích sinh tại vùng có mức sinh thấp; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, với chủ đề “Kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số”

Dịp này, các khách mời là lãnh đạo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản T.Ư sẽ tham dự, cung cấp thông tin về quy mô dân số; mức sinh giữa các vùng; nguyên nhân và các biện pháp để nâng mức sinh ở vùng mức sinh thấp; giải pháp giảm sinh ở vùng có mức sinh cao; các can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh…

Chuyên gia tham dự cũng và cập nhật các tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, sơ sinh, sức khỏe sinh sản...

Thời gian Giao lưu trực tuyến từ 14 -16 giờ ngày 24.12 (thứ sáu) trên Thanh Niên Online

Mời bạn đọc quan tâm đến chương trình, vui lòng đặt câu hỏi tại box bên cạnh.

Giao lưu trực tuyến
Giải pháp nâng mức sinh tại TP.HCM và 20 tỉnh thành
Kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số - Ảnh 2.

Bạn đọc ở TP.HCM

Xin chào khách mời. Phụ nữ hiện tại sinh con muộn, vậy có nên gửi noãn trứng để bệnh viện bảo quản, khi cãn thiết vẫn có thể sinh con ? Hoặc người chồng có nên chủ động gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng đề phòng tình huống xấu về sức khỏe vẫn có thể sinh con? Mong nhận được lời khuyên, tu vấn của chuyên gia.

Kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Thực ra, phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ sinh em bé có vấn đề. Tuy nhiên, bảo gửi noãn ở bệnh viện để sau này sinh lại, việc này chúng tôi cũng có thể làm được, nhưng trước mắt không nên phổ biến lắm. Các phương pháp sinh sản thông thường mà chúng ta vẫn có thể làm được thì nên làm.

Hiện nay, có một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như người phụ nữ được xạ trị, bị ung thư, bệnh lý đặc biệt mà cần can thiệp, thì lúc đó người ta mới khuyến cáo là nên đi gửi, chứ còn những người phụ nữ khác thì chưa. Hay nói một cách khác, việc này cần tư vấn để chúng ta có được phương pháp tốt nhất, chứ không phải ai cũng ngoài tuổi này cũng gửi.

Việc này cũng không phải cái hay, vì thực ra cái chất lượng của noãn, tinh trùng khi bảo quản (phải bảo quản lạnh) mà điều kiện không theo được, nhiều khi làm chất lượng kém đi.

Cho nên, sinh sản tự nhiên ở lứa tuổi phù hợp là tốt nhất. Còn những phương pháp hỗ trợ mà người ta gọi là hỗ trợ sinh sản chỉ dành cho những trường hợp rất đặc biệt, được coi là cá biệt, để đảm bảo chức năng sinh sản sau này thôi.

Kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số - Ảnh 4.

Lê Ánh, Hà Nội

Xin chào khách mời. Công tác dân số đã được 60 năm. Trong đó, giảm tốc độ gia tăng dân số là một trongh những kết quả đạt được, đóng góp cho xóa đói giảm nghèo. Nhưng vì sao, gần đây Bộ Y tế lại đề xuất các giải pháp để khuyến khích phụ nữ sinh con, trong khi mỗi năm chúng ta vẫn tăng dân số thêm hơn 1 triệu người.

Kiểm soát mức sinh và nâng cao chất lượng dân số - Ảnh 5.

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó đã góp phần để xoá đói giảm nghèo như độc giả đã trao đổi.

Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì vững chắc mức sinh thay thế cho đến nay.

Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì vững chắc mức sinh thay thế cho đến nay.

ngọc thắng

Tuy nhiên, công tác dân số đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong các thách thức đó là việc mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.

Việc Bộ Y tế đề xuất các giải pháp để khuyến khích phụ nữ sinh con chỉ áp dụng đối với vùng có mức sinh thấp; ngoài ra có các giải pháp để cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh cao và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.

Huy Hoàng
Huy Hoàng

Xin chào khách mời. Thông tin các năm gần đây, Bộ Y tế cho biết, tuổi thọ người VN được nâng lên nhiều trong 60 năm qua. Nhưng chúng ta đang hướng đến chất lượng dân số. Xin cho biết, chỉ số về chiều cao, thể lực các năm gần đây có được cải thiện như thế nào?

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Kết quả giảm sinh đã làm giảm đáng kể sức ép về số lượng học sinh các cấp. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế được nhà nước chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện.

Chiều cao nam thanh niên Việt Nam tăng gần 4 cm trong 10 năm qua, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước đó.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 - 2020, chiều cao trung bình nam thanh niên là 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ cao trung bình 156,2 cm, tăng 1,4 cm. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,7 tuổi năm 2020, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương các nước châu Âu.

Đông Hải, Đồng Nai
Đông Hải, Đồng Nai

Xin chào khách mời. Xin cho biết, vì sao chúng đa mức sinh thay thế nhưng vẫn khuyến khích sinh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam?.

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Như chúng tôi đã trao đổi ở phần đầu, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì đến nay.

Tuy nhiên, công tác dân số đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong các thách thức đó là việc mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.

TP.HCM và một số tỉnh phía nam có mức sinh rất thấp.

Việc Bộ Y tế đề xuất các giải pháp để khuyến khích phụ nữ sinh con chỉ áp dụng đối với vùng có mức sinh thấp; ngoài ra cần có các giải pháp để cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh cao và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.

Minh Hải,  Long An
Minh Hải, Long An

Xin cho biết, chúng ta có chính sách hỗ trợ như thế nào về lâu dài để các gia đình trẻ sinh 2 con, vì hiện tại, nhiều gia đình trẻ chỉ sinh ít con (1 con) do điều kiện khó khăn về thu nhập, nhà ở chi phí nuôi và các điều kiện cho con cái quá khả năng thu nhập.

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Chúng tôi xin chia sẻ với các cặp vợ chồng về những khó khăn kinh tế đang phải đối mặt. Do điều kiện khó khăn về thu nhập, nhà ở, chi phí và các điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con quá khả năng thu nhập, dẫn đến việc nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con.

Theo TS Phạm Minh Sơn, nên có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho bà mẹ sau khi sinh con để bồi dưỡng sức khoẻ, trang trải thêm một phần chi phí nuôi con trong thời gian đầu.

đậu tiến đạt

Về việc này, cần có những phải pháp đồng bộ, tuỳ thuộc vào khả năng phát triển kinh tế - xã hội mỗi thời kỳ, khả năng cân đối ngân sách nhà nước để thực hiện cho phù hợp trong từng giai đoạn.

Những giải pháp này có thể là hỗ trợ một phần kinh phí cho bà mẹ sau khi sinh con để bồi dưỡng sức khoẻ, trang trải thêm một phần chi phí nuôi con trong thời gian đầu.

Hỗ trợ trẻ em được học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho các đối tượng khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Lồng ghép các nội dung về điều chỉnh mức sinh, kế hoạch hóa gia đình và chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trong xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa nội dung vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của thôn, bản, tổ dân phố.

Thực hiện chương trình giáo dục định hướng về hôn nhân và gia đình cho thanh niên...

Vũ Hải, Bắc Ninh
Vũ Hải, Bắc Ninh

Xin chào khách mời. Tôi thấy xu hướng thích sinh con trai vẫn tồn tại trong xã hội; ngay trong giới trí thức đại học, công chức không ít các gia đình họ vẫn sinh con thứ ba để có con trai. Vậy, chúng ta có áp dụng xử phạt hoặc biện pháp nào để các gia đinh thay đổi nếp nghĩ, không lựa chọn giới tính thai, không sinh con thứ 3.

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động trực tiếp, gián tiếp, trong đó có việc độc giả đã trao đổi là xu hướng thích sinh con trai vẫn tồn tại trong xã hội. Ngay trong giới trí thức đại học, công chức, không ít các gia đình vẫn sinh con thứ ba để có con trai.

Mục tiêu đặt ra là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên; đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề: thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới dưới mọi hình thức. Ngoài ra, tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp như sau:

Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của từng cá nhân và cộng đồng về không lựa chọn giới tính thai nhi.

Đưa các nội dung về xóa bỏ phân biệt, định kiến giới, trọng nam hơn nữ, kỳ thị con gái hoặc con trai và các nội dung liên quan vào hương ước, quy ước; chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Lồng ghép việc hỗ trợ nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xây dựng, thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Cơ quan quản lý nhà nước về dân số thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi phân biệt đối xử về giới liên quan đến đăng ký đất đai, bạo lực giới, hôn nhân, thừa kế.

Trần Hạ, Nghệ An
Trần Hạ, Nghệ An

Xin chào khách mời. Tôi rất quan tâm đến “ dân số vàng ” . Xin cho biết, chúng ta hiện còn trong giai đoạn dân số vàng không? VN đã tận dụng cơ hội này như thế nào cho phát triển đất nước? Chúng ta có mở rộng hợp tác xuất khẩu lao động không vì vừa có việc làm cho động, vừa không phí nguồn nhân lực và tránh các rủi ro do lao động “ chui ”.

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, khi tỷ trọng dân số 0-14 tuổi dưới 30%, và tỷ trọng dân số trên 65 đạt 7%.

Trong giai đoạn này, tỷ số phụ thuộc chung (dân số 0-14 tuổi và dân số trên 65 tuổi tính trên dân số 15-64 tuổi) đạt dưới 50%, nghĩa là cứ 2 người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) hỗ trợ 1 người ở độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 65 tuổi).

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” chỉ xuất hiện 1 lần với mỗi quốc gia, là cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” từ năm 2007, dự báo thời kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2039.

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước. Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh nhưng cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong “bẫy thu nhập trung bình”.

Tại Việt Nam, ngay từ khi công bố, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng, nhiều chính sách đã được ban hành và thực thi để tận dụng lợi thế của thời kỳ này giúp phát triển kinh tế, đặc biệt là các chính sách về phát triển nguồn nhân lực và gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Kết quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, tuy vậy, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

Một trong những lý do là nền kinh tế mặc dù đã tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng lại chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn; chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp, hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình, 33,2% là việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%).

Bên cạnh đó, đa số người lao động của Việt Nam đang tham gia vào các công việc phi chính thức có thu nhập thấp, ít có sự bảo vệ (54% lao động phi chính thức); trình độ chuyên môn của lao động còn hạn chế (chỉ khoảng một phần tư người đang làm việc được đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên).

Mặc dù thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh, song cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết. Ngoài các vấn đề về nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kết nối cung cầu thị trường lao động như đã đề cập ở trên thì việc giảm bớt áp lực về thiếu việc làm, trật tự, an ninh xã hội cần tiếp tục được quan tâm.

Trúc Anh, TP.HCM
Trúc Anh, TP.HCM

Xin chào khách mời . Để có giải pháp nâng mức sinh, theo tôi mình cần đánh giá được nguyên nhân gốc. Lãnh đạo Tổng cục dân số có thể cho biết, đâu là nguyên nhân chính khiến phụ nữ “lười, ngại” sinh con? Và có các giải pháp nào để can thiệp hiệu quả?

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Có một số lý do chính dẫn đến phụ nữ “lười, ngại” sinh con, đó là:

Các cặp vợ chồng đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế như: khó khăn về thu nhập; thuê, mua nhà ở; chi phí nuôi và các điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con quá khả năng thu nhập.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu cho một đứa trẻ càng đa dạng; nuôi con không chỉ cần cơm ăn, áo mặc mà còn sữa, các thức ăn bổ dưỡng; nhà trẻ, học hành, phương tiện đi lại, chăm sóc sức khỏe, đồ chơi, du lịch... Vì vậy, hầu hết cha mẹ đánh giá sinh con là một chuyện, nhưng để nuôi và chăm sóc con tốt là một công việc khó khăn hơn rất nhiều.

TS Phạm Minh Sơn tham gia giao lưu trực tuyến với độc giả Thanh Niên

đậu tiến đạt

Hỗ trợ của bố mẹ, người thân khi cặp vợ chồng sống riêng, nhất là khi làm việc xa gia đình tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong điều kiện nuôi con “đắt đỏ” như hiện nay, sự hỗ trợ từ gia đình, người thân là rất quan trọng. Sự hỗ trợ này có thể là bằng công sức, thời gian hay tiền bạc. Tuy nhiên, tại một số vùng có mức sinh thấp, nhất là các vùng đồng bằng sông Cửu Long hay khu vực Đông Nam bộ, cũng sẽ dẫn tới các cặp vợ chồng không dám sinh đẻ nhiều.

Về việc này, cần có những phải pháp đồng bộ, tùy thuộc vào khả năng phát triển kinh tế - xã hội trong mỗi thời kỳ, khả năng cân đối ngân sách nhà nước để thực hiện cho phù hợp trong từng giai đoạn.

Những giải pháp có thể là:

Hỗ trợ một phần kinh phí cho bà mẹ sau khi sinh con để bồi dưỡng sức khoẻ, trang trải thêm một phần chi phí nuôi con trong thời gian đầu.

Hỗ trợ trẻ em được học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho các đối tượng khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Lồng ghép các nội dung về điều chỉnh mức sinh, kế hoạch hóa gia đình và chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trong xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa nội dung vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của thôn, bản, tổ dân phố.

Thực hiện chương trình giáo dục định hướng về hôn nhân và gia đình cho thanh niên...

Vũ Minh, Thái Bình
Vũ Minh, Thái Bình

Xin chào khách mời . Xin cho biết, vì sao chúng ta đạt mức sinh thay thế nhưng vẫn là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh? Chúng ta có chiến lược lâu dài nào để đảm bảo về an sinh và chăm sóc người cao tuổi?

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi mà cứ một người phụ thuộc thì có 2 người trong độ tuổi lao động. Đồng thời, chúng ta cũng bước vào giai đoạn già hoá dân số.

Tuổi thọ tăng và mức sinh giảm dẫn đến số lượng và tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng. Năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tỷ trọng dân số cao tuổi (65+) chiếm 7% tổng dân số. Trong 30 năm qua, tỷ trọng dân số 65+ tăng 1,7 lần, từ 4,7% (1989) lên 8,0% (2020).

Để thích ứng với già hoá dân số, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý về người cao tuổi: luật Người cao tuổi (2009), Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi 2012-2020, Đề án/Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, các thông tư của các bộ, liên bộ tới mọi vấn đề của người cao tuổi.

Gần đây nhất, ngày 21.12.2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030

Các chính sách và chương trình được xây dựng nhằm chuẩn bị cho một xã hội già hóa, an toàn xã hội, sức khỏe và cuộc sống.

Từ nhiều năm nay, Nhà nước có chính sách trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho những người từ 80 tuổi không có lương hưu, người cao tuổi cô đơn, khuyết tật, người nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo; ưu tiên người cao tuổi trong nhiều loại hình dịch vụ xã hội.

Nhiều chương trình, hoạt động thiết thực trong chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của người cao tuổi đã giúp cải thiện sức khỏe về thể chất và tâm lý của người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi nghèo, dễ tổn thương và người khuyết tật hòa nhập xã hội.

Xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi là một trong những giải pháp tích cực và chủ động nhằm hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần cho người cao tuổi có tính đến nét đặc thù về sức khỏe, tâm sinh lý của người cao tuổi và giảm thiểu rủi ro cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.

Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng

Chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng là một giải pháp rất phù hợp với người cao tuổi để họ vẫn tiếp tục sống một cách an toàn, độc lập và thoải mái. Hiện nay ở Việt Nam, có một số mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng như: trung tâm tư vấn, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe (CSSK), trung tâm CSSK người cao tuổi ban ngày, công ty/trung tâm dịch vụ giúp việc nhà...

Các dịch vụ/hoạt động chính của các mô hình chăm sóc này gồm: CSSK thể chất, và tinh thần.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

Giải quyết đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Hoàn thiện và bổ sung khung pháp lý hướng tới già hóa khỏe mạnh, đặc biệt về bảo hiểm chăm sóc dài hạn.

Tổ chức hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, tập trung vào các bệnh không lây nhiễm; củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu; bảo hiểm y tế phổ cập.

Kết nối, hợp tác giữa chăm sóc dựa vào cộng đồng, chăm sóc tập trung với cơ sở y tế, đặc biệt trong chuyên môn lão khoa.

Tăng cường truyền thông về các vấn đề của người cao tuổi: ý thức tự CSSK của người cao tuổi; hiểu biết về quyền của người cao tuổi; vai trò và lợi ích CSSK tại cộng đồng; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của xã hội đối với các vấn đề của người cao tuổi...

Hoàn thiện và triển khai xã/phường thân thiện với người cao tuổi.

Tăng cường tập huấn tình nguyện viên, hỗ trợ viên và người chăm sóc không chính thức về chăm sóc người cao tuổi.

Phát triển các mô hình hoạt động hiệu quả như CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; trung tâm chăm sóc ban ngày; lồng ghép công tác chăm sóc, phát huy vai trò, sự tham gia của người cao tuổi...

Bạn đọc báo Thanh Niên tại Hà Nội
Bạn đọc báo Thanh Niên tại Hà Nội

Xin chào khách mời . Cháu xin được tư vấn: theo quy định, sau sinh, bà mẹ được nghỉ 6 tháng nhưng cháu làm tại công ty tư nhân, chủ đơn vị yêu cầu chỉ nghỉ 4 tháng. Vậy, quy định nghỉ sau sinh đó có áp dụng với tư nhân không? Nếu có, cháu có thể làm cách nào để được nghỉ đủ 6 tháng như nhà nước quy định?.

TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế
TS Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Dân số Bộ Y tế

Quốc hội đã thông qua bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, tại khoản 1, Điều 139 quy định về nghỉ thai sản như sau: lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng.

Phó tổng biên tập báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo (thứ hai từ trái sang) tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến

đậu tiến đạt

Ngày 1.3.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2020/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại điểm đ, khoản 2, Điều 27 quy định như sau: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi, trong đó có hành vi xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, công ty đã vi phạm chế độ nghỉ thai sản được quy định tại khoản 1, Điều 137, bộ luật Lao động 2019 và công ty sẽ phải chịu mức xử phạt theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Nghị định 28/2020/NĐCP.

Bạn có thể thông qua tổ chức công đoàn (nếu có) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật; trực tiếp đối thoại với người đại diện của công ty hoặc có thể khởi kiện ra toà án.

Minh Hòa, Hải Dương
Minh Hòa, Hải Dương

Xin chào khách mời. Xin bác sĩ cho biết về khám sức khỏe tiền hôn nhân cụ thể nên khám về vấn đề gì và khám ở thời điểm nào? Bệnh viện nào thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân? Cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Cảm ơn câu hỏi của bạn! Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám trước khi lấy vợ, chồng. Khám sức khỏe tiền hôn nhân tránh việc đẻ con ra có nguy cơ cận huyết thống; tránh nguy cơ em bé sinh ra có dị tật, tránh mắc bệnh lý về rối loạn chuyển hóa sơ sinh có thể để lại những hậu quả lâu dài trầm trọng.

PGS-TS Trần Danh Cường có mặt tại tòa soạn Báo Thanh Niên trả lời độc giả

đậu tiến đạt

Trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng nên khám sức khỏe tiền hôn nhân và nên khám ở các bệnh viện có chuyên khoa về chức năng sinh sản để khám cho cả 2 người. Những cặp vợ chồng sinh ra trong các gia đình có bệnh lý gen như thalassemia hoặc các bệnh do kết hôn cận huyết thống càng nên quan tâm khám tiền hôn nhân.

Trong các gia đình có người mắc các bệnh lý trên càng nên đi khám thăm dò trước, có các lưu ý về kết hôn, lập kế hoạch mang thai; và theo dõi sức khỏe trong quá trình mang thai.

Khám tiền hôn nhân là việc rất cần thiết; khám sức khỏe sinh sản, tư vấn tiền hôn nhân được khuyến khích.

Việc khám tiền hôn nhân cũng có thể đến khám ở cơ sơ sở tư vấn về di truyền; các bác sĩ sẽ có tư vấn các về gen, bệnh mang tính chất gia đình.

Thời gian gần đây, giới trẻ bắt đầu quan tâm khám tiền hôn nhân.

Các phương pháp chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện các bệnh lý di truyền liên quan sinh sản; giúp các cha mẹ sinh con khỏe mạnh, hoàn hảo; không khiếm khuyết.

Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều người dè dặt, xấu hổ vì ngại bị đánh giá vì sao chưa lấy chồng đã đi khám phụ khoa; hoặc đi khám về di truyền chắc là có vấn đề về sức khỏe. Trong khi đó, khám tiền hôn nhân rất nên vì hiện nay các phương pháp chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện các bệnh lý di truyền liên quan sinh sản để giúp các cặp vợ chồng trong tương lai sinh con khỏe mạnh.

Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư có thực hiện khám cho sức khỏe sinh sản cho nam và nữ; tư vấn cho các cặp đôi về sức khỏe sinh sản; về các trường hợp cần thiết để sàng lọc bệnh lý di truyền...

Trúc Anh, TP.HCM
Trúc Anh, TP.HCM

Xin chào bác sĩ. Qua đọc báo Thanh Niên, chúng tôi được biết, BV Phụ sản T.Ư đã chăm sóc thành công nhiều sơ sinh sinh non tháng và nhẹ cân. Xin bác sĩ chia sẻ thêm về thành công này? Bác sĩ cho biết thêm, sinh non có thể phòng ngừa được không?

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Chúng tôi đã có công bố nuôi thành công một em bé 4 gram. Còn hiện nay, việc nuôi em bé trên 1 kg trở lên dường như không còn nhiều trở ngại nữa, còn nếu 1.5 kg là rất ổn.

Về việc nuôi em bé non tháng ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư hiện nay, chúng tôi có khoa sơ sinh rất mạnh, được trang bị tương đối hiện đại và có đầy đủ trang thiết bị để trợ giúp cho em bé có cân nhỏ, tuổi thai non, hay còn gọi là vừa non tháng vừa nhẹ cân, ví dụ như là máy thở, phòng ốc, đặc biệt là điều kiện vô trùng.

Chăm sóc những em bé như vậy điều kiện vô trùng phải là tuyệt đối, còn hơn cả phòng mổ, vì nguy cơ nhiễm trùng cho em bé là rất lớn và hoàn toàn có thể bị bất cứ lúc nào thông qua những động tác chăm sóc của chúng ta. Đa số là nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến ỉa chảy, nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến viêm phổi, hoặc những nhiễm trùng ở da sau để lại những biến chứng rất nặng, chăm sóc rất khó.

Chúng tôi có những biện pháp chăm sóc toàn diện như cho ăn. Ví dụ em bé 4 gram vừa qua, chúng tôi cho ăn 26 lần/ngày, gần 1 tiếng cho ăn 1 lần, và chúng tôi massage sớm cho em bé đảm bảo lưu thông máu dưới da rất tốt và cũng để đảm bảo giữ thân nhiệt cho em bé được chuẩn.

Việc chăm sóc thai nhỏ cân non tháng tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư đến nay gần như rất yên tâm bởi trang bị và con người, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao. Đặc biệt, Viện nhi T.Ư, trong đó có khoa sơ sinh, rất mạnh, trợ giúp chúng tôi rất nhiều,

Các phương pháp dự phòng sinh non thường được nhằm vào nhóm có nguy cơ đẻ non, chẳng hạn như phụ nữ có tiền sử đẻ non, có bị bệnh hở cung, can thiệp ở buồng tử cung, cổ tử cung, u ở tử cung… Người phụ nữ cần phải biết mình có nguy cơ ấy không, hay đi khám xem có nguy cơ không.

Chúng tôi có đủ các loại thuốc để điều trị sinh non, kể cả những thuốc rẻ tiền và cả thuốc đắt tiền hiệu quả.

Hiệu quả điều trị càng cao nếu người phụ nữ đi khám thai đều đặn và phát hiện các vấn đề bất thường sớm.

Lệ Thủy, Bến Tre
Lệ Thủy, Bến Tre

Xin chào khách mời. Dịch Covid-19 vừa qua, nhiều mẹ và bé mắc Covid-19. Xin bác sĩ cho biết, bà mẹ mang thai có nên xông mũi họng bằng thảo dược như xả, tràm để phòng nhiễm bệnh không? Cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Câu hỏi của chị nhắc đến việc sử dụng các lá có tinh dầu và đun nóng xông để cảm giác sẽ diệt được virus, vi khuẩn ở họng, ở hầu. Nhưng lưu ý một điều, những cái lá đấy là để chống viêm, giảm viêm ở mũi họng, ví dụ như ngạt mũi, phù nề chỗ này chỗ kia rất tốt, nhưng hiệu lực để chống SARS-CoV-2 thì chưa ai chứng minh.

Tôi cũng lưu ý khi các bạn xông rất nóng sẽ ảnh hưởng nhiều đến thai. Như chúng ta biết, hiệu ứng nhiệt độ đối với thai nghén rất nguy hiểm, đặc biệt trong những tuần đầu.

Trong vòng 12 tuần đầu, khi nhiệt độ môi trường tăng thì nhiệt độ trong buồng tử cung bao giờ cũng lớn hơn 1 - 1.5 độ. Và nhiệt độ mà tăng sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa của thai, ảnh hướng đến sự phát triển của các cơ quan, thậm chí làm gián đoạn một số các cơ quan mà quan trọng nhất khi nhiệt độ tăng dễ gây đến hiện tượng dính khớp, hay nói một cách khác làm cho các dịch trong các khớp xương của em bé thay đổi, dẫn đến dính khớp, biến dạng chi, mà người ta gọi là hội chứng bất động thai nhi do nhiệt độ.

Bởi vậy, cần lưu ý ở những người phụ nữ không biết mình có thai mà đi tắm hơi; một số phụ nữ có nghề nghiệp hay liên quan đến những nơi có nhiệt độ cao...

Những loại lá chứa tinh dầu bạn nhắc đến chưa được chứng minh về việc diệt được virus, nhưng xông với nhiệt độ cao thì có nguy cơ cho thai nhiều.

Quốc Hanh, TP.HCM
Quốc Hanh, TP.HCM

Xin chào bác sĩ. Cháu thấy, phụ nữ có xu hướng kết hôn muộn hơn hoặc không có thai ngay sau khi kết hôn do còn phụ thuộc và công ăn việc làm, chờ thu nhập ổn định nên việc sinh con cũng muộn hơn. Xin bác sĩ cho biết, vì sao phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35, nếu sinh con sau tuổi này, nên lưu ý vấn đề gì về sức khỏe?. Trân trọng cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Chức năng sinh đẻ của người phụ nữ kéo dài từ lúc có kinh đến lúc mãn kinh. Nhưng như chúng ta biết, có một số bệnh lý di truyền hay bệnh rối loạn đột biến nhiễm sắc thể lệ thuộc tuổi của người phụ nữ. Tuổi của người phụ nữ càng lớn thì nguy cơ đột biến nhiễm sắc thể càng cao, đặc biệt là hội chứng Down, tức là bệnh đần.

Ở người phụ nữ trên 35 tuổi, nguy cơ đẻ em bé mắc hội chứng Down tăng lên rất nhiều. Có thể thấy, tỉ lệ chung là 1/700 ca đẻ tất cả các lứa tuổi, nhưng tăng lên 1/350 - 360 ở tuổi 35 và tăng lên 1/250 ở tuổi 38…

Người phụ nữ trên 35 tuổi vẫn có thể sinh đẻ vì chúng ta có phương pháp tầm soát. Nếu chị lớn trên 35 tuổi, chị cần đến tư vấn ở trung tâm chẩn đoán trước sinh để được làm các phương phá[p sàng lọc, thăm dò, làm các xét nghiệm để xem xem em bé có nguy cơ không, hay để quyết định lấy mẫu bệnh phẩm của thai để chẩn đoán xem em bé có bất thường không.

Minh Minh, Cần Thơ
Minh Minh, Cần Thơ

Xin chào bác sĩ. Thuốc tránh thai khẩn cấp được nhiều bạn trẻ sử dụng, dù chưa từng sinh con. Việc này có gây vô sinh không? Cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Tránh thai là một trong những phương pháp khoa học khi chúng ta không muốn có thai. Bởi nạo phá thai có nhiều vấn để, kể cả nạo phá thai an toàn thì bất luận dù nhỏ dù lớn vẫn có nguy cơ, có biến chứng, cho nên tránh thai là một trong những biện pháp khoa học, văn minh, giúp người phụ nữ khỏi thai nghén không mong muốn khi quan hệ tình dục bình thường.

Có nhiều biện pháp tránh thai được sử dụng, từ những biện pháp đơn giản nhất sử dụng ở nhà, cho đến những biện pháp phức tạp là vào bệnh viên mới có thủ thuật, dụng cụ, trang thiết bị mới làm được như đặt vòng, cấy thỏi tránh thai, thắt hai vòi tử cung, thắt ống dẫn tinh…

Một trong những phương pháp tránh thai phổ thông, phổ biến, nhưng tất nhiên phải có kiến thức là việc dùng viên thuốc tránh thai hằng ngày. Đây là một trong những biện pháp văn minh, hiện đại, có kết quả cao, mức độ tránh thai gần như tuyệt đối, không có biến chứng, và có khả năng hồi phục.

Nhưng nếu quên uống thì hiệu quả thuốc tránh thai kém, nội tiết tố trong con người thay đổi dễ dẫn đến nguy cơ của chu kỳ sau như rối loạn rong kinh, rong huyết, đau bụng, chậm kinh. Tất cả những cái đấy làm cho hiệu quả tránh thai trở nên mù mờ, và người phụ nữ dễ lo lẳng, Nhưng tôi nhắc lại là viên thuốc tránh thai được coi là rất tốt, phương pháp hồi phục hoàn toàn.

Tránh thai khẩn cấp là thuật ngữ, hay ứng dụng phương pháp tránh thai thông thường nhưng sử dụng trong vòng 12 tiếng sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ mà có sự tiếp xúc của tinh trùng với noãn.

Đây là phương pháp người ta dùng khá lâu, cũng không khó, tuy nhiên khả năng thành công không cao. Vì không xác định được rõ noãn rụng, hay tinh trùng phóng vào lúc nào, tinh trùng sống trong đường sinh dục người phụ nữ bao lâu, nên có thể tác dụng tốt hoặc không tốt.

Vì vậy, khuyến cáo các em sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thì chu kỳ sau bao giờ cũng phải theo dõi và cần thiết thì chúng ta làm xét nghiệm thăm dò xem có thai không. Không được dùng nhắc đi nhắc lại nhiều dễ gây ra rong kinh, rong huyết. Việc sử dụng phương pháp này cần phải có hướng dẫn chứ không phải tùy tiện ra ngoài hiệu thuốc mua về là dùng là dược.

Các em cần phòng bị cho mình, hỏi bác sĩ cần uống thế nào, uống loại nào, bao viên, uống sau giao hợp bao lâu, uống xong thì có triệu chứng gì là nguy hiểm, hiệu quả thế nào...

Hạnh Trang, Hải Phòng
Hạnh Trang, Hải Phòng

Xin chào bác sĩ. Vợ chồng em đã sinh con đầu lòng 12 tuổi. Từ 3 năm trước vợ chồng em đã có mong muốn sinh thêm con nhưng bản thân em không có thai. Như vậy có phải là vô sinh thứ phát không? Em nên đi khám tại bệnh viện nào để được chẩn đoán đúng. Trân trọng cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Mình đã sinh con vậy thì khả năng có thai của mình là có và không bị cản trở gì. Tuy nhiên, giữa các lần có thai thì lại là câu chuyện khác. Khoảng cách giữa các lần có thai được khuyên trong khoảng độ 5 năm là đẹp nhất. Để thời gian dài quá thì có thể gặp những trường hợp trục trặc.

Khi chúng ta sử dụng những biện pháp tránh thai quá nhiều, quá lâu thì sẽ dẫn đến một số ức chế. Ví dụ, người phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai kéo dài, thì chắc chắn sẽ gây ra ức chế phóng noãn, và đương nhiên khi bỏ sử dụng một thời gian thì chưa thể trở lại bình thường đâu, nên phải từ từ.

Và gọi là vô sinh thứ phát thì không phải trừ khi người phụ nữ không có thai và đi khám, thăm dò thấy bị tắc vòi tử cung, hay có vấn đề trong buồng tử cung, thấy phóng noãn của mình bị rối loạn, hoặc thấy buồng trứng có vấn đề thì mới kết luận được là vô sinh thứ phát.

Tuy nhiên, tôi cũng khuyên hai vợ chồng bạn nên đi khám ở các bệnh viện mà có các cơ sở làm thăm dò về hiếm muộn, chứ không đi khám phụ khoa thông thường.

Những bệnh viện lớn trong hệ thống sản nhi của chúng tôi hoàn toàn có các cơ sở để thăm dò về hiếm muộn. Ở đó, anh chị sẽ được hướng dẫn, có thể chỉ cần theo dõi 1 chu kỳ kinh thôi, xem ngày phóng noãn làm thêm mổ số xét nghiệm. Thậm chí, có trường hợp, người phụ nữ có thể chống viêm thôi cũng có thể có thai.

Thu Trang, Hà Nội
Thu Trang, Hà Nội

Xin chào bác sĩ. Qua báo chí, em được biết, Bệnh viện Phụ sản T.Ư có nghiên cưu về Covid-19 và phục nữ mang thai. Xin chúc mừng Bệnh viện. Nhân GLTT này, đại diện của bệnh viện Phụ sản T.Ư chia sẻ về nghiên cứu này.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Covid-19 không chừa một ai, kể cả phụ nữ có thai. Bởi vậy, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã liên kết với Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở ở Đông Anh về chuyên môn sản khoa và khoa nhi, cử bác sĩ xuống chăm sóc thai nghén, xử trí những em bé sơ sinh nhỏ non tháng.

Bệnh viện Phụ sản T.Ư và Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đã tiến hành những nghiên cứu về triệu chứng lâm sàng Covid-19 SARS-CoV-2 ở phụ nữ ở tất cả các lứa tuổi thai. Trong đó, chúng tôi xem xét những tiến triển của triệu chứng lâm sàng đấy, nặng lên hay nhẹ đi hay là giữ nguyên, hay các tiến triển đấy diễn biến nhanh hay là không nhanh theo tuổi thai và theo tình trạng của người mẹ.

Đây là những nghiên cứu tôi cho là rất hay và rất cần thiết để chúng ta có những bài học về mặt lâm sàng để hướng dẫn cho tất cả mọi người khi chăm sóc thai nghén ở phụ nữ có thai.

Tiếp đó, từ những triệu chứng lâm sàng này thì chúng ta sẽ quyết định xử trí thai nghén như thế nào, hay nói một cách khác để em bé trong bụng hay lấy em bé ra ngoài; và dựa vào những tiêu chí nào về diễn biến lâm sàng, chúng ta sẽ quyết dịnh việc này.

Thêm một cái nữa chúng tôi sẽ làm là những em bé sơ sinh được sinh ra từ người mẹ nhiễm SARS-CoV-2 có em nào bị nhiễm không, hay có bé sơ sinh nào bị Covid-19 không.

Từ giờ đến cuối năm, những nghiên cứu này có thể sẽ được hoàn thành và chúng tôi có thể chính thức công bố tại hội nghị chỉ đạo tuyến vào đầu tháng 1 có kết quả ban đầu của những nghiên cứu này.

Trong dịch bệnh, chúng ta phòng dịch, tiêm phòng vắc xin thì có thể yên tâm. Thời gian vừa qua, chúng tôi có quan sát mấy chục ca, diễn biến xấu không nhiều mà đa số diễn biến tiến triển tốt. Thậm chí, có bà mẹ nhiễm Covid-19 sau 1 tuần đã âm tính, đương nhiên thai không bị ảnh hưởng gì khi người mẹ bị Covid-19.

Phan Tú, bạn đọc Báo Thanh Niên
Phan Tú, bạn đọc Báo Thanh Niên

Xin chào khách mời. Xin khách mời tư vấn, để sinh con khỏe mạnh và con không bị dị tật bẩm sinh, các cặp vợ chồng nên lưu ý vấn đề gì trước khi người mẹ mang thai?

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương

Rất cám ơn câu hỏi của bạn đọc. 27 tuổi là tuổi sinh nở rất đẹp. Hiện nay, với các chương trình nâng cao chất lượng dân số qua sàng lọc trước và sau sinh bằng xét nghiệm, kỹ thuật và thủ thuật chúng ta hoàn toàn chẩn đoán sàng lọc được bệnh Down (bệnh đần) và một số bệnh di truyền.

Hiện bệnh Down là bệnh rất đáng lưu ý do tần suất mắc cao hơn các bệnh do gen khác. Em bé bị bệnh này khi sinh ra trí tuệ rất thấp

Đáng lưu ý, bệnh liên quan và tăng dần theo tuổi của phụ nữ, tuổi càng lớn nguy cơ sinh con mắc Down càng cao. Bệnh chịu ảnh hưởng duy nhất là tuổi của phụ nữ, đó là nguy cơ cao nhất sinh con mắc bệnh Down.

Hiện tại, Việt Nam tiếp cận và cập nhật với thế giới về chẩn đoán; chúng ta có các loại test để sàng lọc trước sinh khi thai được 12 tuần đầu tiên; và tiên lượng rất sớm với kết quả đáng tin cậy, chính xác.

Chúng ta đủ các biện pháp siêu âm, lấy bệnh phẩm của thai khi thai được 16,17,18 đến 22 tuần; chúng ta có thể chẩn đoán được hội chứng Down qua phân tích tế bào di truyền của thai.

Việc chẩn đoán sớm bệnh Down đã được Bệnh viện Phụ sản T.Ư thực hiện thường quy từ 2006. Đến nay, bệnh viện có nhiều máy hiện đại hơn với thời gian xét nghiệm giảm đi; thời gian chờ kết quả nghiệm ngắn, có thể 5-7 ngày có kết quả. Đó là những tiến bộ quan trọng. Chi phí chẩn đoán cũng không qua lớn, tùy theo kỹ thuật, và cho kết quả chính xác.

Với các bệnh khác như: khe hở môi hiện có thể thể siêu âm phát hiện nhờ có thiết bị siêu âm rất hiện đại và trình độ siêu âm thành thạo.

Máy siêu âm hiện đại để chúng ta quan sát thật chi tiết cấu trúc thai như: môi; tim; chi và các ngón tay, chân; thành bụng; thành ngực; cấu trúc phổi; dạ dày thận, bàng quang... và đặc biệt là cấu trúc não.

Các cấu trúc thai hoàn toàn có thể đc quan sát thấy chi tiết rõ nét, phát hiện bất thường thông qua siêm âm hình thái 3D, 4D.

Cho nên với các vấn đề bạn đọc nêu, có thể yên tâm về khả năng sàng lọc sớm trước sinh và nên thực hiện khi thai được 18-22 tuần tuổi.

Tại tuyến tỉnh, tùy theo điều kiện có thể thực hiện được. Nhưng nếu như sàng lọc chi tiết nên đén trung tâm lớn, trong đó có Trung tâm Chẩn đoán trước sinh của Bện viện Phụ sản T.Ư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.