Kinh tế có tín hiệu phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước "những cơn gió ngược", tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận nhằm khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh…
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong hai tháng 7 - 8.2023, ngành bán lẻ có những tín hiệu phục hồi khá tích cực khi lần lượt đạt mức tăng trưởng 7,1%, 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này là từ hiệu quả của các chính sách kích cầu như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia, chính sách visa du lịch, giảm lãi suất cho vay...
Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực vươn lên
Theo ông Nguyễn Anh Đức, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ cũng nỗ lực tìm nhiều giải pháp cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tạo nền tảng phát triển lâu dài. Các DN đã thực hiện cơ cấu nguồn cầu hàng hóa đầu vào phù hợp với sự dịch chuyển các nguồn hàng tập trung vào thị trường Việt Nam và quy hoạch nguồn nguyên liệu của các địa phương trong nước. Về nguồn cung hàng hóa, các đơn vị bán lẻ cũng dịch chuyển theo hướng tiêu dùng tiết kiệm, tiêu dùng thông minh, quan tâm nhiều hơn đến những nhu cầu thiết yếu; đón đầu và thực hiện những xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... Cuối cùng là cơ cấu hoạt động, cấu trúc tổ chức đáp ứng công tác điện toán hóa, số hóa theo đúng xu hướng phát triển hiện đại.
Tuy nhiên, ngành bán lẻ được nhận định phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Cụ thể người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, trong đó có đến 59-62 triệu người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm ước đạt khoảng 300-320 USD/người/năm. Thực tế này đòi hỏi DN ngành bán lẻ thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển thương mại điện tử. Mặt khác, với các nhà bán lẻ truyền thống buộc phải có chiến lược đầu tư phát triển thêm các dịch vụ cung ứng trực tuyến, cải tiến hoạt động kinh doanh hệ thống cửa hàng theo hướng tăng tương tác trải nghiệm trực tiếp và trực tuyến cho người tiêu dùng.
Một yếu tố quan trọng khác, các DN bán lẻ phải ứng dụng số hóa, điện toán hóa nhằm bắt kịp xu hướng thanh toán không tiền mặt của thị trường. Hiện ước tính với doanh thu 20,5 tỉ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, nếu tính riêng bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 15%.
Bình luận (0)