Khi thông tin TP.HCM phát hiện cả ngàn con heo từ các tỉnh lân cận đổ về nhiễm salbutamol, cơ quan thú y các địa phương mới cho biết họ chỉ kiểm tra chất cấm bằng... mắt thường.
Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm chất cấm trong heo nguồn gốc từ Đồng Nai - Ảnh: Công Nguyên |
Kiểm tra là thấy chất cấm !
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu tháng 1.2016 đến nay qua kiểm tra đã phát hiện gần 1.000 con heo nhiễm chất cấm salbutamol (chất tạo nạc, tăng trọng), trong đó hầu hết là heo từ Bình Thuận (505 con) và Đồng Nai (288 con), còn lại từ Long An, Tiền Giang.
Đặc biệt, có mẫu hàm lượng chất cấm vượt ngưỡng cho phép hàng nghìn lần. Đây là những con số cao bất thường và đáng báo động.
Ngay rạng sáng 20.1, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, tiếp tục dẫn đoàn kiểm tra tình trạng heo nhiễm chất cấm từ các tỉnh đưa về các lò mổ lớn trên địa bàn TP. Tại lò mổ Nam Phong (Q.Bình Thạnh), đoàn kiểm tra phát hiện một lô heo (58 con heo) có nguồn gốc từ Bình Thuận và một lô Đồng Nai (66 con heo) dương tính với chất cấm.
“Nhìn thấy heo khỏe mạnh thì cho xuất chuồng”
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, số lượng lớn heo mà chi cục này phát hiện có chứa chất cấm salbutamol, đã được Chi cục Thú y Bình Thuận cấp giấy kiểm dịch là heo ở các xã Tân Hà, Tân Thắng và Thắng Hải (H.Hàm Tân).
Trả lời PV Thanh Niên hôm qua (20.1), ông Châu Ngọc Tấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Thuận, thừa nhận mới đây có đoàn kiểm dịch của Sở NN-PTNT Bình Thuận đi kiểm tra đàn heo nuôi tại địa phương nhưng không hề phát hiện gì. “Chúng tôi chỉ kiểm dịch, không lấy mẫu xét nghiệm nên không thể phát hiện chất tạo nạc từ đàn heo”, ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, quy trình kiểm dịch cấp phép cho vận chuyển gia súc (heo) ra khỏi tỉnh, được thực hiện đúng theo Quyết định 05 của Bộ NN-PTNT, đó là: khi các trang trại nuôi heo, hoặc thương lái có nhu cầu bán heo ra khỏi địa bàn (kể cả trong tỉnh) đều phải có thông báo đến Chi cục Thú y và các trạm thú y.
Sau đó, các cán bộ thú y đến tận nơi kiểm tra (lâm sàng bằng mắt thường) thấy đàn heo khỏe mạnh thì cấp giấy đã kiểm dịch cho cơ sở vận chuyển đi tiêu thụ. Việc Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện đàn heo ở Bình Thuận bị phát hiện có chất cấm, ông Tấn cho rằng: “Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang... có thì Bình Thuận hoàn toàn có thể có. Chúng tôi rất cảm ơn các đồng nghiệp từ TP.HCM đã phát hiện sớm để chúng tôi có cơ sở tuyên truyền và kiểm tra xử lý ở những trang trại lớn tại Bình Thuận”.
“Chúng tôi làm không xuể”
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, cho biết hiện trong quy định kiểm dịch trước khi cho đàn heo xuất bán ra thị trường chưa có nội dung kiểm tra chất cấm.
Quy trình kiểm dịch yêu cầu kiểm tra lâm sàng xem đàn heo có bị dịch bệnh gì không, nếu thấy con nào yếu, có biểu hiện triệu chứng của bệnh truyền nhiễm hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm thì tách riêng để lấy mẫu xét nghiệm; kiểm tra danh sách tiêm phòng các bệnh thuộc danh mục bệnh phải tiêm phòng khi vận chuyển động vật; đối với heo xuất phát từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thì không phải làm xét nghiệm, áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với những bệnh được công nhận an toàn dịch bệnh. Sau khi kiểm tra xong các bước trên nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì cấp giấy kiểm dịch, cho xuất bán.
“Mặc dù kiểm tra chất cấm chưa có trong quy trình trên nhưng không vì thế lơ là, bỏ qua, mà chúng tôi lập kế hoạch kiểm tra riêng. Tuy nhiên do nhân lực hạn chế, trong khi trên địa bàn Đồng Nai có đến 2.030 trang trại, riêng trang trại heo là 1.405, nếu như trại nào trước khi xuất bán người của chi cục đều phải xuống lấy mẫu kiểm tra chất cấm thì làm không xuể, nguồn nhân lực không đủ”, ông Quang phân bua.
Về những trường hợp heo ở Đồng Nai nhiễm chất cấm bị Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện trước đây, ông Quang cho hay đều cho nhân viên xuống trang trại kiểm tra ngay nhưng hầu hết lứa heo còn nằm ở trại lại không phát hiện ra chất cấm. Riêng hai trường hợp mới nhất bị phát hiện thì Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai chưa nhận được văn bản.
Trước “phản hồi” của thú y các tỉnh, một cán bộ trong đoàn kiểm tra giết mổ tại TP.HCM nói thẳng: “Cơ quan chức năng một số tỉnh lơ là trong việc kiểm soát chất cấm trong heo. Khi phát hiện, chúng tôi gửi văn bản thì các tỉnh phúc đáp bằng cách lấp liếm rằng do cơ chế của tỉnh, thiếu cán bộ làm việc. Đây là những cách trả lời vô trách nhiệm!”.
Chuyển hồ sơ cho công an điều tra
Theo ông Phát, hiện Chi cục Thú y TP.HCM đã gửi công văn kèm giấy chứng nhận kiểm dịch về các tỉnh như: Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang để xác minh, xử lý triệt để những hộ cá nhân, trang trại có heo nhiễm chất cấm. Bên cạnh đó, Thú y TP.HCM đã làm việc và sẽ chuyển giao hồ sơ cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an để tiếp tục làm việc với những chủ lô heo nhiễm chất cấm để điều tra đường dây mua bán, cho chất cấm vào heo rồi đưa về TP.HCM. “Thú y TP.HCM kiến nghị thú y các tỉnh có heo nhiễm chất cấm phải tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn heo trước khi đưa vào TP.HCM tiêu thụ”, ông Phát nói.
|
Bình luận (0)