Từ tò mò đến thu nhập hàng chục triệu đồng
Anh Lý Thành Hưng (33 tuổi), ngụ tại H.Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã "biến" những viên đá cuội thô ráp thành các sản phẩm tranh đa dạng chủ đề, như: chân dung, phong cảnh, động vật…
Anh Hưng làm họa sĩ hơn 10 năm, anh vẽ lên đá cuội là vì tò mò, muốn tìm sự mới mẻ trong cách thức thể hiện nghệ thuật.
"Tuy nhiên, hoạt động này không hề dễ dàng như tôi nghĩ vì bề mặt đá sần sùi, hình dáng không cân xứng, làm khó cho người cầm cọ khi muốn thể hiện ý tưởng", anh Hưng bộc bạch.
Anh Hưng nói thêm: "Khó khăn nhất là tôi phải tìm những viên đá phù hợp để vẽ. Riêng với tranh chân dung trên đá sẽ cần một độ bằng phẳng, nhám ổn định để tránh khi vẽ bị biến dạng", anh Hưng nói.
Theo đó, để có những viên đá đúng tiêu chuẩn, anh Hưng phải tìm hiểu đồ nghề và học thêm kỹ thuật máy móc từ các thợ làm đá.
"Để làm ra sản phẩm, cần trải qua các bước như: chọn đá tự nhiên, mài mặt đá cho mịn sau đó tô nền trắng và vẽ nét chì phác họa. Kế đến, lên màu cho tranh và cuối cùng là phủ lớp bóng, bảo vệ cho màu sơn ổn định không bong tróc, bay màu. Tùy vào độ khó để hoàn thành một bức tranh, có khi từ 2 đến 5 ngày", anh Hưng cho hay.
Rồi anh Hưng còn kể: "Dù là họa sĩ có kinh nghiệm nhưng khi tôi chuyển sang vẽ trên đá cũng bị choáng ngợp, bởi hoạt động này đòi hỏi kỹ năng xử lý màu cao và khó hơn rất nhiều so với vẽ các dòng tranh khác. Người cầm bút cần sự tỉ mỉ và tập trung gấp đôi khi diễn tả các chi tiết nhỏ".
Hiện tại, tranh đá cuội của anh Hưng có giá từ 1-4 triệu đồng/sản phẩm, tùy vào độ khó hay lớn nhỏ của đá. "Trung bình mỗi tháng tôi kiếm gần 20 triệu đồng nhờ việc vẽ và kinh doanh tranh đá cuội. Phần lớn khách hàng tìm đến vì chất lượng và tình cảm nghệ thuật tôi đặt vào trong tranh", anh Hưng cho hay.
"Cơ bản màu vẽ tôi dùng là loại màu ngoài trời chịu nắng mưa, cộng với phủ thêm lớp bảo vệ bề mặt cho tranh nên độ bền và bảo quản sẽ không đáng ngại. Khách hàng chỉ cần đặt tranh ở không gian trong nhà, nơi làm việc, tránh để trực tiếp ngoài ánh nắng thì sẽ giữ được màu của sản phẩm lâu hơn", anh Hưng nói thêm.
Kết nối những viên đá thành tiểu cảnh
Phùng Trung Vương (29 tuổi), quê ở tỉnh Ninh Thuận, cũng kiếm được tiền triệu nhờ "biến" những viên đá voi, đá vỉa, đá tiger thành tiểu cảnh với phong cách hòn non bộ mini.
"Vào năm 2022, mình biết đến tiểu cảnh hòn non bộ thông qua các trang mạng xã hội, rồi yêu thích và tò mò làm thử. Dù những sản phẩm đầu tiên của mình không được đẹp nhưng may mắn cũng được bạn bè, người thân mua ủng hộ", Vương nhớ lại.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Vương còn tìm tòi, học hỏi kiến thức từ các anh chị đi trước và đầu tư thêm máy móc, kỹ thuật...
"Để tiểu cảnh đẹp, phải chọn những viên đá có vân, hình dáng gồ ghề. Sau đó, mình đục đẽo theo sự sáng tạo riêng rồi mới kết nối lại với nhau bằng keo. Mình luôn sắp xếp những viên đá to phía trước, còn những viên đá có góc cạnh, nhọn lùi về sau để sản phẩm đạt chiều sâu và tự nhiên hơn", Vương cho hay.
"Mỗi tiểu cảnh bên mình có chiều cao trung bình từ 40 đến 60 cm, thời gian hoàn thành khoảng 1 tuần, giá dao động từ 8-12 triệu đồng, tùy vào độ khó của sản phẩm. Ngoài những khách đến mua sản phẩm tại nhà, mình còn bán tiểu cảnh hòn non bộ qua mạng xã hội, nhờ thế thu nhập mỗi tháng của mình gần 30 triệu đồng", Vương cho biết.
Bình luận (0)