Giá đất bồi thường cao hơn giá trong hợp đồng mua bán
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai các dự án thành phần thuộc Dự án sân bay quốc tế Long Thành .
Sân bay quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động vào năm 2025 |
ACV |
Liên quan dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho sân bay Long Thành (Dự án), Ủy ban Kinh tế cho biết, tới nay tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 4.703,23 ha trên tổng số 4.946,45 ha, đạt 95,08%.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải hoàn thành trước năm 2021 thì tiến độ triển khai các công việc liên quan tới Dự án là "rất chậm".
Ủy ban Kinh tế cũng nêu hàng loạt các khó khăn, vướng mắc mà Dự án gặp phải. Trong đó, đáng lưu ý là kết quả kiểm toán và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là một trong các "khó khăn, vướng mắc".
Cụ thể, về giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban Kinh tế cho hay tại báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 của tỉnh Đồng Nai, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức xây dựng, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt lại giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cụ thể gồm: giá đất cụ thể để bồi thường, thu hồi đất của các hộ gia đình và cá nhân; giá đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất trồng cao su của Tổng công ty Cao su Đồng Nai), thu hồi chênh lệch (nếu có).
Tiếp đó, tại báo cáo kiểm toán Dự án, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thẩm định lại giá đất cụ thể để đền bù khi thu hồi đất.
Lý do là vì các chứng thư thẩm định giá được ban hành dựa trên cơ sở tham khảo giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường, nhưng không được những người đã chuyển nhượng đất ký xác nhận thông tin về giá chuyển nhượng. Đồng thời giá tham khảo này lại có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng mà các bên đã ký hợp đồng công chứng và kê khai thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra dự án Sân bay Long Thành hồi đầu tháng 10 |
lê bình |
Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, tại cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã nêu các kết quả, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước như một vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành.
Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng, khi đó cho hay tỉnh này áp dụng chính sách có lợi cho dân khi khảo sát thực tế thị trường để tính giá đất nhưng Kiểm toán Nhà nước cho rằng tỉnh làm không đúng, đề bù với giá cao hơn so với trong hợp đồng mua bán ở đơn vị tính thuế. Điều này khiến cán bộ thực hiện "khựng lại hết", gây chậm tiến độ.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Quốc hội tháo gỡ vướng mắc này cho Đồng Nai.
Giá bồi thường cho Tổng công ty Cao su Việt Nam chưa phù hợp
Ngoài kiến nghị về giá đất, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy, Kiểm toán Nhà nước còn nhiều kiến nghị khác như việc bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Tổng công ty Cao su Đồng Nai; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất.
Chẳng hạn, liên quan tới việc bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, giá bồi thường, hỗ trợ vườn cây cao su của Tổng công ty Cao su Đồng Nai để thu hồi đất được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt "còn một số bất cập".
Đại công trường thi công Sân bay Long Thành |
lê lâm |
Cụ thể, đối với chi phí bồi thường vườn cây cao su, theo Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh Đồng Nai bồi thường giá trị cây cao su cho cả phần diện tích cây cao su đã hết thời gian khai thác 1.578,63 ha/2.080,78 ha (đã đến thời hạn thanh lý cây), đồng thời chấp thuận cho doanh nghiệp tự thanh lý cây (với giá trị tương đối cao) là không phù hợp.
Cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định hỗ trợ 475 triệu đồng/ha cao su thu hồi (là giá trị thiệt hại kinh doanh 15 năm còn lại chưa khai thác) là chưa phù hợp.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai xác định thời gian bình quân khai thác còn lại của vườn cây cao su bị thu hồi là 15 năm là thời gian khai thác bình quân còn lại của toàn bộ diện tích cây cao su hiện có của Tổng công ty Cao su Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (55.310,56 ha) mà không tính theo thời gian khai thác bình quân còn lại của phần diện tích cao su bị thu hồi (2.080,78 ha) thấp hơn rất nhiều so với thời gian khai thác bình quân còn lại của toàn bộ vườn cây.
Đối với chi phí liên quan trực tiếp đầu tư vào vườn cây, UBND tỉnh Đồng Nai còn tính toán hỗ trợ cho phần dự phòng phí 10% là không phù hợp với quy định về quyết toán chi phí đầu tư (chi phí dự phòng không tính vào giá trị tài sản hình thành qua đầu tư).
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai xác định mức hỗ trợ 10,319 triệu đồng/ha chi phí mất việc làm cho người lao động thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam là không có cơ sở, không phù hợp. Tổng chí phí UBND tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ theo phương án bồi thường cho 2.080,78 ha tổng diện tích vườn cây thu hồi là 21,471 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của KTNN đối với khoản chênh lệch giá trị đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất trồng cây cao su của Tổng công ty Cao su Việt Nam.
Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, trình UBND tỉnh Đồng Nai quyết định điều chỉnh lại những nội dung đền bù, hỗ trợ chưa đúng quy định.
Trên cơ sở đó, tính toán lại toàn bộ giá trị bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất của Tổng công ty Cao su Việt Nam, thu hồi số chênh lệch đã thanh toán thừa (nếu có) nộp trả ngân sách Nhà nước.
Liên quan tới các kiến nghị Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kinh tế đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải trình rõ và đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại hiện nay; nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc tổ chức thẩm định lại giá đất cụ thể để đền bù khi thu hồi đất, chỉ đạo rà soát, khắc phục các tồn tại, bất cập trong việc phê duyệt lại giá đất cụ thể dẫn đến tình trạng giá đền bù chưa bảo đảm cơ sở pháp lý...
Bình luận (0)