Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành xây dựng cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Một hạn chế được kể ra là việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn chưa hiệu quả. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn chậm so với yêu cầu phát triển. Chất lượng không ít đồ án quy hoạch còn thấp, thiếu tính kết nối, đồng bộ.
Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng phải thực hiện 3 nội dung gồm bứt phá cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; bứt phá về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng và bứt phá về nhà ở xã hội.
Đánh giá của Bộ Xây dựng trong báo cáo tổng kết năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển năm 2019 nhìn nhận, thị trường bất động sản (BĐS) cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Cơ cấu hàng hóa ngày càng đa dạng và được điều chỉnh từng bước hướng tới đáp ứng yêu cầu của nhiều tầng lớp người dân và thị trường. Trong 9 tháng năm 2018, doanh số thị trường BĐS tăng 4,12% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp BĐS đăng ký mới là hơn 3.000 doanh nghiệp, tăng 44,2% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng vốn đầu tư vào các dự án BĐS đang triển khai đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tỉ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tính đến quý 3/2018 là hơn 465.000 tỉ đồng (giảm 2,84% so với quý 2/2018). Tính đến ngày 20.12.2018, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng hơn 22.800 tỉ đồng, so với 20.12.2017 giảm hơn 2.500 tỉ đồng. Bộ Xây dựng cũng thống kê, trong năm 2018, đã hoàn thành được khoảng 58 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 24 m2 sàn/người. Bộ Xây dựng cũng ghi nhận giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng hơn 9,1%.
Bình luận (0)