Kiểm toán phải đi vào vấn đề thời sự

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/09/2023 06:17 GMT+7

Sáng 12.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 26, cho ý kiến báo cáo công tác năm 2023, kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Kiến nghị xử lý hơn 10.000 tỉ đồng

Báo cáo tại phiên họp, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Doãn Anh Thơ cho hay, trong 8 tháng đầu năm với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý 10.723 tỉ đồng. Trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 980 tỉ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỉ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỉ đồng. Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp.

Kiểm toán phải đi vào vấn đề thời sự - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Về kế hoạch kiểm toán năm 2024, ông Thơ cho biết, dự kiến tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 là 123 nhiệm vụ, không tăng so với kế hoạch kiểm toán đầu năm 2023 (129 nhiệm vụ). Trong đó, về lĩnh vực NSNN, KTNN dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan T.Ư, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 bộ, cơ quan T.Ư cùng 61 địa phương.

Về kiểm toán chuyên đề, dự kiến sẽ có 25 cuộc, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng. Cụ thể như việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại và tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập; việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do T.Ư quản lý giai đoạn 2020 - 2023... Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

Vẫn theo Phó tổng KTNN Doãn Anh Thơ, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội. Cụ thể như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1); dự án đường vành đai; đường ven biển…

Phải tổ chức họp báo, công khai

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị KTNN bám sát 3 mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán với phương châm "thà ít mà tốt". "Đừng có rải mành mành ra, làm gì có trọng tâm trọng điểm, mình làm có tác động lan tỏa", Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời lưu ý phải tiếp tục đề cao công khai, minh bạch, khách quan, trung thực trong hoạt động kiểm toán.

Nhấn mạnh việc minh bạch, công khai là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay KTNN chủ yếu mới đăng tải kết quả kiểm toán. "Phải tổ chức họp báo, công khai. Trước đây, các cuộc kiểm toán quan trọng, lớn đều họp báo công bố công khai. Mình đăng trên cổng thông tin ai người ta đọc, ít người đọc. Báo cáo kiểm toán hằng năm phải công khai, đồng thời lựa chọn các kiểm toán chuyên đề, trọng điểm để công khai", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng việc công khai kết quả kiểm toán có 2 mặt, vừa khẳng định sức mạnh của kiểm toán, mặt khác cũng để dư luận giám sát hoạt động kiểm toán.

"Tôi thấy có vẻ các đồng chí ngày càng giảm nhiệt đi. Bao giờ cho đến ngày xưa như thời anh em chúng tôi (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là Tổng KTNN từ 2006 đến 2011 - PV) là các cơ quan báo chí thường xuyên có mặt ở cơ quan kiểm toán. Mỗi lần họp báo là chuẩn bị toát mồ hôi, nhưng như thế kiểm toán viên người ta mới chịu khó làm cho nó đúng, chứ không phải anh muốn nói gì thì nói, muốn kết quả thế nào cũng được", Chủ tịch Quốc hội nói.

Kiểm toán cần có trọng tâm, trọng điểm

Góp ý cụ thể vào kế hoạch kiểm toán năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mong muốn của Quốc hội là làm sao nâng cao chất lượng dự toán NSNN. Chất lượng quyết toán ngân sách cũng phải thực chất, không coi quyết toán là "việc đã rồi".

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý kế hoạch của KTNN phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà kỳ họp 5 của Quốc hội đã ban hành nghị quyết. Dù làm kiểm toán chuyên đề riêng hay kiểm toán chung thì tất cả phải hướng tới đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, dự lường các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô như nghị quyết kỳ họp 5 đã nêu.

"Phải trả lời được vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm, hệ thống tài chính ngân hàng đang khó khăn, nợ xấu thì tăng, tình hình chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu và nêu hàng loạt vấn đề cần KTNN "vào cuộc" như khó khăn trong mua sắm vật tư trang thiết bị y tế; kiến nghị thanh tra, kiểm toán vấn đề in, phát hành, chiết khấu, giá bán sách giáo khoa; kiến nghị thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm; giải ngân vốn đầu tư công "vẫn tắc, vẫn chậm"; vấn đề thiếu điện…

"Tôi đề nghị trên cơ sở đó các đồng chí rà soát lại, vừa xác định mục tiêu kiểm toán chung, điều chỉnh lại một số kiểm toán chuyên đề. Đừng có nhiều quá, tham lam quá, cái gì cũng đưa vào, những cái quá cụ thể, nên tập trung vào câu hỏi hiện nay đang rất thời sự, thiết thực, sát thực tiễn hơn", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị KTNN lựa chọn những đối tượng, lĩnh vực kiểm toán đang có những ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển, những dự án lớn về hạ tầng, các dự án có nguy cơ sai phạm cao hoặc các dự án đang được xã hội quan tâm. Phó thủ tướng cho rằng, kiểm toán là một ngành nghề rất nhạy cảm, bởi "chính các đồng chí cũng liên quan trực tiếp tới tiền, hàng". Do đó, ông đề nghị cơ quan KTNN triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan KTNN thực chất hơn; đặc biệt đề cao việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.