Kiến nghị xử lý nhiều trang facebook giả mạo Ban Tuyên giáo T.Ư

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/03/2019 16:37 GMT+7

Nhiều trang facebook mạo danh Ban Tuyên giáo T.Ư để tung thông tin thất thiệt, lèo lái dư luận một cách có chủ đích.

Vừa qua, khi dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ NNPT-NT) chủ trì biên soạn được công bố đã gây ra những thông tin trái chiều trong dư luận.
Ngay lập tức, trên mạng xã hội facebook xuất hiện trang fanpage giả mạo có tên "Ban Tuyên Giao Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam" liên tiếp đưa nhiều bài có thông tin thất thiệt, lèo lái dư luận một cách có chủ đích.
Chẳng hạn như bài viết "Cảnh giác với chiêu bài 'bảo vệ nước mắm truyền thông", trong đó cho rằng, thông tin tẩy chay nước mắm công nghiệp để chuyển sang dùng nước mắm truyền thống là thông tin của "bọn phản động".
Theo thông tin hiển thị thì trang facebook này chỉ mới được tạo từ 10.3.2019 và cũng chưa có nhiều bài viết. Trong số 4 bài viết được đăng trên trang từ khi trang được lập, có 2 bài viết liên quan đến những tranh cãi quanh chuyện nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp với chủ đích lèo lái dư luận rất rõ như trên.
Tìm kiếm trên facebook thì có rất nhiều trang facebook cùng có tên Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam với những thông tin tương tự, trong đó có những trang có lượng người theo dõi khá lớn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Ngọc, Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết Ban Tuyên giáo T.Ư không có bất kỳ tài khoản facebook nào như nêu trên.
Theo ông Ngọc, thời gian qua, có nhiều trang mạng xã hội mạo danh cơ quan, đơn vị, cá nhân trong đó có Ban Tuyên giáo T.Ư, có những thông tin sai sự thật, gây tác động tiêu cực tới tổ chức, cá nhân có liên quan và vi phạm quy định pháp luật về sử dụng và đăng tải thông tin.
"Việc làm sai trái nêu trên cần phải lên án mạnh mẽ nhằm làm trong sạch, lành mạnh việc thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội và internet. Qua đây, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với đơn vị, cá nhân giả mạo đơn vị, cá nhân để đưa thông tin sai sự thật", ông Ngọc nói.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các cơ quan nhà nước bị giả mạo. Trước đó, hồi tháng 11.2018, Văn phòng Quốc hội cũng gửi cảnh báo đến các đại biểu về 19 trang thông tin mạo danh Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho biết, Văn phòng Quốc hội đang phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an để tiến hành rà soát, xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.