Kiểm tra chuyên ngành hàng xuất nhập khẩu đang tạo giấy phép con 'hành' doanh nghiệp

19/09/2017 17:33 GMT+7

Có đến 58% mã hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chi phí một bộ hồ sơ kiểm tra chuyên ngành hơn 1 triệu đồng là quá lớn. Những điều này đã gây phiền hà , khó khăn cho doanh nghiệp.

Sáng nay (19.9), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng Tổ công tác của Thủ tướng đã về thành phố Hải Phòng kiểm tra hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tại Chi cục Hải quan khu vực 3, Cơ quan Thú y vùng 2 và cảng Đình Vũ (Hải Phòng).
Sau khi thị sát, kiểm tra, trò chuyện với cán bộ, người dân và doanh nghiệp, Tổ công tác đã chỉ ra nhiều bất cập của công tác kiểm tra chuyên ngành (là việc kiểm tra của các bộ, ngành đối với một mặt hàng có đủ tiêu chuẩn lưu thông, có an toàn khi sử dụng... và là một trong những điều kiện để được thông quan). Cụ thể, có đến 58% các mã hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Việc thống nhất ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chậm, chưa áp dụng quản lý rủi ro, chưa đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Chi phí cho một bộ hồ sơ kiểm tra chuyên ngành lên đến hơn 1 triệu đồng là quá lớn. Những điều này đã gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.
kiem-tra-chuyen-nganh
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, dùng cụm từ “tư duy tù mù” để đánh giá về hoạt động kiểm tra chuyên ngành Ảnh Lê Tân
Theo thống kê, mỗi năm, các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng để thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay, một mặt hàng cần khoảng 240 giờ để thông quan (quy định là 70 giờ với hàng xuất và 50 giờ với hàng nhập). Trong khi khâu kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 78%, còn hải quan chỉ chiếm 22% thủ tục thông quan của hàng xuất nhập khẩu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Đũng đánh giá: “Thời gian kiểm tra chuyên ngành quá lớn. Thủ tục thì chồng chéo, chủ yếu là làm thủ tục, còn xét nghiệm thì không có. Các bộ, ngành không có quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá mà dựa trên cảm quan, nhận định thủ công. Kiểm tra chuyên ngành cũng không phân loại doanh nghiệp tốt xấu khiến doanh nghiệp phải bị kiểm tra nhiều lần trên cùng 1 mặt hàng, không quan tâm đến luồng xanh, vàng đỏ mà hải quan đã phân sau khi kiểm tra. Chúng ta nhập nhiều mặt hàng của các nước phát triển, như chiếc Iphone mà cũng kiểm tra chuyên ngành trong khi chính chúng ta không đủ trình độ để kiểm tra. Đó là điều vô lý không thể chấp nhận được!".
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đã dùng cụm từ “tư duy tù mù" để đánh giá về hoạt động kiểm tra chuyên ngành khi tham gia đoàn công tác. Ông Cung cho rằng, trong khi ngành Hải quan đang có rất nhiều thay đổi để đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa thì việc kiểm tra chuyên ngành lại làm chậm lại tiến độ này.
“Không hiểu các Bộ trưởng có bao giờ xuống xem quân của mình dưới này là kiểm tra chuyên ngành thế nào không, chứ để như thế này là không ổn”, ông Cung thẳng thắn. Trong khi đó, ông Trần Bình Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, phản ánh việc kiểm tra chuyên ngành không có tỷ lệ lấy mẫu, không có phương pháp, không có quy chuẩn rõ ràng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc kiểm tra chuyên ngành như vậy đã tạo ra các loại giấy phép con, hình thành rào cản cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, sau buổi kiểm tra, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ: Tài chính, Công thương, Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và báo cáo Thủ tướng để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.