Kiên cường giữ vững sản xuất

Mai Phương
Mai Phương
14/10/2021 12:10 GMT+7

.

Đại dịch khốc liệt đẩy các doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn, rủi ro chưa từng có. Đã có lúc, họ muốn buông tay, đã có những thời điểm, họ tưởng chừng không thể vượt qua... Thế nhưng, trách nhiệm với đất nước, với xã hội, với người lao động đã giữ họ lại.

Chạy lo từ thuốc đau bụng, sữa tắm...

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty XNK Nam Thái Sơn, không nhớ hết những việc đã làm, những cảm xúc ông đã trải qua để lo cho 300 người ở lại nhà máy tại KCN Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và 200 người ở nhà máy tại Hậu Giang của công ty ăn ở trong nhà kho, nhà xưởng.

Việc ập tới là giải quyết, từ lớn đến nhỏ, không thể kể xiết những việc “lần đầu tiên” đích thân ông phải trực tiếp làm, trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp chứng kiến. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chỉ tập trung lo điều hành, quản lý, đối tác, cung-cầu, kế hoạch, tài chính…, ông đối mặt với việc phải lo cả nhà vệ sinh để thực hiện quy định 3T trong sản xuất. Kéo dài mấy tháng trời thì đến lúc hết sữa tắm, hết xà phòng giặt đồ mà đặt hàng thì chưa giao kịp, cũng đến ban giám đốc. Nguy hiểm hơn, có công nhân bị đau bao tử hay ở tập trung trong điều kiện không tốt cũng bị bệnh ngoài da, nhưng không đi mua thuốc được, tổ y tế phải lo lắng ngược xuôi.

Mỗi một cái hắt hơi, sổ mũi của công nhân khiến họ cũng phải lo lắng. Bộ phận y tế phải theo dõi sát sao; bộ phận nhà bếp phải tăng cường món ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, tăng đề kháng... mà có người ví von là “chăm như con mọn”. Tất cả những chuyện bếp núc này, ông đều nắm sát sao. Chưa kể công ty ở trong khu công nghiệp nên thỉnh thoảng những đơn vị xung quanh xét nghiệm lại thấy có người là F0, F1. Công nhân cứ nghe tiếng còi hú, thấy xe cứu thương chạy ầm ầm ngang qua nhà máy để đưa người đi cách ly, đi bệnh viện; rồi công ty gần đó bị giăng dây, phong tỏa khiến ai cũng hoang mang, lo lắng vì không biết đến khi nào mình bị nhiễm bệnh hay đến lượt công ty mình cũng rơi vào tình trạng đó. Tinh thần sa sút khiến năng suất của công nhân tuột dốc, làm việc không hiệu quả.

“Bộ phận bếp quá tải vì trước đó chưa bao giờ nấu ăn 3 bữa và phải lo thực phẩm khi việc mua hàng, giao hàng đều khó khăn. Khi đó, kế toán trưởng cũng phải lao xuống nấu ăn; nhân viên xuất khẩu phải lau dọn nhà vệ sinh. Tất cả mọi người không còn phân biệt các bộ phận riêng biệt nữa mà phải cùng nhau chia sẻ, đoàn kết để vượt qua những ngày tháng gian khổ”, ông Việt Anh kể và cho biết những lúc như thế, ban lãnh đạo công ty phải thường xuyên trao đổi với cán bộ quản lý trực tiếp để thăm hỏi, động viên kịp thời cũng như phân tích với lý lẽ thuyết phục để công nhân yên tâm tiếp tục làm việc. Trong bối cảnh đó, đã không ít những khoảnh khắc, chính bản thân ông Anh cũng cảm thấy mệt mỏi.

Các doanh nghiệp dù khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần vẫn cố gắng duy trì sản xuất

công ty cung cấp

“Nhưng kiểu gì cũng phải cố gắng duy trì sản xuất để có thu nhập cho người lao động. Nếu ngừng lại thì công ty bị mất đơn hàng, công nhân không có thu nhập trong khi với nhiều người phải lo toang cuộc sống, nếu chỉ nhận lương thất nghiệp thì không đủ sống”, ông nói và mong khi thành phố mở cửa lại cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện mới thì để doanh nghiệp tự lựa chọn phương thức duy trì sản xuất phù hợp với điều kiện, đặc điểm của họ.

Niềm vui của cả công ty

Khi mình bán hàng, giao hàng cho khách và nhận được những lời cảm ơn nên đó cũng là niềm vui của cả công ty. Nhân viên vừa có thu nhập để đảm bảo đời sống của gia đình, vừa thấy cũng góp phần chung tay cung cấp được thực phẩm cho nhiều gia đình đang gặp khó vì không mua được thực phẩm... nên có thêm động lực để vượt qua các khó khăn phát sinh.

Ông Phan Minh Thông

Theo ông, tất cả công nhân đã được tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cũng sắp phủ hết nên nếu có bị nhiễm Covid-19 cũng khó diễn biến nặng. Doanh nghiệp sẽ biết cách tự bảo vệ sức khỏe của công nhân để bảo đảm duy trì sản xuất. Trước kia, mỗi khi có công nhân nhiễm Covid-19 thì phải đưa đến bệnh viện, rồi lúc khỏi bệnh lại phải cách ly 14 ngày tại nhà. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn thực hiện 5K và xét nghiệm 5K, nên để khỏi tốn kém như trước thì nếu phát hiện F0, công nhân sẽ tạm nghỉ và đến phân khu riêng do công ty sắp xếp để nghỉ ngơi. Khi hết bệnh, công nhân quay lại làm việc. Như thế sẽ đỡ lạng phí như trước.

Nếu cho gà nghỉ đẻ được thì...đỡ nhức đầu

Bên cạnh nỗi lo “cơm áo gạo tiền” để thực hiện 3T, gánh nặng chi phí trong mùa dịch đã khiến hàng vạn doanh nghiệp gục ngã, đóng cửa.

Tính đến đầu tháng 9, gần 100% doanh nghiệp ở Cần Thơ ngưng hoạt động. Còn tính đến hết tháng 8, đã có hơn 80.000 doanh nghiệp trên cả nước ngưng hoạt động. Những con số cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh mà các ông chủ doanh nghiệp phải đối mặt. Với Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, dù số lượng lao động thực hiện 3T chỉ khoảng 150 - 160 người, nhưng ước tính mỗi tháng chi phí bị tăng hơn hơn 1 tỉ đồng so với trước đây.

Cái lợi khó đong đếm

Duy trì hoạt động, dù không hiệu quả, nhưng hàng ngàn lao động có thu nhập, giảm gánh nặng cho cộng đồng; bạn đồng hành là người nuôi tôm được giải cứu kịp thời; đối tác có nguồn hàng, tuy nhỏ giọt duy trì việc mua bán của họ. Cái lợi đó khó đo đếm và không thể đem so với các thiệt hại của doanh nghiệp chúng tôi. Nói chung, cái lợi lớn nhất là chuỗi cung ứng con tôm chỉ bị tổn thương, không gãy đổ.

Ông Hồ Quốc Lực

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, cho biết bản thân cũng ăn ở tập trung tại nhà máy với công nhân từ cuối tháng 6. Ngoài chi phí tăng chóng mặt thì đủ loại khó khăn chồng chất khiến ông thừa nhận “rất đuối”. Khi bắt đầu thực hiện 3T, ông đã tính toán và dự trữ các loại nguyên liệu, hộp đựng trứng, nhãn mác đủ sản xuất 1,5 - 2 tháng nhưng không ngờ giãn cách kéo dài, các nhà cung cấp đều ngừng hoạt động nên khi hàng dự trữ đã hết, công ty phải chạy đôn chạy đáo tìm các nhà cung cấp mới để đảm bảo cho sản xuất thì giá tăng cao đến 150%. Trong khi đó, Vĩnh Thành Đạt là một trong các đơn vị tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM, nên phải giữ nguyên giá bán lẻ như trước đây. Mọi chi phí đầu vào tăng cao khiến giá thành nhảy vọt và bán càng nhiều thì công ty càng thua lỗ.

Nhưng theo vị giám đốc này, áp lực về tâm lý trong thời gian vừa qua là “khủng khiếp” nhất. Công nhân càng ở lâu trong nhà máy càng bức bách. Có thời điểm cao nhất công ty có 163 người lao động sản xuất tại chỗ nhưng dần dần xin nghỉ bớt vì một số lo ngại bệnh dịch nên nên “thà về nhà nằm ăn mì gói còn hơn”.

T.C.T

Thiếu lao động trầm trọng, nhưng muốn tuyển lao động thời vụ thì lại bị các nhân công đang làm tại công ty phản đối vì sợ người ngoài vô sẽ gây bệnh cho họ. Hay việc sinh hoạt tập thể của hàng trăm người luôn có những va chạm; đặt suất ăn từ một đối tác bên ngoài cũng có nhiều ý kiến lo ngại...

“Đã có lúc tôi nghĩ rằng nếu cho gà nghỉ đẻ được thì tôi cho nghỉ hẳn 2 - 3 tuần để ngừng sản xuất cho bớt đau đầu nhức óc. Nhưng gà vẫn đẻ trứng hằng ngày, công ty phải duy trì sản xuất để tiêu thụ hết số lượng của các trại chăn nuôi đã liên kết nên việc ngừng lại là không được”, ông Thiện chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cho rằng bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất khi tổ chức ăn ở cho hàng trăm công nhân, thì rất nhiều hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu hàng không thể làm online.

Chẳng hạn nhân viên phải thực hiện kiểm dịch, hun trùng, cấp C/O hay hóa đơn hãng tàu đều phải đi làm trực tiếp. Trong khi đó giấy đi đường phải đăng ký, rồi lại thay đổi thường xuyên làm tốn nhiều thời gian. Hàng không xuất được còn đối tác thúc giục, có nhiều lúc bức bách, bế tắc. Chưa kể cước tàu vận tải thời gian qua liên tục gia tăng, rồi tình trạng thiếu container nên nhân viên phải ngồi canh có khi xuyên đêm để book lịch tàu...

Hàng trăm thứ “lần đầu”, hàng trăm việc không tên, nên theo ông Thông, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để giữ được sức khỏe tâm lý cho chính mình lẫn đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Bởi hầu hết mọi người đều căng thẳng nên bất kỳ một va chạm nào dù rất nhỏ cũng khiến sẵn sàng bộc phát thành nỗi tức giận lớn. Thậm chí ở nhà máy, có lúc sau vài tuần sản xuất 3T, có hơn 20 công nhân đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc trong lúc chán nản, bi quan. Sau khi nghỉ từ 3 - 4 tuần thì trở lại công ty năn nỉ, khóc lóc, xin làm việc lại khiến cán bộ quản lý sản xuất “cũng bị điên đầu” để giải quyết. Nhưng nhà máy muốn nhận người vào làm việc đã có quy trình, nhất là đang thực hiện 3T thì ai đã ra khỏi nhà máy đều không được quay trở lại vì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

“Không thể tưởng tượng được vì có quá nhiều thứ phát sinh cần xử lý nhưng tôi xác định không thể ngừng hoạt động lại được. Bởi phía sau một nhà máy có 300 lao động là 300 gia đình với nhiều thành viên khác nhau lên hơn cả ngàn người. Nhiều gia đình thì chồng hay vợ đã bị thất nghiệp, nhiều nhân viên cũng đang vay tiền để mua nhà, mua đất hay phụ cấp cho bố mẹ, anh em. Chính vì hiểu điều đó nên chúng tôi phải cố gắng”, ông Thông chia sẻ và cho biết Phúc Sinh Group vẫn duy trì hoạt động. Có tuần, công ty này vẫn xuất khẩu được hơn 100 container đi các nước. Riêng công ty hàng tiêu dùng mỗi ngày đều nhận được nhiều đơn hàng thực phẩm thiết yếu do cam kết giá không đổi.

Không hối tiếc vì “con số âm”

Ngay từ đầu tháng 7, khi nhìn thấy các doanh nghiệp tỉnh Long An phải sản xuất 3 tại chỗ, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), dự báo dịch bệnh sẽ lan rộng hơn, nên đã nhanh chóng dọn dẹp các chỗ nghỉ cho người lao động. Hội trường, nhà kho, nhà xe… đều được khẩn trương sắp xếp lại; lắp thêm các nhà tắm dã chiến; mua sẵn mùng mền chiếu gối; mua luôn các vật dụng cần thiết như khăn, dầu gội, xà bông giặt, thau chậu, bàn chải, kem đánh răng; mua thêm và dự trữ một số loại dược phẩm phổ biến…

Duy trì thực phẩm thiết yếu cho người dân

Trứng là một trong những thực phẩm thiết yếu của người dân, nên mình càng phải cố gắng duy trì sản xuất để cung cấp hàng hóa ra thị trường, cho bữa ăn của nhiều người. Chính vì vậy, nên phải gồng, phải cố.

Ông Trương Chí Thiện

Đúng như ông dự trù, hơn 2 tuần sau, Sóc Trăng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Công ty đã chuẩn bị trước nên khá ổn thỏa bước đầu, nhưng chỉ đủ chỗ cho khoảng 40% lao động vốn có. Ngay sau đó, nhiều người lao động vì lo lắng về dịch bệnh, về người thân và tâm lý bất an dẫn đến số người lên phòng y tế “nằm nghỉ” tăng mạnh. Công ty có bộ phận làm các bản tin chiếu trên ti vi trong nội bộ hằng ngày để cập nhật tình hình dịch nhằm người lao động an lòng; có bộ phận khảo sát, chăm lo bữa ăn hằng ngày; có bộ phận thiện nguyện bên ngoài nhà máy chung tay gửi quà tới từng người bên trong nhà máy gồm bánh, trái cây, sữa chua… mang tên “Chương trình gửi nắng”.

Qua một tuần, tất cả vào nền nếp, người lao động xin nghỉ “dưỡng bệnh” nửa buổi không còn. Tuy nhiên, thống kê cho thấy năng suất lao động còn thấp. Sau khi xem xét các yếu tố tác động, thấy rằng chủ yếu do khách quan. Để kịp thời chế biến, không để nguyên liệu tôm bị ứ đọng, thiệt hại, công ty chuyển phần lớn công nhân sang làm hàng thô.

Việc chuyển đổi này làm năng suất tăng gấp đôi, vì dễ làm, quan trọng nhất là “giải cứu” kịp thời tôm cho người nuôi. Qua 4 tuần thực hiện 3T, tỉnh Sóc Trăng triển khai Chỉ thị 16 linh hoạt, các lao động có gia đình vùng an toàn (xanh) và rủi ro thấp (vàng) có thể đi lại làm việc. Nhờ vậy, số lượng lao động tại công ty từng bước phục hồi. Rủi ro và phức tạp là lao động trở lại làm việc phải được kiểm tra y tế cẩn thận, chỗ làm và chỗ ăn riêng, khoảng một tuần mới hòa nhập với số lao động đã có. Điều này khiến việc phục hồi sản xuất không thể diễn ra nhanh chóng... Ông Hồ Quốc Lực tâm sự: Nhìn lại quá trình tổ chức sản xuất vừa qua, chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ người. An toàn! Mỗi ngày vừa qua như dài hơn bình thường. Mỗi năm những tháng cao điểm nguyên liệu là tháng hoạt động hiệu quả cao của các doanh nghiệp chế biến tôm chúng tôi. Cộng sổ từ tháng 1 - 8.2021, hiệu quả của doanh nghiệp là con số âm không nhỏ, chủ yếu do phí tổn tăng quá nhiều từ sản xuất 3 tại chỗ. Nhưng chúng tôi không thấy tiếc. Sự tồn tại doanh nghiệp trong lúc khó khăn sẽ là điểm sáng để bức tranh kinh tế xã hội bớt âm u.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.