Kiện chính phủ Mỹ, Huawei đi lại 'vết xe đổ' của hãng công nghệ Nga

Thu Thảo
Thu Thảo
10/03/2019 08:04 GMT+7

Huawei Technologies, hãng đối mặt nhiều cáo buộc hình sự, hiện mở rộng lập luận không thành công mà một hãng Nga từng dùng để củng cố nhận định rằng Mỹ đi quá xa trong nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Bloomberg, trong đơn kiện nộp ở Texas trong tuần này, Huawei cho rằng việc Mỹ cấm hàng của công ty khỏi các đợt mua thiết bị chính phủ là vi hiến và có thể giết chết doanh nghiệp. Hạn chế này được áp đặt vào năm 2018. Giới chức Mỹ xác định rằng có nguy cơ sản phẩm Huawei có thể được Trung Quốc dùng để giám sát bất hợp pháp.
Dù tòa án Mỹ năm ngoái từng bác bỏ phản ứng tương tự từ hãng phần mềm Nga Kaspersky Lab, Huawei tự tin cho rằng vụ của họ khác với Kaspersky, vì lệnh cấm được mở rộng để bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào làm ăn với chính phủ cũng đều không được mua hàng Huawei. Chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện là nỗ lực dài hơi, song lập luận của Huawei là một phần trong chiến dịch tích cực nhằm chống lại cáo buộc gian lận ngân hàng, đánh cắp công nghệ và do thám mà Mỹ đưa ra.
“Câu hỏi thú vị sẽ là liệu các mối lo ngại về an ninh có cho phép chính phủ thực hiện hợp đồng và tài trợ cho ảnh hưởng bên ngoài hệ thống mà không cần quyết định tư pháp hay không”, giáo sư Michael Risch tại Đại học Luật Villanova ở bang Pennsylvania cho hay. Lý lẽ của Huawei không phải là không có thách thức.
Trong vụ Kaspersky, công ty bán phần mềm cho chính phủ Mỹ đến năm 2017, khi giới chức nước này lo rằng các sản phẩm có thể được Moscow dùng để do thám hệ thống thông tin liên bang. Bộ An ninh Nội địa Mỹ chỉ đạo nhiều cơ quan liên bang loại bỏ hàng Kaspersky khỏi hệ thống của chính phủ, còn Quốc hội Mỹ thì cho rằng lệnh cấm đối với Kaspersky là theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký.
Một nhân viên của Kaspersky đang làm việc Ảnh: Reuters
Kaspersky nộp hai đơn kiện. Một tìm kiếm tuyên bố rằng Bộ An ninh Nội địa Mỹ làm tổn hại danh tiếng, doanh số doanh nghiệp mà không xem xét công bằng, và một cho rằng NDAA vi phạm điều khoản trong Hiến pháp, vốn cấm Quốc hội Mỹ ban hành luật gây ra hình phạt với bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào mà không cần xét xử.
Một thẩm phán liên bang ở Washington bác bỏ lập luận từ Kaspersky, cho rằng các lệnh cấm nằm trong phạm vi thẩm quyền của chính phủ. Tòa án phúc thẩm liên bang sau đó cũng đồng ý, kết luận Quốc hội có quyền chặn việc mua hàng của một hãng phần mềm cụ thể nếu họ lo ngại về an ninh chính đáng. Mỹ xem lệnh cấm hàng Kaspersky là biện pháp phòng ngừa, không phải trừng phạt.
Vụ kiện mà Huawei khởi động ở Texas có điểm mới. Hãng Trung Quốc cho rằng Mỹ mở rộng lệnh cấm, không chỉ áp dụng với việc mua sắm của chính phủ mà còn với việc mua sắm của các nhà thầu chính phủ và những người nhận tiền từ liên bang. Huawei cho rằng lệnh cấm như “án tử” dành cho hoạt động kinh doanh của họ mà không có quy trình xét xử theo luật định.
Bà Mạnh Vãn Chu trong ảnh chụp năm 2014 Ảnh: Reuters
Robert D. Williams, học giả tại Trung tâm Paul Tsai Trung Quốc thuộc Trường Luật Đại học Yale nhận định: “Đây là ngọn đồi rất dốc để Huawei leo. Câu hỏi đặt ra là liệu luật định có tính trừng phạt hay phòng ngừa. Quốc hội Mỹ đang cố gắng trừng phạt doanh nghiệp hay ngăn chặn rủi ro? Chính phủ không phải chứng minh rằng đây là giải pháp được thiết kế hẹp nhất mà họ có thể chọn. Nhìn chung, tòa án bảo vệ Quốc hội và Tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia”.
Trước đó, Mỹ nhiều năm quan ngại hàng Huawei. Báo cáo năm 2012 của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ kêu gọi giới doanh nghiệp nước này tránh dùng hàng của hãng Trung Quốc, và kêu gọi chặn tất cả thương vụ sáp nhập, thâu tóm liên quan đến Huawei. Tháng 1, sau khi công bố cáo buộc chống Huawei và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của hãng, Giám đốc FBI Christopher Wray trình bày nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong việc quá phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là mở cửa cơ sở hạ tầng viễn thông cho doanh nghiệp ngoại.
Tỉ phú sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Huawei giúp Bắc Kinh gián điệp Tây phương. Song không như Mỹ, nơi doanh nghiệp có thể từ chối yêu cầu hỗ trợ gián điệp của chính phủ và có thể công khai tranh luận với chính phủ tại tòa, không ai biết liệu giới doanh nghiệp Trung Quốc có hợp tác với Bắc Kinh hay không, theo Timothy Heath, nhà phân tích nghiên cứu quốc phòng tại hãng Rand Corp.
Huawei không thể hứa rằng họ không bao giờ được Bắc Kinh tận dụng vì luật và chính quyền nước này ra lệnh rằng tất cả doanh nghiệp nội phải hỗ trợ cho hoạt động tình báo. “Ngay cả khi họ phản đối, giới doanh nghiệp không thể nhờ cậy pháp lý và không có cách nào để từ chối yêu cầu từ chính phủ. Lời hứa của họ có thể chân thành, song rất có thể thay đổi trong tương lai vì chính phủ. Rủi ro ở đây quá lớn”, ông Heath cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.