YouTube là một nền tảng kỹ thuật số mở, cho phép mọi người bao gồm các nhóm kiến tạo nội dung, các nghệ sĩ, các ca sĩ, các đơn vị sản xuất chia sẻ nội dung của mình miễn phí cho người xem. Trên những nội dung đó, YouTube bán quảng cáo cho các nhãn hàng. Các quảng cáo bán được cho các nhãn hàng đặt vào các nội dung của những người sở hữu nội dung mang lại lợi nhuận cho YouTube. Lợi nhuận thu được từ quảng cáo trên mỗi nội dung sẽ được YouTube chia sẻ lại cho người sở hữu các nội dung đó. Lợi nhuận từ các nội dung trên YouTube được quyết định bởi tần suất và giá cả các quảng cáo được phát trên các nội ấy.
Theo bà Trương Tú Ngân, Trưởng phòng Truyền thông của POPS Worldwide - một trong những mạng lưới đa kênh uy tín nhất Việt Nam hiện nay, khái niệm nhiều view nhiều tiền chỉ đúng một cách tương đối khi so sánh các video hay nội dung của cùng một nghệ sĩ (creator). Theo bà Ngân, nếu xét trên loại video hay nội dung khác nhau như nhạc trẻ và nhạc bolero, nghệ sĩ A và nghệ sĩ B thì khái niệm nhiều view nhiều tiền không chính xác vì doanh thu đến từ quảng cáo được quyết định bởi giá quảng cáo, mà giá quảng cáo lại khác nhau ở từng thị trường.
|
“Giá quảng cáo ở Mỹ có thể cao gấp cả chục lần giá ở Việt Nam, vì vậy một video được xem ở Mỹ nhiều thì tuy lượt xem có thể bằng 1/2 một video mà người xem chỉ là khán giả trong nước nhưng doanh thu sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, doanh thu còn phụ thuộc vào số lượng quảng cáo mà YouTube bán được cho các nhãn hàng. Nôm na là video bạn có thể có hàng chục triệu view, nhưng YouTube không bán được quảng cáo cho các nhãn hàng thì bạn cũng sẽ không có tiền”, bà Ngân cho hay.
Nhiều người quan tâm về những cái tên hot view như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, bé Bảo An, Hồ Việt Trung, hay các nhóm hài Faptv, Ghiền Mì Gõ… là ca sĩ, nhóm hài liên tục có những MV, video đạt trăm triệu lượt xem. Một cách tổng quan, họ kiếm được bao nhiêu cho các MV của mình? Câu trả lời là chỉ có chủ kênh mới có thể đăng nhập vào để biết con số cụ thể. Tuy nhiên, doanh thu từ các MV của các tên tuổi này… sẽ không khủng như lượt xem trên video nếu người xem đa phần ở Việt Nam. Chưa tính tới việc nếu lượt xem được can thiệp bằng những thủ thuật không lành mạnh thì doanh thu phát sinh hầu như sẽ không có.
Trước hàng loạt nghệ sĩ chăm chỉ tung ra sản phẩm trên YouTube bởi lời đồn thu nhập từ YouTube có thể giúp nghệ sĩ mua nhà xe tiền tỉ, bà Ngân chia sẻ thêm: “Chỉ nhờ phát hành trên YouTube, Psy đã đút túi cả nửa triệu USD với Gangnam Style. Nếu nghệ sĩ có một chiến lược phát triển nội dung đúng đắn, điều này hoàn toàn có thể đối với các nội dung có thể tiếp cận cùng lúc nhiều thị trường khác nhau, như các sản phẩm của Psy là một ví dụ. Ngoài ra, chúng ta cũng có quyền kỳ vọng vào một tương lai gần khi thị trường quảng cáo Việt Nam tiến gần hơn với thị trường quảng cáo thế giới. Và khi đó, không phân biệt là nghệ sĩ của Việt Nam hay nghệ sĩ nước ngoài vẫn hoàn toàn có khả năng kiếm được nhiều tiền như Psy”.
Mới đây, một nhóm hài đoạt nút vàng cho biết lợi nhuận từ kênh chưa đủ bù chi. Nhiều người thắc mắc ở Việt Nam, 2 triệu subscriber (người theo dõi kênh) mỗi tháng có thể kiếm được bao nhiêu. Câu trả lời là subscribers không phải là thông số có thể quy ra doanh thu. Tuy nhiên subscriber lại là thế mạnh cho thấy chủ sở hữu kênh có cộng đồng fan trung thành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nội dung/video tiếp theo nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận một nhóm lớn những khán giả quen thuộc, từ đó có thể mang lại nhiều view cho các video. Theo Tubefilter, khi bạn là ngôi sao YouTube, lợi nhuận không chỉ đến từ chia sẻ quảng cáo mà YouTube đẩy trên video. Với những kênh có lượng subcriber lớn, chủ kênh dễ tiếp cận và nhận được tài trợ, lợi nhuận từ các nhãn hàng cho các nội dung của mình.
Bình luận (0)