“Giữ thì giữ, chiều trúng anh em chia nhau xài”, một người trong nhóm nói khi mua vé số. Nhưng khi vé số trúng thưởng, nhóm bạn thân đã phải đưa nhau ra tòa.
Tranh chấp về vé số trúng thưởng thường dễ khiến những người từng là bạn bè, "chiến hữu" trở mặt với nhau và nhờ đến pháp luật phân xử - Ảnh minh họa |
“Án lệ”
Năm 2007, tỉnh Cà Mau có vụ “tranh chấp quyền sở hữu” về vé số trúng thưởng giữa 2 nguyên đơn là anh N.M.Tường (ngụ H.Bình Thới, tỉnh Cà Mau), L.M.Tiệp và bị đơn là anh T.T.Phúc (ngụ cùng địa chỉ).
Theo bản án sơ thẩm của TAND H.Bình Thới, 3 đương sự trên cùng một người bạn chạy đò tên V.T. Lực đi uống cà phê. Khi có một người bán vé số đi ngang qua, anh Tường kêu vào mua 2 tờ vé số (số 823025) do tỉnh Bạc Liêu mở, anh Tường trả tiền vé số 10.000 đồng. Khi mua có anh Tiệp và anh Lực ngồi chung đều biết anh Tường là người trả tiền vé số, sau đó anh Phúc lấy xem và bỏ túi.
Vì nghĩ là chỗ bạn bè không lấy lại nên anh Tường nói với anh Phúc: “Giữ thì giữ, chiều trúng anh em chia nhau xài”. Nhưng hôm sau trúng số, anh Phúc cố tình chiếm hết không chịu chia, nên 2 nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa chia 3 số tiền trúng số.
Không đồng ý, anh Phúc cho rằng mình là người mua 2 tờ vé số và trả tiền. Hai tờ vé số này trúng giải đặc biệt, trừ chi phí anh lãnh được 223 triệu đồng. Nhưng nay vì chỗ “tình nghĩa anh em” nên anh chỉ chấp nhận cho 2 nguyên đơn mỗi người 5 triệu đồng, không có chuyện chia 3.
Xử sơ thẩm, TAND H.Bình Thới chấp nhận yêu cầu của anh Tường, buộc anh Phúc giao cho anh Tường hơn 74 triệu đồng; không chấp nhận yêu cầu của anh Tiệp, chỉ giao cho anh Tiệp 10 triệu đồng. Sau phiên tòa, anh Phúc kháng cáo.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau nhận định, vì những người làm chứng thuật lại sự việc không thống nhất, không khách quan, lúc khai anh Tường mua vé số và trả tiền; khi khai anh Phúc kêu mua và chọn số, anh Tường trả tiền; có nhân chứng khai anh Tường là người trả tiền vé số, anh Phúc là người giữ vé số; có nhân chứng khai anh Phúc là người mua và trả tiền.
Do không có căn cứ khẳng định ai là người mua, người trả tiền 2 tờ vé số trên nên chỉ có thể xác định ai là người đang quản lý 2 tờ vé số - tức chủ sở hữu của những tờ vé số đó. Theo tòa, anh Phúc đang là người quản lý 2 tờ vé số, sau khi mở thưởng 2 tờ này đã trúng thưởng đặc biệt nên số tiền trúng thưởng thuộc quyền sở hữu của anh Phúc. Từ đó, cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Phúc; không buộc anh Phúc phải chia tiền trúng thưởng cho 2 nguyên đơn.
Dễ “hình sự hóa”
Qua vụ việc “Kiện đòi bạn nhậu 2 tờ vé số đặc biệt” và vụ án kể trên, nhiều chuyên gia pháp luật đã bày tỏ ý kiến.
Trở lại vụ “Kiện đòi bạn nhậu 2 tờ vé số đặc biệt”, ngày 23.12, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (26 tuổi, ngụ ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) gửi đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Bạc Liêu đề nghị buộc… bạn nhậu phải trả lại 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt.
Theo anh Tuấn, ngày 6.10, trong lúc nhậu với 5 người bạn, anh mua 5 tờ vé số loại 10.000 đồng/tờ, do Công ty xổ số Bạc Liêu phát hành, mở thưởng cùng ngày. Mua xong, anh đưa anh Lâm Văn Vui (ngụ cùng địa phương, nhậu chung) giữ giùm.
Hôm sau, Tuấn biết 2 trong 5 tờ vé số trúng giải đặc biệt, tổng trị giá giải thưởng 3 tỉ đồng, nên yêu cầu Vui trả số tiền đã trúng số nhưng Vui không trả. Sau đó, Tuấn làm đơn tố cáo.
Luật sư (LS) Phạm Hoài Nam (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, để xác định 2 tờ vé số là của ai thì cần làm rõ các tình tiết mà anh Tuấn và anh Vui khai nhận. Sau đó, đối chiếu với tường trình của những người nhậu chung. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có chứng cứ khách quan để giải quyết tranh chấp.
“Nếu sự việc đúng như lời anh Tuấn nói thì anh Tuấn là người sở hữu hai tờ vé trúng giải độc đắc 3 tỉ đồng đó. Nhưng nếu anh Vui xác định được tiền mua vé số là của Vui đưa Tuấn mua rượu thì Vui có quyền sở hữu tài sản”, LS Nam phân tích.
Còn LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu quan điểm, vụ việc này cần phải làm rõ lời khai của hai bên, cũng như lời khai của những người làm chứng là bạn nhậu và người bán vé số, để xác định ai là chủ sở hữu của 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt.
Theo đó, có phải người mua vé số là Tuấn, rồi sau đó giao cho Vui giữ giùm “lấy hên” như Tuấn trình bày? Hay như ông Vui khai rằng 5 tờ vé số nêu trên là do tiền của mình sau khi mua mồi hết 50.000 đồng, còn dư 450.000 đồng và ông Tuấn đã dùng để mua 10 tờ vé số, đưa Vui 5 tờ, giữ lại 5 tờ nhưng không trúng?.
LS Chánh cho rằng với những vụ việc nêu trên, Cơ quan điều tra nên hết sức thận trọng vì có thể dễ “hình sự hóa” quan hệ dân sự.
Nếu ông Vui thừa nhận 2 tờ vé số trên là của ông Tuấn và vì lý do nào đó mà không chịu trả tiền, thì ở đây có dấu hiệu tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Nếu đã sử dụng số tiền từ việc đổi vé số nêu trên thì có dấu hiệu của tội "sử dụng trái phép tài sản" theo Điều 142 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, nếu ông Vui vẫn cho rằng vé số trên là của mình, do tiền của mình mua mà có, chứ không hề có chuyện giữ giùm như ông Tuấn nói, thì ở đây là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Lúc này, ông Tuấn sẽ khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu tại TAND cấp huyện nơi cư trú của ông Vui. Nguyên đơn buộc phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Các luật sư đều cho rằng, dù sự việc được giải quyết bằng việc xử lý hình sự hay tranh chấp dân sự, thì rõ ràng về mặt tình cảm khó có thể giữ được tình bạn giữa những người liên quan.
Bình luận (0)