Thị trường điện tử tiêu dùng VN cuối năm 2015 ước đạt hơn 6 tỉ USD và lọt vào top 5 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, toàn bộ miếng bánh béo bở này hầu như đều rơi vào các thương hiệu ngoại.
Thế Giới Di Động đạt doanh thu hơn 1 tỉ USD trong năm 2015 - Ảnh: D.Đ.Minh |
Mỗi ngày thu khoảng 370 tỉ đồng
Kết thúc năm vừa qua, doanh thu của Thế Giới Di Động ghi nhận mức tăng trưởng 60% so với năm trước khi đạt 25.250 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.072 tỉ đồng. Tính bình quân mỗi ngày Thế Giới Di Động đạt doanh thu gần 70 tỉ đồng. Hiện hệ thống này có hơn 620 cửa hàng bán điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử gia dụng, phủ sóng hầu như khắp mọi miền đất nước. Tương tự, hệ thống FPT Shop năm 2015 cũng đạt doanh thu 7.832 tỉ đồng, tương đương mức thu được 21 tỉ đồng/ngày, tăng đến 148% so với năm 2014 và lợi nhuận tăng trưởng đến 350% khi đạt được 180 tỉ đồng. Nếu nói riêng về lĩnh vực điện thoại di động (ĐTDĐ), Thế Giới Di Động và FPT Shop ước tính đang chiếm giữ hơn 50% thị phần cả nước. Đó chỉ là hai hệ thống bán lẻ trong số hàng ngàn đơn vị đang phân phối các sản phẩm trên thị trường điện tử tiêu dùng của cả nước nhưng hầu như đều chỉ bán các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường GfK, doanh số thị trường điện tử tiêu dùng VN năm 2014 đạt hơn 116.000 tỉ đồng (tương đương 5,5 tỉ USD), là năm thứ 2 liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 20%. Động lực tăng trưởng chính đến từ mảng ĐTDĐ với mức tăng trưởng 30%/năm. Trong năm 2014, người Việt đã chi ra gần 50.000 tỉ đồng để mua điện thoại, tương đương 43% tổng chi tiêu cho các sản phẩm điện tử - điện máy. Ba ngành hàng khác có doanh số gần 1 tỉ USD, gồm ti vi, điện lạnh, sản phẩm công nghệ thông tin (laptop, tablet, máy tính) duy trì mức tăng trưởng từ 14 - 18%.
|
Thương hiệu Việt chết dần
Từ chiếc điện thoại đến máy tính hay ti vi, tủ lạnh... toàn bộ thị trường điện tử tiêu dùng VN đều tràn ngập những tên tuổi thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple, Oppo, Lenovo, Sony, LG, Toshiba, Hitachi... Nhiều năm trước, một vài thương hiệu Việt le lói trong lĩnh vực này như ti vi VTB thì nay cũng vắng bóng; tương tự ĐTDĐ Việt giờ chỉ còn mỗi cái tên Mobiistar, Viettel, Q-mobile hay BKAV mới tham gia vào thị trường. Nhưng trên thực tế, theo tiết lộ của một số hệ thống bán lẻ thì họ chỉ còn bán sản phẩm Mobiistar, những sản phẩm khác chẳng bán được bao nhiêu.
Còn theo báo cáo của Công ty nghiên cứu IDC, điện thoại thương hiệu Việt đã sụt giảm thị phần từ 10% của năm 2014 xuống 7% vào giữa năm 2015. IDC nhận định: trước đây, những thương hiệu Việt là thương hiệu nhỏ, tập trung vào giá của sản phẩm, giá càng thấp càng tốt để chiếm thị phần. Tuy nhiên, hiện giờ Samsung, Oppo hay thậm chí là Huawei đánh vào thị phần giá thấp hơn nên sự lựa chọn của người dùng cũng thay đổi. Dự báo 4 năm tiếp theo, thị phần của các thương hiệu Việt sẽ vẫn giữ ở mức này và có tăng cao lắm chỉ có thể nhích lên con số 12%.
Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc Công ty FPT Retail, các thương hiệu nước ngoài đều có thị trường đa quốc gia nên số lượng sản xuất lớn, từ đó giá thành thấp và chi phí dành cho hoạt động quảng bá cũng nhiều hơn. Trong khi đó, các thương hiệu Việt hầu như chỉ tập trung cho một thị trường VN nên số lượng sản xuất không đủ lớn, giá thành không thể cạnh tranh và từ đó chi phí dành cho hoạt động marketing cũng không cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm trong nước đa phần thất bại do không nghiên cứu kỹ thị trường, không biết người tiêu dùng muốn gì. “Hiện nay, công nghệ sản xuất không quan trọng mà chủ yếu là biết chọn công nghệ gì để đưa vào điện thoại. Ví dụ Mobiistar mới đây đã biết chọn công nghệ chụp ảnh phơi sáng trong smartphone, đáp ứng được nhu cầu của một số khách hàng và những sản phẩm đó đã thành công, góp phần làm tăng thị phần so với trước.
Thị trường thiết bị di động rất rộng lớn. Bởi tỷ lệ trong vòng 12 tháng, khoảng 50% người dùng sẽ đổi điện thoại mới nên thị trường luôn có sự tăng trưởng, đủ chỗ cho nhiều đơn vị tham gia”, bà Điệp nói. Còn theo ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, VN đã tụt hậu quá xa so với các nước trong việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể chen chân được vào thị trường tiêu dùng rộng lớn này bởi việc sản xuất không phải là bí mật của riêng một hãng nào mà có thể đặt hàng tại các nhà máy ở Trung Quốc, nơi chuyên sản xuất cho mọi tập đoàn trên thế giới. Những đơn vị thông minh sẽ biết lựa chọn được sản phẩm và ngách thị trường phù hợp để tạo nên chỗ đứng cho mình.
Bình luận (0)