Viện KSND tối cao vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Nội dung xoay quanh việc đề xuất sửa đổi quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự.
Bộc lộ bất cập?
Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay quy định 9 tội danh (khoản 1) mà cơ quan tố tụng chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
Những tội này gồm: cố ý gây thương tích (điều 134), cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh (điều 135), cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (điều 136), vô ý gây thương tích (điều 138), vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp (điều 139), hiếp dâm (điều 141), cưỡng dâm (điều 143), làm nhục người khác (điều 155) và vu khống (điều 156).
Theo cử tri tỉnh Thái Nguyên, với quy định như trên, các hành vi cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 của 9 điều luật về 9 tội nêu trên chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại và phải đình chỉ điều tra khi bị hại rút yêu cầu.
Điều này đang bộc lộ sự bất cập, khi thực tế có nhiều trường hợp bị hại từ chối yêu cầu khởi tố và giám định thương tích, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Cử tri đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bãi bỏ 4 tội danh (khoản 1) chỉ được khởi tố theo yêu cầu bị hại, gồm: cố ý gây thương tích (điều 134), cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh (điều 135), hiếp dâm (điều 141) và cưỡng dâm (điều 143).
Với đề xuất này, khi xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm (hiếp dâm hoặc cưỡng dâm chẳng hạn), cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định khởi tố vụ án mà không phụ thuộc vào việc phía bị hại có yêu cầu hay không.
Kiến nghị khởi tố vụ án hiếp dâm ngay cả khi bị hại không yêu cầu
Không cần thiết sửa đổi
Trả lời vấn đề, Viện KSND tối cao cho biết, bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay quy định chỉ khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại đối với một số tội danh (khoản 1) thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.
Quy định trên xuất phát từ yêu cầu tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trong một số quan hệ xã hội cụ thể.
Theo đó, dựa vào tính chất, mức độ, nguyên nhân, điều kiện của 9 loại tội phạm như đã nêu, luật đã đặt thêm điều kiện để khởi tố vụ án hình sự chỉ khi có yêu cầu của bị hại.
Điều này nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên và nguồn lực của việc tiến hành các thủ tục tố tụng của các cơ quan khi xem xét, xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm liên quan.
Riêng trường hợp bị hại từ chối yêu cầu khởi tố và giám định thương tích, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, Viện KSND tối cao cho hay, bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ vấn đề này.
Cụ thể, điều 62 và điều 127 nêu: cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải đối với người bị hại nếu họ không chấp hành quyết định trưng cầu giám định thương tích của cơ quan tiến hành tố tụng.
Từ những căn cứ viện dẫn, Viện KSND tối cao cho rằng không cần thiết phải sửa đổi bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng như cử tri đã kiến nghị.
Bình luận (0)