Sáng 28.3, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TN-MT kiểm tra, xử lý tình trạng ồ ạt khai thác tận thu ở mỏ đá Tân Đông Hiệp.
Theo tài liệu của PV, mỏ đá Tân Đông Hiệp nằm trên địa bàn P.Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An, Bình Dương) do Công ty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương quản lý, hiện đang được 4 công ty khai thác. Cuối năm 2014, ông Lê Thanh Cung (thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) khẳng định sẽ đóng cửa mỏ đá này vào cuối năm 2015.
|
|
Tuy nhiên, từ đó đến nay, mỏ đá Tân Đông Hiệp không những được gia hạn khai thác đến hết năm 2017 mà Công ty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương đang tiếp tục đề nghị gia hạn cho khai thác đến hết năm 2019 với độ sâu của mỏ đến âm 150 m.
Ngày 20.3, ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên tại mỏ đá Tân Đông Hiệp, tình hình khai thác đá gây bụi và ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra tấp nập. Cụ thể, phía mỏ đá nằm trên khu vực KP.Đông An (P.Tân Đông Hiệp) do Công ty CP Trung Thành khai thác đang tiếp tục mở rộng một tuyến đường mới từ trên xuống dưới để tăng cường khai thác.
Ông Nguyễn Văn Út, Trưởng KP.Đông An, cho hay việc Công ty CP khoáng sản và xây dựng Bình Dương xin gia hạn khai thác đến năm 2019 khiến người dân lo ngại nhất là việc nổ mìn, gây rung lắc ảnh hưởng đến nhà dân. Ông Út cho biết thêm, hiện các công ty khai thác mỏ đang hỗ trợ cho 360 hộ dân ở KP.Đông An và Tân An (P.Tân Đông Hiệp) mỗi tháng từ 200.000 - 500.000 đồng/hộ. “Vừa rồi, bên công ty cùng với khu phố tổ chức họp dân lấy ý kiến để xin gia hạn khai thác đến hết năm 2019 và nâng mức hỗ trợ ô nhiễm cho người dân nhưng nhiều người chưa đồng ý”, ông Út nói.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Mai Hùng Dũng khẳng định: “Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương chưa có chủ trương gia hạn cho khai thác tận thu mỏ đá đến hết năm 2019 mà ở dưới đã họp dân, hay như các anh nói là ép dân đồng ý thì tôi khẳng định việc đó là sai”. Theo ông Dũng, cuối năm 2014 UBND tỉnh Bình Dương đồng ý gia hạn cho khai thác tiếp đến hết năm 2017 với độ sâu tối đa là âm 120 m vì thời điểm đó, các công ty đã cam kết cải tạo môi trường như quy hoạch xây dựng khu vực khai thác thành hồ sinh thái và thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay ông Dũng khẳng định: “Với một khu vực đô thị và khu dân cư đang phát triển mạnh như TX.Dĩ An thì việc khai thác đá sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống đô thị. Do đó, UBND tỉnh sẽ xem xét tính toán, đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc khai thác đá”.
Liên quan đến Công ty CP Trung Thành đang mở đường mới xuống mỏ để vận chuyển đá từ dưới lên, ông Dũng cho biết theo quy định mỏ đá Tân Đông Hiệp có diện tích bề rộng là 46 ha và không được mở rộng thêm. “Việc mở đường mới để xuống mỏ sẽ làm phát sinh diện tích cho phép. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, sai sẽ xử lý ngay”, ông Dũng khẳng định.
Ngưng toàn bộ dự án nạo vét cát tại Đồng Nai
Ông Từ Nam Thành, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, cho biết như trên tại cuộc họp báo cáo tình hình khai thác cát trên địa bàn vào sáng 28.3. Theo ông Thành, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 14 dự án nạo vét, thông luồng cho tận thu khoáng sản. Trong đó, tỉnh Đồng Nai cấp phép 6 dự án, Bộ GTVT cấp phép 8 dự án. Tuy nhiên, đến nay tất cả 14 dự án đều đã tạm dừng. “Bây giờ nếu có phương tiện nào bơm hút cát trên các tuyến đường thủy nội địa này đều là trái phép”, ông Thành nhấn mạnh.
Đối với việc khai thác cát xây dựng, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho hay hiện đang có 6 dự án được cấp phép khai thác, tập trung ở thượng nguồn sông Đồng Nai. Mới đây, qua kiểm tra Sở TN-MT phát hiện 2 doanh nghiệp khai thác cát không tuân thủ đúng quy định gồm: Công ty CP Đồng Tân (khai thác cát vượt số lượng ghe quy định, 10 ghe/4 ghe và khai thác ra ngoài khu vực được phép gây sạt lở gần trạm bơm ấp 8, xã Thanh Sơn, H.Định Quán); Công ty CP công trình giao thông Đồng Nai khai thác cát trên sông Đồng Nai (đoạn thuộc xã Đắc Lua, H.Tân Phú) gây sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xã Đắc Lua. Sở TN-MT đã yêu cầu các doanh nghiệp này ngưng ngay hoạt động khai thác cát tại khu vực sạt lở, khắc phục sự cố sạt lở và hỗ trợ 142 triệu đồng cho mỗi hộ dân bị ảnh hưởng.
Lê Lâm
|
Bình luận (0)