Kiên quyết xử lý tình trạng suy thoái

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/03/2021 06:32 GMT+7

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho hay dù tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được cải thiện, song “đây là vấn đề nhức nhối, còn tiếp tục, phải kiên trì, kiên quyết với nó hơn nữa”.

Ngày 27.3, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với sự tham gia của gần 1 triệu đảng viên tại 7.439 điểm cầu từ T.Ư tới cơ sở trên toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 01-CT/TW, ngày 9.3.2021 của Bộ Chính trị, để bảo đảm cho việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả cao, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là người đứng đầu thực hiện một số vấn đề trọng tâm.

Tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội

Ông Thưởng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư đề nghị nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức và nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời gian tới; liên hệ và vận dụng phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị để xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, phải đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ý thức tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng.
Trong quá trình tuyên truyền, ông Võ Văn Thưởng đề nghị phải kịp thời lý giải những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung nghị quyết; kịp thời uốn nắn những nhận thức chưa đúng; chủ động định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư đã truyền đạt chuyên đề “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Qua đó, ông Thắng khẳng định trong công tác xây dựng, chỉnh đốn phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên; quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”. Bên cạnh đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, đồng thời chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ.

Phải bảo vệ người dám nghĩ dám làm

Giới thiệu về Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII trình tại Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã điểm lại nhiều kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, theo ông Phạm Minh Chính, là tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn diễn biến phức tạp. Ông cho hay, dù tình trạng này đã được cải thiện, song “đây là vấn đề nhức nhối, còn tiếp tục, phải kiên trì, kiên quyết với nó hơn nữa”.
Ông Phạm Minh Chính cũng nhận định, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi nhưng thực hiện còn chưa đồng đều, nhiều địa phương, cơ quan còn trông chờ, có nơi làm tốt, có nơi chưa làm tốt. Ông cũng cho rằng, nhiều nơi vừa qua chỉ chú ý tinh giản cơ học, chưa chú ý nâng cao chất lượng và cơ cấu lại.
Theo chương trình, trong 2 ngày 27 - 28.3, hội nghị tập trung nghiên cứu, quán triệt 5 chuyên đề, gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tại Đại hội XIII của Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng giới thiệu; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII trình tại Đại hội XIII của Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính giới thiệu; Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu; Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng VN do Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giới thiệu; Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia do Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giới thiệu.
Một tồn tại cũng được ông Chính đặc biệt lưu ý là chưa ban hành được cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo vì lợi ích chung. “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ. Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương rồi nhưng người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, rồi dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch để bảo vệ”, ông nói và cho biết trong năm nay, Ban Tổ chức T.Ư sẽ báo cáo Bộ Chính trị về việc xây dựng và ban hành cơ chế này.
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII, ông Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý phải xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Theo ông Phạm Minh Chính, ở nhiệm kỳ XI, chúng ta quy định các cấp chính quyền tiếp dân, nhưng cấp ủy, bí thư cấp ủy ít khi tiếp dân. Thậm chí, có nơi dân kéo đến trụ sở tỉnh ủy, huyện ủy, các cán bộ có trách nhiệm còn báo cáo là thôi bí thư tỉnh ủy, huyện ủy đừng về nữa, dân đang bao vây. “Người ta cần đến gặp bí thư tỉnh ủy, bí thư huyện ủy mà lại bảo thôi tránh đi thì đó là lửa cháy mà đổ thêm dầu”, ông nói và cho biết tại nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị quy định cụ thể về công tác tiếp dân và trên thực tế có hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.