Đau rát, khó chịu, bất tiện vì kiến ba khoang
Theo ghi nhận tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều sinh viên cho biết kiến ba khoang xuất hiện quanh năm, nhiều nhất là vào mùa mưa. Loại côn trùng này tiết dịch gây ra những vết lở loét, mụn nước… trên da.
Trần Thiện Khiêm, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, hiện đang bị lở loét ở tay và chân do kiến ba khoang. Khiêm cho hay thường xuyên thấy kiến xuất hiện trong phòng, có khi đếm được gần 20 con. Thời điểm này năm ngoái, Khiêm cũng bị tình trạng tương tự.
"Ban đầu mình hầu như không có cảm giác gì, nhưng một thời gian ngắn sau bắt đầu thấy rát và ngứa, da nổi mẩn đỏ, mụn nước…", Khiêm kể.
Cùng cảnh ngộ với Khiêm, Phan Hoàng Phúc, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang phải điều trị vết thương tương đối nặng trên cổ do dính dịch tiết của kiến ba khoang. "Vết thương đau rát và khó chịu khi đụng vào. Trước khi vết thương lành thì cảm giác ngứa ngáy cũng rất khó chịu, sau đó để lại vết sẹo hoặc thâm gây mất thẩm mỹ", Phúc nói.
Tương tự, Nguyễn Gia Bảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay kiến ba khoang xuất hiện nhiều dạo gần đây vì trời mưa, ẩm ướt. "2 tháng nay là thời điểm kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất trong năm. Mình bị kiến tiết dịch trên cổ, lưng, tay, cũng may là không bị trên mặt", Bảo chia sẻ.
Những vết thương do kiến ba khoang gây ra
Tuyết Cẩm
Dường Anh Cường, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đang điều trị vết thương do kiến ba khoang gây ra. "Vết thương ban đầu khá nhỏ nên mình không quan tâm lắm, nhưng sau 1 ngày thì vùng tổn thương lan ra khá rộng. Mình bị ở vùng da non bắp chân nên khá đau, rát mỗi khi duỗi thẳng và co chân lại, gây khó khăn trong việc đi lại, ngồi và cả khi nằm ngủ", Cường kể.
Ban quản lý ký túc xá giải quyết thế nào ?
Trao đổi với người viết, bà Nguyễn Thị Trọng, Trưởng trạm y tế, Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Hiện đang vào mùa mưa, được cho là mùa sinh sản, phát triển mạnh nhất của kiến ba khoang. Nhất là thời điểm đầu mùa, khi có độ ẩm cao, kiến sinh sản nhiều ở khu vực có nhiều cây cối, ban đêm các tòa nhà mở đèn sáng nên thu hút côn trùng".
"Một số phòng ở được sinh viên thông báo xuất hiện nhiều kiến ba khoang, chúng tôi đã cử nhân viên y tế lên khảo sát, phun thuốc cục bộ và hướng dẫn sinh viên cách phòng ngừa tại phòng", bà Trọng nói thêm.
Cũng theo bà Trọng, để đời sống sinh viên được đảm bảo, ban quản lý ký túc xá đã và đang có các phương án xử lý như: định kỳ 3 tháng sẽ phun thuốc diệt kiến tại khuôn viên, chân các tòa nhà một lần; đẩy mạnh truyền thông để sinh viên biết cách phòng ngừa; thường xuyên tổ chức kiểm tra vệ sinh toàn bộ khuôn viên ký túc xá, cắt cỏ, phát quang bụi rậm, tỉa cây định kỳ. Trung tâm cũng đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng TP.Thủ Đức tổ chức phun thuốc toàn bộ khuôn viên, phòng ở sinh viên (từ tầng 4 trở xuống) trong 3 buổi chiều, từ ngày 20 - 22.9.
Bà Trọng cho hay có nhiều cách phòng chống kiến ba khoang mà sinh viên nên thực hiện, như: hạn chế mở cửa
ban công từ 18 - 21 giờ; mắc mùng, kiểm tra kỹ giường trước khi ngủ; vệ sinh phòng ở thoáng mát, sạch sẽ; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng; xử lý kiến ba khoang đúng cách, không dùng tay đập, chà xát… để tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của kiến; đến Trạm y tế của ký túc xá để được thăm khám và điều trị khi tiếp xúc với kiến ba khoang.
Cách xử lý vết thương do kiến ba khoang gây ra
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Cẩm Phụng, công tác tại phòng khám Hasaki Beauty & Clinic (Bình Dương), cho biết: "Trong cơ thể kiến ba khoang có một loại độc tố mạnh là Pederin. Khi da người tiếp xúc với dịch này dính trên đồ vật, cây cỏ hoặc đập kiến làm dịch dính lên da sẽ gây tổn thương vùng da đó".
Cũng theo bác sĩ Phụng, dịch kiến ba khoang có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo lượng dịch xâm nhập qua da. Sau khoảng 6 - 8 tiếng đồng hồ tiếp xúc với dịch kiến ba khoang, người bệnh mới có cảm giác hơi ngứa rát, đỏ da dạng vệt, đường hoặc một vùng lan rộng. Khoảng từ 12 - 24 giờ tiếp theo, vùng da đỏ sẽ xuất hiện những mụn nước hoặc mủ li ti. Những ngày sau đó, các mụn nước, mủ có thể hợp với nhau thành bóng mủ to dần kèm triệu chứng rát, đau hoặc ngứa. Sau 3 ngày thì vùng tổn thương bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5 - 7 ngày vết thương sẽ lành, thường để lại vết thâm lâu khỏi.
Theo bác sĩ Phụng, nếu thấy kiến ba khoang đang bám trên da thì nên nhẹ nhàng thổi đi hoặc dùng một tờ giấy đưa kiến từ da qua tờ giấy rồi đem vứt, tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp. Nếu tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang, cần rửa ngay vùng tiếp xúc bằng cồn 70 độ, Betadine. Trường hợp không có sẵn cồn và Betadine thì rửa bằng xà phòng nhiều lần thật sạch để trung hòa chất độc; sau đó đến cơ sở y tế để được xử trí tiếp. Với vết thương do kiến ba khoang gây ra, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước. Nếu phát hiện kiến ba khoang trong quần áo, khăn, vật dụng… thì cần tránh tiếp xúc trực tiếp với đồ vật đó và mang đi giặt, rửa sạch.
Bác sĩ Phụng lưu ý thêm: "Nhiều bạn thường nhầm lẫn viêm da do tiếp xúc dịch tiết kiến ba khoang với bệnh zona nên thoa và uống thuốc không đúng cách, dẫn đến nhiễm trùng da, gây ra những vết loét sâu, lan rộng. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc không xác định rõ, các bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách".
Bình luận (0)