Từ nhiều năm nay, các nhà sinh vật học đã quan sát những đàn kiến trôi trong dòng lũ và các con sông tại Nam Mỹ mà không bị chìm. Giờ đây, lần đầu tiên một nhóm chuyên gia Mỹ đã tìm cách trả lời câu hỏi tại sao chúng lại có thể nổi được như vậy.
Theo trang tin Thaindian, Viện Công nghệ Georgia ở thành phố Atlanta vừa công bố nghiên cứu về khả năng làm bè của kiến lửa. Theo đó, loại kiến màu đỏ này đủ thông minh để tự cứu bản thân trong lũ lụt bằng cách kết hợp thành nhóm và tạo nên một chiếc bè không thấm nước. Chiếc bè này có thể trôi nổi trên mặt nước trong một thời gian dài, thậm chí trong nhiều tháng. Toàn bộ đàn kiến ở cùng nhau theo đội hình này cho đến khi nước lũ rút xuống.
Trong các thử nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện kiến lửa có thể nhanh chóng tập hợp vào trong bè, thường chỉ mất chưa tới 2 phút, nhờ sử dụng các vuốt và đệm dính ở chân chúng. Chúng bám vào nhau bằng một lực lớn hơn 400 lần so với trọng lượng cơ thể chúng. “Các con kiến có thể gắn kết với nhau chặt chẽ đến nỗi nước không thể xuyên qua bất kỳ phần nào của chúng”, Nathan Mlot, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Bè có kích cỡ lớn nhất mà kiến lửa tạo ra trong phòng thí nghiệm có đường kính đến 20 cm. Thậm chí, nó có thể bật trở lại bề mặt nước khi bị nhấn chìm vài cm bởi một lực tác động bên ngoài. Bè của đàn kiến tạo ra bọt bong bóng xung quanh nên chúng không bị nước nhấn chìm.
Từ phát hiện này, các nhà khoa học cho rằng chúng ta đã quá hiểu về sức mạnh của tinh thần đồng đội và có thể học thêm điều này từ những loài vật kém thông minh nhất như kiến lửa. Nghiên cứu cũng có thể giúp ích trong nhiều lĩnh vực, từ những chiếc áo cứu hộ có chất lượng tốt hơn đến các loại robot biết suy nghĩ.
Khang Huy
Bình luận (0)