(TNO) - Nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) kiến nghị cần lập ủy ban điều tra độc lập nếu khi trong chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội (QH) nảy sinh vấn đề cần thiết phải điều tra, làm rõ.
Bỏ phiếu tín nhiệm cần công khai, minh bạchTheo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp sáng nay 4.6 về tổng hợp ý kiến thảo luận tổ nội dung Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của QH, trong đó có bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều ĐBQH nhất trí với sự cần thiết phải đổi mới hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm và giao Ủy ban Thường vụ QH quy định cụ thể về quy trình, thủ tục tiến hành.
|
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng Đề án chưa nêu rõ quan điểm, mục đích của việc bỏ phiếu tín nhiệm; nên cân nhắc việc dùng khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” hay “lấy phiếu tín nhiệm”.
Lý do là việc bỏ phiếu tín nhiệm theo Điều 12 luật Tổ chức QH là bỏ phiếu bất tín nhiệm khi người bị bỏ phiếu “có vấn đề”, tuy nhiên nếu thực hiện định kỳ như đề xuất của Đề án thì bỏ phiếu đánh giá sự tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn.
Cũng theo đại biểu Phan Trung Lý, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ việc tiến hành bỏ phiếu định kỳ, vì nếu làm vậy có thể dẫn tới “mất cán bộ” do ĐBQH không có đủ thông tin để đánh giá một cách toàn diện. Ý kiến khác cho rằng chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức danh “có vấn đề”.
Qua thảo luận còn cho thấy có ý kiến nhất trí với quy trình bỏ phiếu hai lần trước khi xem xét bãi nhiệm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị chỉ cần bỏ phiếu một lần là đủ điều kiện kết luận về tín nhiệm đối với một chức danh. Nếu phiếu tín nhiệm chỉ đạt dưới 50% thì tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm. Khi bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu đủ 2/3 ĐBQH tán thành thì bãi nhiệm chức danh đó.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị để đổi mới thực sự trong việc quyết định nhân sự, bên cạnh việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh QH bầu, phê chuẩn là đổi mới “đầu ra”, cần đổi mới cả “đầu vào” tức là khi giới thiệu các chức danh QH bầu, phê chuẩn phải có số dư.
Theo ông Lý, ĐBQH cũng yêu cầu việc bỏ phiếu tín nhiệm cần công khai, minh bạch. Danh sách lấy phiếu tín nhiệm phải được QH thông qua. Ủy ban Thường vụ QH cần sớm xây dựng quy chế, trình QH thông qua để có thể thực hiện ngay trong nhiệm kỳ này.
Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, căn cứ ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ, Ủy ban Thường vụ QH khẳng định việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến định và Luật định, trong dự thảo Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của QH lần này, Ủy ban Thường vụ QH trình QH quyết định chủ trương nhằm xây dựng quy trình cụ thể để thực hiện thẩm quyền nêu trên của QH.
Tại kỳ họp thứ tư sắp tới, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH xem xét Quy chế thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, khi đó sẽ trình QH xem xét, quyết định các nội dung cụ thể mà các đại biểu đã kiến nghị.
Sẽ chỉ đạo nghiên cứu lập Ủy ban điều tra lâm thời
Liên quan đến hoạt động giám sát của QH, về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ QH cho biết các ĐBQH đề nghị Đề án cần bổ sung một số nội dung cụ thể như: tại phiên chất vấn, cần có giải trình của người bị chất vấn về các vấn đề bức xúc do ĐBQH nêu lên. Sau hoạt động chất vấn, QH cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn.
Sau mỗi kỳ họp, QH cần ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; khi chất vấn nảy sinh vấn đề lớn, phức tạp, QH cần lập ra một ủy ban lâm thời để điều tra.
“Ủy ban Thường vụ QH xin được tiếp thu một phần ý kiến này của các vị ĐBQH để thể hiện cụ thể trong dự thảo Nghị quyết, và sẽ chỉ đạo nghiên cứu cụ thể việc thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra khi sửa đổi luật Tổ chức QH và luật Hoạt động giám sát của QH”, ông Lý cho biết.
Bảo Cầm
>> Đặc quyền và trách nhiệm
>> Thuốc đặc hiệu phải đúng liều
>> Bỏ phiếu tín nhiệm: Chậm thực hiện là có lỗi với dân
>> Kết quả bỏ phiếu lần đầu không đạt nên xem xét miễn nhiệm
>> Lời nhắc nhở của cử tri
>> Đề nghị bỏ quy định 20% ĐBQH yêu cầu mới bỏ phiếu tín nhiệm
Bình luận (0)