Ngày 20.3, Đoàn đại biểu Quối hội TP.HCM có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị và một số doanh nghiệp, khảo sát về tình hình thực hiện bộ luật Lao động năm 2012.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội cho thi hành sớm một số điều của bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm liên quan đến hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm răn đe và tác động mạnh hơn đối với các doanh nghiệp trước tình hình nợ đọng BHXH phức tạp như hiện nay.
Theo đại diện BHXH TP.HCM, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế vẫn diễn ra khá phổ biến với tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp như trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng quỹ BHXH. Nghiêm trọng hơn, tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Năm 2016, số nợ BHXH tại TP.HCM là hơn 1.440 tỉ đồng. Trong khi đó, các biện pháp ngăn chặn và xử lý vẫn không có hiệu quả.
Theo quy định mới, giải pháp khởi kiện không còn được áp dụng, từ năm 2015. TAND các cấp đã trả lại gần 400 đơn khởi kiện khiến việc thu hồi nợ BHXH gặp khó khăn.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết từ khi BHXH không còn quyền khởi kiện doanh nghiệp đòi BHXH, chuyển sang cho công đoàn đảm trách thì gặp phải khó khăn do quy định buộc phải có ủy quyền của từng công nhân thì công đoàn mới có thể khởi kiện đòi BHXH.
"Đòi cho từng công nhân chỉ là nhỏ lẻ, trong khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH là nợ cả tập thể, cả công ty chứ không phải 1, 2 công nhân. Vì vậy, từ năm 2015 đến nay vẫn không có một doanh nghiệp nào bị khởi kiện đòi BHXH", bà Yến nói và đề nghị các cấp tiếp tục xem xét lại vấn đề này. Đồng thời bà Yến cũng đề nghị nếu những các điều 214, 215, 2016 của bộ luật Hình sự (quy định xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm về BHXH, bảo hiểm y tế) không có vướng mắc gì phải chỉnh lý thì nên cho áp dụng ngay để tăng tính răn đe.
Ông Nguyễn Tất Năm, đại diện Sở LĐ-TB-XH cũng cho rằng dù bộ luật Hình sự năm 2015 đang lùi thời hiệu áp dụng nhưng nếu những điều luật trên không có bất cập thì cũng phải cho áp dụng ngay.
Ông Năm cho rằng nợ BHXH ngày càng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, hành lang pháp lý về BHXH còn nhiều bất cập, một số quy định còn lỏng lẻo nên doanh nghiệp thường lợi dụng để trục lợi quỹ BHXH. Trong khi đó, các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm về BHXH còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến các doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động.
Bình luận (0)