Cụ thể, từ tháng 5.2010, tại TP.HCM đã đưa vào hoạt động 5 văn phòng TPL tại các quận 1, 5, 8, Tân Bình, Bình Thạnh với 14 thừa phát lại, 47 thư ký TPL. Sau một năm thực hiện, 5 văn phòng này đã tống đạt 14.007 văn bản cho 23 tòa án và 25 cơ quan thi hành án dân sự; lập và đăng ký 1.829 vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án được 66 vụ việc; tổ chức thi hành án 20 vụ việc, trong đó kết thúc thi hành án 11 vụ việc.
“Tổng doanh thu của 5 văn phòng TPL là hơn 4,4 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ việc lập vi bằng chiếm 83,07%, doanh thu những công việc còn lại chiếm 16,93%. Tuy nhiên, hoạt động TPL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp luật trong lĩnh vực này còn thiếu cụ thể, không đồng bộ…”, ông Sơn cho biết.
Để có thể đánh giá một cách toàn diện về hoạt động của TPL, ông Sơn kiến nghị kéo dài thời gian thí điểm thêm 1 năm (đến năm 2013 thay vì đến tháng 7.2012) vì Nghị quyết của Quốc Hội cho thời gian thí điểm là 3 năm, mở rộng mô hình này tại một số địa phương và đề nghị sớm ban hành văn bản tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn đối với hoạt động TPL.
Trong khi đó, bà Ngô Minh Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp cũng kiến nghị cho phép thành lập tại TP.HCM thêm 3 văn phòng TPL, thời hạn thí điểm nên kéo dài thêm 2 năm nữa và kiến nghị TAND tối cao chỉ đạo TAND các cấp bổng sung vào bản án, quyết định của tòa án nội dung: “Đương sự có quyền liên hệ cơ quan thi hành án dân sự hoặc văn phòng TPL để yêu cầu thi hành án”.
Phát biểu đúc kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường cũng nhìn nhận rằng, hoạt động TPL thời gian qua gặp những khó khăn không đáng có nếu như Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo quyết liệt hơn. “Về phần mình chúng tôi nhận khuyết điểm và hứa sẽ khắc phục ngay sau hội nghị này”, Bộ trưởng nói.
Lê Nga
Bình luận (0)