Kiến nghị kéo dài thời hạn quản lý tập trung sau cai nghiện

08/05/2008 11:50 GMT+7

* Kiến nghị không coi nghiện ma túy là tội hình sự (TNO) Sáng nay 8.5, Quốc hội đã nghe 6 báo cáo, trong đó có 3 báo cáo của Chính phủ (gồm tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma túy, và báo cáo kết quả 5 năm thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện) và 3 báo cáo thẩm tra.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (16/2003/QH11), đã có 7 địa phương là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Hà Nội và Bình Dương tổ chức quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện. “Nhìn chung đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới, giảm tình trạng tội phạm hình sự; tình hình an ninh trật tự xã hội ở từng địa phương tốt hơn”, Bộ trưởng Ngân cho biết. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận do một số chế độ, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đề án sau cai nghiện (như chính sách ưu đãi thuế, tiêu thụ sản phẩm...) chưa được ban hành kịp thời, nhiều địa  phương chưa phát huy nội lực nên kết quả còn hạn chế.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục quản lý sau cai đối với những trường hợp đã tham gia đề án nhưng chưa hết thời gian quản lý tập trung như quy định của Nghị quyết 16, cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung luật phòng, chống ma túy có hiệu lực (1.1.2009).

Đồng ý với kiến nghị này của Chính phủ, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày, nêu: “Nghị quyết 16 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 1.8.2008. Trong khi đó, đến thời điểm này còn khoảng 6.000 người đang được quản lý tập trung sau cai nghiện chưa thi hành xong quyết định”. Ủy ban này đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép các địa phương được tiếp tục thi hành các quyết định quản lý người sau cai nghiện đã ban hành trước ngày 1.8.2008 cho đến thời điểm Luật phòng, chống ma túy có hiệu lực.

Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng ủng hộ Chính phủ nghiêng về quan điểm bổ sung vào Luật phòng, chống ma túy một điều khoản quy định 2 hình thức quản lý sau cai nghiện, gồm: quản lý tại cộng đồng đối với đa số những người đã chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc (từ 1-2 năm), và quản lý sau cai nghiện tập trung đối với người sau cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao.

Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đồng ý với Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ Điều 199 Bộ luật Hình sự, theo đó sẽ không coi nghiện ma túy là một tội danh.

Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này vào chiều 10.5.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.