Trả lời PV Thanh Niên chiều 16.6, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho biết đã báo cáo Bộ trưởng về các vấn đề liên quan đến Thông tư 01/2014 của TAND tối cao quy định về nội quy phiên tòa. “Sau khi dư luận báo chí phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra và báo cáo lên Bộ trưởng. Hiện nay Bộ Tư pháp đang kiểm tra rà soát các nội dung tại thông tư này so với các văn bản pháp luật hiện hành”, ông Sơn cho biết.
Phóng viên tác nghiệp tại tòa - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Theo ông Sơn, qua kiểm tra ban đầu của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho thấy giữa quy định về hoạt động thông tin, báo chí theo điều 4 của Thông tư 01/2014 và Nghị định 51/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định thi hành luật Báo chí có điểm “vênh” nhau. “Tại khoản 1 điều 8 Nghị định 51/2002 quy định khi đến các cơ quan, tổ chức tác nghiệp, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Còn trong thông tư yêu cầu phải có thêm giấy giới thiệu, tức là đẻ thêm một loại giấy tờ”, ông Sơn phân tích.
Cùng về nội dung này, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng thông tư của TAND tối cao “đá” nghị định của Chính phủ và theo quy định phải thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật cao hơn, đồng thời Bộ Tư pháp phải “thổi còi” theo chức năng, thẩm quyền kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của mình.
Cùng quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Như Tiến cho rằng nhà báo được cấp thẻ tức là đã cấp giấy phép hành nghề. “Luật Báo chí đã quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí. Với việc buộc nhà báo phải có thêm một loại giấy giới thiệu, là một loại giấy phép nữa, thì được hiểu là tạo điều kiện hay là làm khó khăn hơn?”, ông Tiến nêu vấn đề và nói: “Tôi hiểu việc TAND tối cao ban hành Thông tư 01 là để tổ chức hoạt động tòa án được quy củ, tốt hơn, nhưng phải đúng theo tinh thần pháp luật. Trong trường hợp nhà báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thương mại hóa thì sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định, cơ quan pháp luật khác chứ tòa không nên ôm cả để rồi "đá" với quy định này quy định khác”.
Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng quy định đến tòa buộc phải vừa có thẻ nhà báo lẫn giấy giới thiệu sẽ tước mất quyền tác nghiệp của những phóng viên trẻ chưa có thẻ nhà báo. “Nếu các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp không có ý kiến gì thì tôi cũng sẽ trao đổi với đồng chí chánh án về vấn đề này cho rõ”, ông Tiến cho hay.
Ý kiến bạn đọc Xét xử nghiêm minh thì có gì phải ngại báo chí ? Báo chí có nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, nếu thấy vấn đề không cần thiết thì báo sẽ không đưa tin. Quý tòa cứ xét xử cho nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật thì có gì phải sợ? Vũ Minh (minhgiangcand@gmail.com) Không minh bạch Đó là cách hành xử quen thuộc của một tư duy “ xin - cho” cố hữu. Đó cũng là hình thức không muốn minh bạch của bộ phận cán bộ các ngành tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ... Trần Phong (Phongtran@gmail.com)
Thiết nghĩ, tòa án càng xét xử công khai, không hạn chế mọi công dân tham dự thì càng chứng tỏ tòa án rất nghiêm minh. Trần Văn Lắm (Phụng Hiệp, Hậu Giang)
Phải chăng đây là lối hành xử theo kiểu phép vua thua lệ làng đã tồn tại xưa nay ở VN? Phan Thanh Nguyên (Cai Lậy, Tiền Giang)
Tấn Tú (thực hiện) |
Thái Sơn
>> Tạm dừng cấp phép thành lập các cơ quan báo chí
>> Thống nhất quy định xử phạt báo chí
>> Phải bảo vệ phóng viên tác nghiệp chính đáng
>> Xây dựng quy trình xử lý hành vi cản trở báo chí tác nghiệp
>> Cần xác định hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp là chống người thi hành công vụ
Bình luận (0)