Kiến nghị giảm giá nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/10/2024 15:45 GMT+7

Giảm giá nhà ở xã hội là một trong các kiến nghị được nêu trong báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9.

Trong báo cáo trình bày tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 7.10, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng khi nhà ở xã hội giá rất cao, người có thu nhập thấp khó tiếp cận được.

Kiến nghị giảm giá nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp- Ảnh 1.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, vắc xin và vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế công lập do những vướng mắc về đấu thầu mua sắm. Tình trạng lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật thông báo cá nhân vi phạm pháp luật, cập nhật thẻ bảo hiểm y tế, mua hàng online chuyển khoản qua đường link, tin rác, cuộc gọi rác... vẫn còn xảy ra.

Cùng đó là việc vận động mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học... gây bức xúc trong dư luận, phương án xét tuyển đại học gây băn khoăn cho phụ huynh và học sinh.

Cử tri và nhân dân lo lắng tình hình thiên tai, mưa bão bất thường, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân chưa thể khắc phục ngay. 

Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là đối với nông dân và những người có thu nhập thấp; thị trường vàng biến động bất thường, ảnh hưởng đến tâm lý người dân…

Vẫn theo ông Bình, cử tri hết sức quan tâm đến những nội dung trong chương trình kỳ họp, nhất là việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; luật Công chứng (sửa đổi); luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); luật Điện lực (sửa đổi); luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược…

Theo ông Bình, cử tri kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Từ các phản ánh này, ông Bình cho biết Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay.

Cụ thể là quan tâm điều chỉnh giá nhà ở xã hội hoặc có các gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội; đồng thời có chính sách khuyến khích việc thực hiện các dự án xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Đề nghị xem xét trách nhiệm để thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng

Trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ông Dương Thanh Bình cho hay, một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề cần điều chỉnh kịp thời và đã được các bộ, ngành trả lời tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chẳng hạn, cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Nhiều phụ huynh phải đưa con em đi tiêm vắc xin dịch vụ bên ngoài, ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cụ thể, Ban Dân nguyện phản ánh, ngày 10.7.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98 về việc bố trí ngân sách Trung Ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó đã xác định "bảo đảm có vắc xin sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách" và giao Bộ Y tế trong tháng 7.2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104 năm 2016 ngày 1.7.2016 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, sau 7 tháng thì Nghị định 13 năm 2024 ngày 5.2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104 mới được ban hành. Đến tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế mới ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024.

Tiến độ này theo cơ quan giám sát là quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện. Theo báo cáo, nhiều địa phương thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ cuối năm 2022, đến tháng 9 vừa qua vẫn xảy ra tình trạng này.

Cơ quan giám sát nhấn mạnh, chương trình tiêm chủng mở rộng là một chính sách đặc biệt quan trọng của Nhà nước nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường sức đề kháng, hình thành miễn dịch cộng đồng cho các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của các bệnh dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; đánh giá về ảnh hưởng khi trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với những vắc xin được chỉ định tiêm cho trẻ em ngay sau khi sinh ra, đồng thời có giải pháp khắc phục.

Cơ quan này cũng đề nghị xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vắc xin trong thời gian qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.