Công việc khắc tượng phật trong mắt tre không chỉ mang đến cho anh Cường một cuộc sống bình yên và tĩnh tâm hơn giữa thành phố sôi động mà còn cả nguồn thu nhập khá ổn định.
Kiếm tiền từ đồ bỏ đi
Mặc dù không có năng khiếu về hội họa, điêu khắc trước đó, nhưng với niềm đam mê làm những món đồ chơi nhỏ xinh cho trẻ con, nên sau khi nghỉ công việc hàng hải, anh Cường quyết tâm rẽ ngang để theo đuổi đam mê của mình.
“Khởi đầu mình làm bộ 12 con giáp bằng tre, làm những mô hình nho nhỏ xinh xinh cho các bé. Lúc đó mình mua nguyên cây tre về làm, thấy chỉ làm phần thân còn phần mắt tre bị bỏ đi rất là lãng phí. Sẵn lúc đó dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu tiên ở Việt Nam, mọi người khuyến khích nhau thay vì đi ra ngoài thì hãy đi vào bên trong. Mình cũng thế, bắt đầu công việc này ở tại nhà và quay vào bên trong con người mình để tĩnh tâm hơn, đọc sách về Phật giáo và thấm dần, từ đó mình nảy ra ý tưởng khắc tượng phật trong mắt tre. Nói chung mọi thứ đến với mình như một cái duyên”, anh Cường chia sẻ.
|
Khi bắt đầu với loại hình này, anh cần nguồn mắt tre nhiều hơn, nên kết nối với các đầu mối ở Nghệ An và Thanh Hóa, ngoài đó người ta dùng thân tre để làm đũa, đan lát và bỏ đi lượng mắt tre rất nhiều.
Mỗi lần nhập mắt tre về trên 5.000 cái, nhưng anh chỉ lựa ra được vài trăm cái vì không phải mắt tre nào cũng có thể dùng để khắc tượng phật được.
“Mắt tre dùng được phải có đường kính khoảng từ 8 - 12 cm, bề mặt bên trong cũng không được quá xấu như cong hay lượn theo những hình dạng quá khó thì không thể nào khắc tượng phật được. Bên cạnh đó, có những mắt trong thời gian phơi bị nứt quá nhiều cũng không thể dùng được”, anh chia sẻ về cách chọn mắt tre.
Nhưng không phải vì thế mà những mắt tre khác sẽ vào thùng rác, anh tận dụng tất cả và biến những cái tưởng chừng bỏ đi trở thành vật có giá trị.
“Mình có rất nhiều ý tưởng để làm, những mắt tre không khắc tượng phật được thì có thể tận dụng để làm vật trang trí, hay dạng như móc khóa để viết chữ lưu niệm. Những loại mắt tre có đường kính lớn có thể tận dụng làm mô hình đế sen cho Phật ngồi, làm cánh sen, con chuồn chuồn, bộ đốt nhang, hoặc có thể làm muỗng, đũa…”, anh kể.
|
Nhiều đơn đặt hàng không đáp ứng xuể
Thử thách đầu tiên của anh Cường là tìm dụng cụ phù hợp để làm: “Vì trước mình chưa có ai làm loại hình này, mà lại làm thủ công nên phần tìm dụng cụ hỗ trợ trong quá trình làm là vô cùng gian nan. Lúc đầu chẳng biết xài công cụ nào thì sẽ phù hợp, nên cứ làm sai rồi sửa, chưa phù hợp thì lại lặn lội đi tìm mua, mua đến khi nào phù hợp thì thôi. Có những khâu không thể có được dụng cụ chuyên dụng thì mình lại tự chế tạo hay kết hợp nhiều dụng cụ với nhau để làm”.
Chia sẻ về những công đoạn để cho ra đời sản phẩm tượng phật khắc bằng mắt tre độc đáo này, anh Cường cặn kẽ: “Đầu tiên những mắt tre này phải được luộc để khử đường cho khỏi mối mọt, sau đó mình mang đi phơi trong vòng từ 2 - 3 tháng, nhưng chỉ phơi gió chứ không phơi nắng, vì nắng sẽ làm mắt tre bị nứt và vỡ thì không thể khắc được. Tiếp đến, vệ sinh bụi bẩn và ẩm mốc trên mắt tre. Sau đó, mình mới bắt đầu vẽ hình tượng muốn khắc lên mắt tre và dùng cưa chuyên dụng để tạo hình. Đã cưa nhưng hình vẫn còn thô, dùng giấy nhám cắt nhỏ cho phù hợp với từng khe của tượng phật để chà, chỉnh sao cho đảm bảo độ thẩm mỹ, nhẵn và đẹp cho tượng phật nhưng vẫn giữ được độ tự nhiên tổng thể của toàn mắt tre”.
Vì là những sản phẩm độc đáo, nên được rất nhiều khách hàng ưa thích và đặt mua, đặc biệt là những người trẻ thích thiền, yoga thì lại càng thích những sản phẩm như thế này. Nhưng tất cả mọi khâu do mình anh Cường làm thủ công nên không thể đáp ứng hết các đơn đặt hàng.
“Mỗi sản phẩm sau khi đã luộc, phơi và vệ sinh sạch sẽ thì mình mất khoảng 4 - 5 tiếng để hoàn thành. Một ngày mình chỉ làm được từ 1 - 2 sản phẩm, nên chưa thể đáp ứng hết các đơn đặt hàng. Nhiều người Việt ở các nước cũng rất trân quý sản phẩm thủ công và mang hơi hướng tâm linh Phật giáo như thế này nên cũng đặt rất nhiều. Mình mới gửi sang Mỹ hơn 10 triệu đồng tiền hàng cho khách hàng ở bên đó”, anh Cường chia sẻ.
Mặc dù mỗi ngày chỉ làm được từ 1 - 2 sản phẩm nhưng mỗi sản phẩm anh bán với giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng nên công việc này cũng mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định. Sắp tới anh dự định sẽ mở rộng và làm thành xưởng để có thể sản xuất với số lượng nhiều hơn.
Theo anh Cường, hiện các sản phẩm khắc tượng phật trong mắt tre chỉ có thể làm thủ công chứ không thể áp dụng máy móc. Vì để đưa máy móc vào khắc tượng phật thì bề mặt của mắt tre phải phẳng, cũng như độ cứng phải đồng nhất. Chính vì thế, mỗi một tác phẩm bằng mắt tre của anh Cường ra đời là một quá trình kỳ công và đòi hỏi sự tỉ mỉ ở từng khâu.
Bình luận (0)