Kiến nghị cơ chế đặc thù cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/05/2021 08:46 GMT+7

Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (Hiệp hội) vừa có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ , Bộ GT-VT, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu… về việc sớm triển khai cơ chế đặc thù cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cụ thể, theo Hiệp hội này, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trở thành 1/19 cảng nước sâu thế giới có thể tiếp nhận được tàu lớn nhất thế giới, với năng suất bốc xếp, chất lượng dịch vụ đều được công nhận vào hàng đầu khu vực và thế giới.
Ngoài ra, cụm cảng có vị trí địa lý lý tưởng, nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có mớn nước sâu để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, không bị ảnh hưởng bởi sóng gió, khai thác được quanh năm, không sa bồi, gần các trung tâm hàng hóa xuất nhập khẩu lớn và có tốc độ tăng trưởng bình quan 20% mỗi năm, Hiệp hội cho rằng, việc quy hoạch, đầu tư cho hệ thống cảng nước sâu này càng trở lên cấp thiết. Mục đích phục vụ xuất nhập khẩu, giảm tối đa chi phí logistics của quốc gia.
Từ những lý do trên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ với sự tham mưu của Bộ GT-VT, Cục Hàng hải… xem xét quy hoạch lại tuyến bến cho một số cảng: Gemalink, Cái Mép hạ, Trung tâm logistics là những cảng đang xây dựng hoặc sẽ xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai đến 2050 tận dụng tối đa mặt nước, chiều sâu tự nhiên của cảng. Đặc biệt, sớm thành lập trung tâm kiểm tra chuyên ngành và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung để giải phóng hàng hóa nhanh chóng ra khỏi cảng xếp dỡ/trung chuyển. Việc quy hoạch các bến cảng cần đồng bộ với phát triển hệ thống các khu dịch vụ hậu cần sau cảng (hệ thống cảng cạn, kho bãi, dịch vụ logistics...) và có quỹ đất dự trữ để đáp ứng nhu cầu phát triển; phải gắn quy hoạch cảng với quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế của vùng và địa phương có cảng.
Ngoài ra, kiến nghị cũng nhấn mạnh quy hoạch quỹ đất để xây dựng các depot container rỗng, bãi tập kết hàng hóa nhằm tránh tình trạng container hàng thì giao nhận tại Cái Mép, container rỗng lại nhận tại TP.HCM như hiện nay.
Liên quan đến giảm thiểu tối đa chi phí logistics, Hiệp hội cũng nêu quan điểm Chính phủ sớm nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông thủy kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với cảng nước sâu Cái Mép để tạo thuận lợi cho việc xuất nhập các mặt hàng chủ lực như nông thủy sản từ khu vực miền Tây đến các thị trường lớn châu Âu, Mỹ…
Muốn vậy, phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống hạ tầng sau cảng như trung tâm logistics, depot… chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cảng biển nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguồn lực để tăng cường đầu tư và tái đầu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa hệ thống cảng biển quốc gia. Trước đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển cũng kiến nghị sớm điều chỉnh giá bốc xếp container cho hàng xuất nhập khẩu tại các cảng biển nước sâu Cái Mép ngang bằng với khu vực. Hiện giá bốc xếp container 20 feet ở mức 52 USD tại cảng là rất thấp chỉ bằng 50% khu vực trong khi mức đầu tư của cảng Việt Nam giống như các nước. Hiệp hội cũng kiến nghị nên điều chỉnh tăng biểu giá bốc xếp này lên 20% từ ngày 1.7 tới và các năm sau tăng mỗi năm 10% cho đến khi bằng 80-90% giá cảng biển trong khu vực.
Năm 2017, lượng container đến cảng nước sâu Cái Mép 2,5 triệu teus , năm 2018 là 2,8 triệu teus, năm 2019 là 3,5 triệu teus; năm 2020 là 4,3 teus. Dự kiến năm 2021 sẽ là 5,6 triệu teus, cao nhất nước về tăng trưởng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.