Kiến nghị về cơ chế huy động nhân lực chống dịch và chế độ đãi ngộ

31/12/2021 16:34 GMT+7

Cơ sở y tế quá tải do thiếu nhân lực; hành nghề không đúng với chứng chỉ chuyên môn là thực tế trong điều trị Covid-19.

Bác sĩ chống dịch không đúng phạm vi hành nghề

Theo Bộ Y tế, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhưng nếu chỉ riêng các BS truyền nhiễm thì không thể đủ; tại các thời điểm dịch bùng phát, Bộ Y tế đã huy động nhân lực tư các BV tuyến T.Ư tham gia điều trị, cùng với các bác sĩ đa khoa, ICU còn có là bác sĩ thuộc các truyền khoa không trực tiếp liên quan đến bệnh truyền nhiễm như: các BS chuyên khoa về tai mũi họng, da liễu, nội tiết - chuyển hóa, nhi khoa, tâm thần, y học cổ truyền...

Nhân viên y tế phòng, chống dịch Covid-19 chưa được hưởng đầy đủ chế độ do thiếu quy định

Ngọc Thắng

Phân tích rõ về vướng mắc trong cơ chế để huy động nhân lực tham gia phòng, chống dịch vừa qua, Bộ Y tế cho hay, thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát tại các địa phương, trong những thời điểm nhất định, do năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và cả năng lực điều trị tại chỗ đều hạn chế, để khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống; kiểm soát dịch bệnh, kịp thời cứu chữa người bệnh, các địa phương và Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, gồm: các bác sĩ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành, trong đó có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chí trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề; học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề cũng tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19, chăm sóc người bệnh Covid-19...

Cơ chế huy động nhân lực như trên đã góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch của nước ta trong thời gian qua và khẳng định là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục phát huy trong trường hợp dịch bệnh xảy ra ở mức độ cao. Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Do vậy, để phù hợp với thực tiễn của hoạt động chống dịch, khi dịch ở mức độ cao đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người, Bộ Y tế kiến nghị lên Chính phủ, cho phép các bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Điều chỉnh chế độ chính sách với người được điều động phòng, chống

Đầu tháng 12 vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH (Tờ trình dự thảo nghị quyết) về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, chế độ chính sách với người tham gia chống dịch cần được điều chỉnh. Cụ thể vừa qua nhiều trường hợp người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải điều trị do bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia phòng chống dịch Covid-19. Trong thời gian điều trị này sẽ được coi là người bệnh nhưng trên thực tế rất nhiều trường hợp nếu còn đủ sức khỏe thì các đối tượng này vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19.

Nhiều y bác sĩ thuộc các chuyên khoa tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, không chỉ bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm

Lê Hảo

Bên cạnh đó, theo quy định về chuyên môn thì sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, đối tượng quay trở về địa phương nơi đang cư trú sẽ phải cách ly khoảng 7 ngày và những ngày này không được coi là ngày làm việc.

Qua rà soát cho thấy luật Viên chức chỉ có quy định về quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương (Điều 12) và quyền của viên chức về nghỉ ngơi (Điều 13) mà chưa có quy định cho phép viên chức, người lao động nhiễm Covid-19 được hưởng lương và các chế độ phụ cấp chống dịch trong quá trình điều trị Covid-19 do rủi ro nghề nghiệp; và được hưởng lương, phụ cấp theo lương trong thời gian phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Để giải quyết các khó khăn nêu trên, tại tờ trình dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã kiến nghị lên Quốc hội: “Trường hợp người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải điều trị do bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ BHXH chi trả theo quy định của pháp luật về BHXH và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại; được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.