Kiên quyết xử lý sai phạm

12/12/2014 09:01 GMT+7

Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành ở miền Trung tỏ rõ quyết tâm xử lý rốt ráo những kiến nghị của cử tri tại kỳ họp HĐND cuối năm 2014.

 

Dự án của Tập đoàn Thiên Thanh tại Sân vận động Chi Lăng bị ra “tối hậu thư” nếu không triển khai sẽ bị thu hồi - Ảnh: Nguyễn Tú

Đã lên phương án truy thu nợ thuế

Tại phiên chất vấn kỳ họp sáng qua 11.12, nhiều vấn đề về an sinh xã hội được các đại biểu đặt ra. Tuy nhiên, nghị trường “nóng” lên khi ông Nguyễn Cảnh, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng các biện pháp cưỡng chế để thu thuế hiện tại đối với 2 công ty vàng không đủ mạnh nên hàng trăm tỉ đồng vẫn bị nợ kéo dài. “Biện pháp phong tỏa hóa đơn là quá yếu. Còn phong tỏa tài khoản ngân hàng thì người ta dùng tài khoản nước ngoài để giao dịch thì làm gì được họ…”, ông Cảnh nói. Theo ông Cảnh, cử tri hết sức bức xúc khi cả 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Tập đoàn Besra) không chấp hành pháp luật VN về thuế lại còn dọa đóng cửa. Bên cạnh đó, công ty vàng không trả nợ đã khiến cho các DN cung ứng vật tư lâm cảnh khốn khổ. “Vậy trách nhiệm của HĐND tỉnh là gì? Có một số đồng chí nói, 2 công ty vàng là của nước ngoài nên thẩm quyền của Bộ, nhưng tỉnh cũng phải làm việc với Bộ với T.Ư vì tài nguyên là của chung nên phải bảo vệ…”, ông Cảnh nhấn mạnh. Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn cho biết, việc Công ty vàng Phước Sơn nợ thuế diễn ra từ năm 2012, ban đầu chỉ vài chục tỉ đồng. Tuy nhiên, do ngành chức năng thực hiện không kiên quyết nên đến năm 2014 công ty này đã nợ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Một đại biểu khác cũng cho rằng, chưa có công ty nào lại “tùy tiện đến mức như 2 công ty vàng của Besra”. Cho nên, tỉnh phải kiến quyết hơn cùng T.Ư buộc các công ty này chấp hành pháp luật về thuế của VN.

Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết hiện nay, thực hiện chỉ đạo ngày 17.11.2014 của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Quảng Nam sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo đối với 2 công ty. Cục Thuế Quảng Nam cũng có báo cáo gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị theo dõi, hỗ trợ để Cục Thuế thu được tiền nợ thuế. Tại phiên trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết, hiện nay Tập đoàn Besra có khiếu nại với các ngành cấp T.Ư về thuế khoáng sản tại mỏ vàng Phước Sơn. Theo ông Thanh, sau khi Bộ Tài chính xử lý khiếu kiện xong, tỉnh sẽ lấy cơ sở để truy thu nợ thuế của 2 công ty vàng. Trong đó, có cả phương án cưỡng chế tài sản. “Hiện tài sản của 2 công ty vàng đầu tư vào địa phương khoảng 40 triệu USD và doanh nghiệp còn ở đây chứ không thể chạy đi đâu được. Tỉnh sẽ tập trung thu và kiên quyết thu thuế được…”, ông Thanh nói.

“Tối hậu thư” cho dự án treo

 

Về việc thừa 14.500 lô đất tái định cư nhưng không bố trí cho dân, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Võ Duy Khương thừa nhận thiếu sót của UBND thành phố trong quản lý quỹ đất tái định cư, do trước đây thành phố chưa có đầu mối quản lý; trong khi công tác điều hành của các ban quản lý rất lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, tuỳ tiện, báo cáo không trung thực, giấu đất tái định cư mà thành phố không nắm được.

Tại Đà Nẵng, các đại biểu (ĐB) dành nhiều câu hỏi chất vấn về tiến độ dự án Khu công nghệ thông tin tập trung do tập đoàn Rocky Lai & Associates, Inc (Texas, Hoa Kỳ) đầu tư theo mô hình “thung lũng Silicon” của Hoa Kỳ. Dự án này hứa hẹn giai đoạn 1 (2013 - 2017) xây dựng trên 131ha với tổng vốn 82 triệu USD, giai đoạn 2 (2017-2023) đầu tư 196 triệu USD trên diện tích 210ha. Tuy nhiên, sau khi khởi công vào tháng 4.2013 đến nay chỉ mới san lấp được 30ha, trong đó chỉ 10ha hoàn thiện và đã bị thành phố nhiều lần gia hạn. Từ tháng 8 đến nay dự án đã “đắp chiếu” do chủ đầu tư nợ tiền nhà thầu thi công, chủ đầu tư trốn biệt khiến thành phố không thể mời làm việc giải quyết.  “Trong 131ha đất dự án có 40ha đất nông nghiệp cùng hàng trăm hộ dân giải tỏa trong khi dự án đang đắp chiếu, như vậy không ổn từ khâu tham mưu, thẩm định đến quyết định giao dự án cho nhà đầu tư. Đồng chí Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT nói trong 3 tháng nữa sẽ có đối tác mới nhưng xa vời lắm”, ĐB Nguyễn Văn Sơn chất vấn.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết tại Đà Nẵng có hơn 50 dự án dịch vụ du lịch (ngoài dự án du lịch làng Vân dự kiến khởi công trong 2015) thì có 8 dự án chậm triển khai và 20 dự án chưa triển khai. Đối với 4 dự án ở trung tâm chậm triển khai, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh dự án phức hợp tại Sân vận động Chi Lăng do Tập đoàn Thiên Thanh làm chủ đầu tư, thành phố tiếp tục buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng kế hoạch khu liên hợp, không được chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào và nếu không triển khai đúng cam kết, tiến độ thì sẽ thu hồi. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Trần Thọ quyết định ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đầu tư khu CNTT tập trung phải làm thật và đúng tiến độ chứ không phải cứ hễ bị thúc giục thì đưa vài xe lên lấp đất đối phó, đúng cuối quý 1 năm 2015 nếu dự án không triển khai hoặc triển khai đối phó thì dứt khoát thu hồi. Ông Trần Thọ cho biết thành phố đã cho các DN này cam kết nếu không triển khai trong năm 2015 thì cứ theo Luật đầu tư mới, những dự án chậm triển khai trong 1, 2 năm sẽ thu hồi mà không bồi thường.

Làm hư nhà dân phải bồi thường

Tại Quảng Bình, ĐB Trương Thanh Sơn nêu ý kiến về việc thi công QL1 gây hư hỏng nhà dân, công trình ven đường; đề nghị cần có biện pháp thi công và bồi thường hư hỏng. Về vấn đề này, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT cho rằng việc thi công được thực hiện theo trình tự, có hư hỏng sẽ có bồi thường như một công trình giải phóng mặt bằng, nếu nhẹ thì sẽ giám định để sửa chữa, bồi hoàn; nguyên tắc không để người dân thiệt thòi, đảm bảo công bằng. Trước khi thi công, chủ đầu tư có mua bảo hiểm, nếu hư hỏng, sau khi thi công xong từng đoạn sẽ tổ chức giám định và đền bù, chứ không thể vừa thi công vừa đền bù. Hiện đã chi trả 8 trường hợp hư hỏng ở Quảng Ninh. Với hệ thống đường ngang kết nối QL1 bị hỏng sẽ hoàn trả mặt đường sau khi thi công QL1 xong. Một vấn đề làm “nóng” nghị trường là nguồn nhân lực trẻ không có việc làm; xem xét đào tạo cử tuyển vì có người về không nhận việc. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết hiện ở Quảng Bình có hơn 510 em sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chính quy các trường công lập vẫn chưa có việc làm.

Thu hồi trên 1.200ha đất ở Huế

Khu đất vàng bỏ hoang nhiều năm, nay làm bãi đỗ xe ở TP.Huế - Ảnh: Đình Toàn

 

HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua việc thu hồi trên 1.200ha đất phục vụ cho 259 công trình, dự án trong năm 2015. Thật không khó khi bỏ chút ít thời gian lượn quanh TP.Huế hay một số vùng ven và nhận ra rằng một số khu đất vàng bị bỏ hoang, hoặc “chuyền” từ tay DN này sang DN khác sau nhiều năm được cấp phép đầu tư. Đây cũng chính là điều người dân Huế hay gọi những khu đất vàng bỏ hoang hoặc xé lẻ kinh doanh ăn uống giải khát, cà phê là “quả bóng vàng”. Đơn cử như tại khu đất vàng quanh trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, Bà Triệu (P.Phú Hội, TP.Huế), hoặc các khu đất vàng quanh trục đường Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương (P.Vĩnh Ninh) sau nhiều năm cấp phép đầu tư xây dựng nay nơi thì xây xong phần thô rồi ngừng, nơi thì xé lẻ ra kinh doanh cà phê, quán nhậu, cho thuê ô tô tự lái, làm bãi đỗ ô tô...

Liên quan vấn đề trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho biết đối với các dự án thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất như dự án khách sạn Sông Đà - Thăng Long Uhotel tại đường Lý Thường Kiệt; Công trình văn phòng, thương mại, khách sạn và căn hộ cao cấp tại đường Hà Nội, Lý Thường Kiệt; Dự án siêu thị và cao ốc văn phòng cho thuê của Công ty CP đầu tư và xây dựng Viwaseen tại số 2 Nguyễn Tri Phương thì theo quy định của luật Đất đai (2003 - PV) nếu thu hồi dự án, thu hồi đất tỉnh phải bồi thường tài sản cho chủ đầu tư khi thu hồi. Tuy nhiên, tỉnh không có ngân sách để bồi thường cho nhà đầu tư hoặc bồi thường nhưng lại không có nhu cầu sử dụng tài sản đã đầu tư, sẽ tạo ra sự lãng phí khác. Không chỉ ở TP.Huế, nhiều dự án ở các khu kinh tế, vùng ven biển cũng đã được tỉnh cấp phép đầu tư, kiểm kê thu hồi đất, áp giá đền bù nhiều năm trước nhưng đến nay hoặc không triển khai, hoặc triển khai mang tính đối phó. Đơn cử khu du lịch Hòa Bình, khu du lịch Phong Phú, khu Bảo thuế giai đoạn 3, 4 tại xã Lộc Vĩnh, thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, H.Phú Lộc. Vấn đề này đại diện UBND tỉnh cho biết dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quốc tế Hòa Bình trước đây do Công ty CP Đầu tư phát triển Hòa Bình - Huế làm chủ đầu tư sau đó UBND tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đến năm 2013, Công ty CP thương mại du lịch Thuận Phú có đơn xin đầu tư “dự án Khu du lịch quốc tế Thuận Phong” tại khu vực này và hiện nhà đầu tư đã đặt cọc 4 tỉ đồng để đảm bảo thực hiện dự án.

Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng thông qua việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác trên địa bàn tỉnh vào năm tới. Cụ thể, tỉnh sẽ chuyển mục đích sử dụng 392,35ha thuộc các loại đất này để thực hiện 247 dự án, trong đó diện tích đất trồng lúa thu hồi nhiều nhất là 295,16 ha.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phạm Quốc Dũng thì ban này đã rà soát từng công trình, dự án và nhận thấy tất cả các công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng do UBND tỉnh trình đều có diện tích nhỏ hơn 10ha đối với đất trồng lúa và nhỏ hơn 20ha đối với đất rừng phòng hộ hoặc đất rừng đặc dụng; tính bình quân mỗi công trình, dự án chỉ chiếm 1,59ha, do đó đều thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trong việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Đình Toàn

H.Sơn - Ng. Tú - T.Q. Nam

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.