Chấp nhận để chồng nuôi con trai nhỏ sau ly hôn nhưng chị bị gia đình chồng cấm đoán, thăm gặp và chăm sóc “khúc ruột” của mình, nên đã làm đơn kiện để giành lại quyền làm mẹ.
Sau ly hôn chị Th. lại phải 2 lần ra tòa để dành quyền nuôi con - Ảnh: Nam Anh |
22 tuổi chị Nguyễn Thị Th. (ngụ ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) tốt nghiêp đại học rồi kết hôn với anh Tr. là kỹ sư hơn 5 tuổi. Một năm sau chị sinh cho chồng bé trai kháu khỉnh, nhưng dần dần tình cảm bị rạn nứt do mâu thuẫn với gia đình anh Tr. Sau thời gian “căng thẳng” vì làm dâu, chị đưa đơn lên TAND Q.Đống Đa để xin ly hôn. Phiên tòa cuối tháng 6.2012, sau những lần hòa giải bất thành, Hội đồng xét xử đã chấp thuận cho hai vợ chồng chị ly hôn. Cùng với phán quyết này, tòa cũng chỉ định anh Tr. là người chăm sóc con trai gần 3 tuổi, còn chị có trách nhiệm hàng tháng góp với chồng cũ 1 triệu đồng để nuôi con chung.
Chị và chồng cũ thoả thuận, hàng tháng, chị được thăm nuôi, chăm sóc, đưa đón con trai đi học. Ban đầu, chị được làm đầy đủ các quyền của một người mẹ nhưng chỉ vài tháng sau ly hôn, những việc này bị gia đình chồng cũ ngăn cản bằng nhiều cách. Ngoài ra, gia đình chồng cũ còn xúi bẩy bé trai nghĩ sai về người mẹ. Năm 2013, chị đã đến TAND Q.Đống Đa đề nghị giải quyết. Tòa đã hòa giải và đề nghị gia đình anh Trọng tạo điều kiện để một người làm mẹ như chị làm tròn trách nhiệm. Tuy nhiên, chị vẫn tiếp tục bị ngăn cản từ phía gia đình anh Tr. Ngay cả đến khi đón con trai ở trường, chị cũng bị Ban phụ huynh ngăn cản không cho tiếp xúc. Lúc đó, bức xúc dồn nén, chị đã to tiếng, làm ầm chuyện khiến công an phải đến giải quyết. “Là một người mẹ, tôi chỉ mong cháu sống trong hạnh phúc nhưng gia đình cũ can thiệp quá nhiều đến quyền lợi của tôi”, chị nói.
Từ đó, chị Th. lên kế hoạch để giành lại quyền nuôi con trai. Chị đã nhờ người ghi lại hình ảnh việc đến nhà chồng cũ thăm con bị ngăn cản. Những hình ảnh, đoạn video được chị ghi lại. Sau đó, chị làm đơn đề nghị TAND Q.Đống Đa xem xét vụ án “Tranh chấp yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”. Xem xét các chứng cứ, lời khai hai bên, tòa đã chấp thuận thay đổi quyền nuôi con, giao bé trai lúc này gần 9 tuổi cho người mẹ.
Đứa con sẽ bị ảnh hưởng nặng nề
Trước phán quyết của cấp sơ thẩm, anh Tr. và gia đình đã không chịu “nhún nhường” mà làm đơn kháng cáo. Ngày 25.11.2015, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo này của anh Tr. Lần ra tòa này, ngoài luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, bố đẻ của anh Tr. cũng tham gia với tư cách “cãi” cho con trai. Đứng trước những người đàn ông bên gia đình cũ, chị Th. giữ thái độ bình tĩnh, trình bày các “luận cứ” bảo vệ cho việc tòa sơ thẩm quyết định chị nuôi con là hoàn toàn chính xác.
Trước hội đồng xét xử, chị trình bày, hiện chị là giảng viên, có nghiệp vụ sư phạm, có thu nhập ổn định nên hoàn toàn đủ điều kiện chăm sóc con trai. Mặt khác, hiện anh Tr. cũng đã lập gia đình và mới có con nhỏ nên ít thời gian quan tâm đến con riêng, còn chị vẫn độc thân… Chị khẳng định: “Con tôi không chỉ cần được ăn học mà còn phải nhận được sự giáo dục. Anh ấy là gương xấu cho con trai sau này”.
Trước lời lẽ của chị, người chồng cũ cùng bố bác bỏ lại những điều chị trình bày. Anh Tr. cho rằng, trong gần 9 năm qua đã nuôi con chu toàn, năm nào cháu cũng được nhận giấy khen về thành tích học tập, sức khoẻ và cân nặng phát triển bình thường. Bố chồng cũ tố chị tạo dựng kịch bản về việc ngăn cản thăm nom. Chứng kiến việc hai bên đương sự căng thẳng, tố nhau, tòa giảng giải rằng, người lớn đang làm khổ con trẻ. “Việc giằng xé giữa bố và mẹ sẽ hằn vào trí nhớ trẻ thơ không bao giờ quên được. Sau này lớn lên ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ vô cùng lớn. Mâu thuẫn giữa hai người sau ly hôn còn khủng khiếp hơn là trước ly hôn. Nếu không thỏa thuận được, chính đứa con là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xấu hổ với bạn bè thậm chí là hận cha mẹ”, HĐXX phân tích.
Xem xét phần trình bày giữa hai bên, cùng các chứng cứ, tòa phúc thẩm đã giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm, tuyên cho chị Th. quyền chăm nuôi con trai.
Bình luận (0)