Kiểm soát thực phẩm thông minh

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
20/04/2022 07:38 GMT+7

Sau 1 năm thí điểm, dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn TP.Đà Nẵng giai đoạn 1 đã dần đi vào thực tế và được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, người tiêu dùng tin tưởng.

Dự án là một trong những hợp phần của Đề án xây dựng thành phố thông minh, do UBND TP.Đà Nẵng giao Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) làm chủ đầu tư, với chiến lược truy xuất nguồn gốc thực phẩm gắn với ATTP. Dự án hướng đến 3 mục tiêu chính. Trước hết, đảm bảo sản phẩm bán ra tại Đà Nẵng có người chịu trách nhiệm, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin từ giống đến quá trình phát triển, kinh doanh, phân phối. Kế đến là có thêm phương tiện để người dân có quyền đánh giá sản phẩm/dịch vụ thực phẩm, phản ánh về chất lượng. Cuối cùng là phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, cảnh báo sớm nguy cơ, kiểm tra khi có nghi vấn, phòng tránh kịp thời.

Niêm phong, gắn mã truy xuất nguồn gốc khi đưa heo từ trang trại đi lò mổ

Rộng và sâu

Ở giai đoạn 1, dự án đã xây dựng cơ sở dữ liệu và web/app truy xuất nguồn gốc theo “chiều sâu” cho chuỗi sản phẩm thịt heo, bò ở các doanh nghiệp như Hai Thuyên, Đức Lâm, Peco Food, Vita Mart… Còn theo “chiều rộng”, QR Code đã được cấp cho 3.500 nhà hàng, quán ăn; đồng thời, xây dựng phần mềm với 264 chức năng, sẵn sàng cấp cho 3 cấp chính quyền quản lý truy xuất nguồn gốc và 16 tác nhân của chuỗi thịt tham gia. Công đoạn truy xuất nguồn gốc thịt heo từ trang trại (nuôi tại Đà Nẵng) đến lò mổ và người tiêu dùng cũng đã được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hai Thuyên, cho rằng truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu, TP.Đà Nẵng đi trước dù vất vả giai đoạn đầu nhưng sẽ có lợi thế, doanh nghiệp tham gia sớm sẽ được hỗ trợ. Để ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp vào chuỗi truy xuất, cần giám sát chặt và chế tài nghiêm minh đối với thực phẩm bẩn để tạo thị trường công bằng, lành mạnh.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý ATTP TP.Đà Nẵng, dự án thật sự mang lại lợi ích cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm với thông tin minh bạch, xây dựng thương hiệu, niềm tin với khách hàng và tiếp nhận các góp ý. Người tiêu dùng được truy xuất nguồn gốc, cơ quan quản lý nhà nước có tiền đề chuyển đổi số ngành thực phẩm, dễ dàng tìm ra nguyên nhân nếu có sự cố về thực phẩm. “Người tiêu dùng chấp nhận “tiền nào của nấy”, nhưng cần biết được thông tin chắc chắn về thực phẩm. Do đó, dự án truy xuất nguồn gốc rất ý nghĩa khi giúp người dân phân biệt được đâu là thực phẩm đảm bảo giữa “rừng” thông tin hàng hóa thị trường”, ông Hải nói.

Ông Bùi Huy Bình, đại diện liên danh Công ty CP giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified) và Công ty TNHH SGMC Việt Nam (xây dựng phần mềm, cung cấp thiết bị phần cứng dự án giai đoạn 1), cho biết Đà Nẵng là một trong những thành phố tiên phong truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, cho tất cả mắt xích chuỗi cung ứng trong bối cảnh các quy định nghiệp vụ chưa rõ ràng, chính sách đối với các cơ sở thực phẩm mang tính chất tự nguyện. Việc triển khai nghiệp vụ, quy trình tin học hóa, số hóa gặp nhiều khó khăn, nhưng dự án trở nên cần thiết vì triển khai trên rất nhiều đối tượng có tương tác với nhau (toàn bộ các mắt xích trên chuỗi cung ứng, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước). “Dự án có ý nghĩa lớn khi chuyển đổi thói quen của các cơ sở thực phẩm từ ghi chép sổ sách sang số hóa, có nhiều người nhập liệu lần đầu sử dụng phần mềm, thích nghi với quy trình linh hoạt cao theo yêu cầu và xu hướng tất yếu của thị trường”, ông Bình tin tưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.