Nhiều tổ hợp môn học ở cấp THPT không phù hợp
Văn bản nêu, về nguyên tắc, học sinh được đăng ký chọn với các môn lựa chọn theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp, nhưng trên thực tế quyền sắp xếp các tổ hợp môn học này lại thuộc vào mỗi trường, tùy theo tình hình giáo viên và cơ sở vật chất.
Việc bắt buộc học sinh ngay từ đầu cấp THPT phải xác định các môn học lựa chọn và khó được điều chỉnh trong quá trình học, đồng nghĩa với việc buộc học sinh phải khẳng định sớm hướng chuyên môn sâu.
Mặt khác, học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS để lựa chọn môn học ở cấp THPT, rồi quyết định chọn cơ sở giáo dục ĐH sẽ đăng ký tuyển sinh (trong khi các trường ĐH còn chưa công bố phương án tuyển sinh), đây là một đòi hỏi rất vô lý.
Nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường THPT lập ra có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Dẫn đến hệ quả nguồn nhân lực đầu vào các môn khoa học tự nhiên sụt giảm và hệ lụy là chất lượng các ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học STEM sẽ giảm về số lượng và ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của hệ thống trong tương lai.
Theo Hiệp hội, hệ lụy ngay trước mắt là giáo viên các môn khoa học tự nhiên ở cấp THPT, đặc biệt là giáo viên môn sinh học và hóa học không có giờ dạy phải thực hiện các nhiệm vụ khác.
Cũng có thể xảy ra trường hợp có những tổ hợp môn học có khối lượng quá tải (thí dụ: tổ hợp lý - hóa - sinh) nên rất ít học sinh đăng ký học. Như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước trong giai đoạn tới (thí dụ: nhân lực STEM cần phải chiếm 35%).
Do vậy, Hiệp hội này kiến nghị Bộ GDĐT cần khẩn trương đánh giá toàn bộ chương trình ở cả 3 cấp học, phát hiện thấy những bất cập nghiêm trọng cần đưa ra các quyết định điều chỉnh ngay. Trước mắt, yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH.
Cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu phục vụ xét tuyển các ngành học ở bậc ĐH phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh được hình thành trong quá trình học ở bậc THPT. Đồng thời, chỉ đạo các trường THPT không tùy tiện sắp xếp tổ hợp các môn học lựa chọn trái với các quy định của Bộ GD-ĐT; xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn dựa trên khảo sát ý kiến của học sinh đầu cấp, đồng thời sắp xếp các môn học lựa chọn theo nhu cầu của học sình.
Cần tăng thời gian làm bài môn thi lựa chọn
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Hiệp hội cho rằng, số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi 4 môn năm 2025 có điểm đặc biệt mới với 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây.
Cũng theo Hiệp hội, việc thiết kế phương án thi, trong đó các môn thi lựa chọn đều thi trong 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học, đặc biệt có thiết kế 40% câu hỏi lựa chọn đúng sai càng làm tăng khả năng đoán mò của thí sinh. Dẫn đến độ giá trị và tính phân loại của đề thi các môn là không tốt.
Hiệp hội này kiến nghị Bộ GD-ĐT ra các loại đề thi khác nhau tuân thủ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và nhóm học sinh có học chuyên đề tự chọn và không học chuyên đề tự chọn, để phù hợp với các đối tượng thí sinh dự thi.
Tăng thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng "đoán mò" trong dạng thức câu hỏi đúng, sai (chiếm tới 40% số điểm của mỗi môn thi) để đánh giá hết các năng lực của người học, đảm bảo độ giá trị và tính phân loại của đề thi, để các trường ĐH thuận lợi trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
"Cho các thí sinh lựa chọn thêm các môn thi lựa chọn (kể cả khi không học môn lựa chọn trong chương trình nhà trường quy định) để đảm bảo người học phát triển hết năng lực tự học và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH khi đảm bảo chất lượng đầu vào", văn bản kiến nghị nêu.
Thi trên máy nhiều lần trong năm
Cũng theo kiến nghị, các năm tiếp theo, quy định kỳ thi là thi đánh giá năng lực; chủ yếu thi trên máy tỉnh; đề thi rút từ ngân hàng đề thi do các trung tâm khảo thí độc lập được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cung cấp. Các địa phương chủ động tổ chức triển khai thi nhiều lần trong năm theo quy định thời gian của Bộ GD-ĐT.
Trong khi vẫn còn duy trì hình thức thi trên giấy, Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo 4 tổ hợp truyền thống A, B, C, D như trước đây.
Bình luận (0)