Kiếm từng cắc bạc mà vui

23/10/2011 17:55 GMT+7

Làm mọi việc để kiếm tiền từ ngày ở đại học, nhưng nếu bất ngờ “trúng” vài triệu đô từ bất động sản thì chả có gì hạnh phúc đối với Trần Hoàng Thanh.

Năm 2003, Thanh sang Singapore học công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Gia đình rất khá, nhưng cậu sinh viên quê Nha Trang chỉ sống chừng mực với khoản học bổng khiêm tốn.  Tiết kiệm chi tiêu, Thanh cũng đồng thời tập kiếm tiền khi đã quen trường quen lớp.

Mua máy tính giùm những du học sinh VN có nhu cầu là cách kiếm tiền đầu tiên của anh. “Mình học công nghệ thông tin nên biết máy nào tốt, chỗ nào bán rẻ. Mình giao máy đúng bằng giá ở cửa hàng, chỉ kiếm lời nhờ họ bớt cho mình vì mua số nhiều”, Thanh nói. Tiếp theo là nhận viết website, xây dựng tổng đài nhắn tin... “Khách hàng đầu tiên của mình là một người Singapore. Lúc đầu ông ấy tỏ ra xem thường vì mình còn khá trẻ, lại là người Việt, bởi người ta thường nghĩ làm IT thì phải là người Ấn. Mình thuyết phục bằng cách cam kết chỉ nhận tiền nếu ông ấy hài lòng với sản phẩm”, Thanh kể. Anh cũng tìm kiếm và mua giấy phép các chương trình của nước ngoài, chuyển về cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung cho điện thoại di động trong nước... Nói chung, cậu sinh viên này nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền!

Kiếm tiền cũng là đi học

Ra trường với tấm bằng hạng danh dự năm 2007, Thanh lập tức đi làm cho Satyam, một trong 4 công ty phần mềm lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, nhận thấy công việc nghiên cứu phát triển công nghệ không hợp với mình, Thanh tranh thủ tự học về tài chính, và rời Satyam sau một năm. Khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu, các tập đoàn tài chính ở Singapore sa thải nhân viên và cần người biết về IT. Nhờ có thêm kiến thức tài chính tự học, Thanh giành được một vị trí rất tốt trong tập đoàn PhillipCapital của Singapore. Một tập đoàn tài chính của Pháp có chi nhánh tại Singapore sau đó tìm thấy “lý lịch” của Thanh trên mạng và kéo anh về công ty của họ. Công việc ở chỗ mới cũng gần giống nhưng cao cấp và phức tạp hơn ở Phillip.

Bận rộn như điên, đặc biệt là những ngày thị trường thế giới lên xuống liên tục, chàng thanh niên 28 tuổi này vẫn ung dung kiếm tiền thêm ở bên ngoài. Nào là nắm cổ phần và phụ trách việc phân tích thị hiếu, sản phẩm cho một chuỗi siêu thị mini ở các chung cư cao cấp tại TP.HCM. Nào là tham gia Công ty Epsilon Mobile do sinh viên Võ Hoàng Hải (Báo Thanh Niên có bài ngày 24.2.2011) sáng lập. Từ chỗ chuyên viết các ứng dụng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng, Epsilon với sự tham gia của Thanh chuyển sang làm việc trực tiếp với các nhà xuất bản, nhà giáo dục có nhu cầu bán sản phẩm đọc trên iPhone, iPad.

Thanh còn đang chuẩn bị đưa sách giáo khoa phổ thông của Singapore về VN, cung cấp cho những học sinh có nhu cầu thi vào các trường công lập Singapore,  để các em có thể tự học rồi đăng ký dự thi trực tiếp với Bộ Giáo dục nước này mà không cần phải đi du học luyện thi. Mới đây, Thanh cũng tình nguyện phụ trách nhóm doanh nghiệp (Enterprise Family) của tập hợp trí thức VN tại Singapore (VN2020)… Anh tiết lộ, trong lúc đi tìm giải pháp cho công việc này thì thường tình cờ phát hiện lối ra cho công việc nọ.

“Mình thích biết đủ thứ. Bắt tay vào một công việc có nghĩa là phải tìm hiểu tất cả những thứ liên quan. Mình cần “phát triển” chứ không cần “tăng trưởng”, tiền không phải là mục đích chính. Cái mình hướng đến là sự giàu có đi kèm với kiến thức và năng lực thật sự. Giả sử bây giờ mình đầu tư bất động sản và bất ngờ trúng được 1 triệu đô, hỏi mình có hạnh phúc như cách mình đang kiếm từng đồng không, chắc chắn là không”, Thanh nói.

Suýt nữa thì hỏng!

Hồi học cấp 2 ở trường Nguyễn Văn Trỗi, TP Nha Trang, dù học lớp chọn nhưng Thanh rất ham chơi, đến mức toán chỉ được 4,2. Đến năm lớp 9, Thanh giật mình sợ rớt tốt nghiệp nên tập trung học. Kết quả là đậu vào trường chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh, rồi đậu vào cả 3 trường đại học ở TP.HCM với số điểm rất cao. Sau 2 năm học điện tử ở ĐH Bách khoa, Thanh nhận học bổng và sang Singapore.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.