Kiến trúc sư của hạnh phúc

28/01/2017 14:02 GMT+7

Đã hai mùa mưa tạt qua cửa sổ trôi đi kể từ ngày Giáo sư Ngô Bảo Châu tới Lũng Luông, Thái Nguyên. Những buổi học toán nho nhỏ ông cũng đã giảng tại đây như tặng một tình yêu...

Nắng vẫn chiếu xiên qua khung cửa Trường tiểu học Lũng Luông mới dựng lại. Nhưng nắng như vui theo tiếng dép học sinh chạy quẹt quẹt trên sàn cứng. Mùa đông này, để giữ ấm, những cánh cửa đó không cần phải che bằng báo và áo mưa cũ nữa rồi...
Đã hai mùa mưa tạt qua cửa sổ trôi đi kể từ ngày Giáo sư Ngô Bảo Châu tới Lũng Luông, Thái Nguyên. Những buổi học toán nho nhỏ ông cũng đã giảng tại đây như tặng một tình yêu. Hồi đó, sàn nhà chỉ cần nước mưa tràn vào là nhão sền sệt. Còn bây giờ nó cứng láng để cô trò yên tâm chạy chơi. Nhìn từ trên xuống, Trường Lũng Luông như những bông hoa đủ màu.
“Đó là một dự án của chương trình Cơm có thịt mà tôi thiết kế”, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cho biết. Ông cũng mới nhận giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016 cho cụm công trình xã hội cộng đồng mà mình thực hiện trong gần 10 năm trở lại đây. Trong đó, có Trường Lũng Luông.

Mến nhịp tre đan, thương màu đất nện
Nhưng Lũng Luông không phải dự án đầu tiên mà ông Hào thực hiện để thay đổi đời sống của những cộng đồng thế này. Dự án đầu tiên - nhà cộng đồng Suối Rè, Hòa Bình cũng đã là như vậy. Hồi đó, ông quyết định tự mang luôn miếng đất của để dành 2.000 m2 để làm nhà cho người dân có chỗ chơi, trẻ con có chỗ học. Chỉ có điều, sau này, do trường được gom rồi ghép với trường khác nên lớp học không còn tổ chức ở đó nữa.
“Khi trường ghép, các em đi học chỗ khác. Tôi lại để địa điểm đó cho những hoạt động cộng đồng khác như các lớp học dưỡng sinh. Chỉ có điều là người ở Hà Nội lên”, ông Hào chia sẻ, không giấu nổi cảm giác áy náy.
Kiến trúc sư của hạnh phúc 1
Nhà homestay ở Nậm Đăm
Ngôi nhà giờ vẫn đó. Mỗi thanh tre màu nâu vàng thô được xuyên dần qua các lỗ xỏ để dựng thành bộ kèo mái lại làm ông Hào nhớ ngày cả tổ thợ địa phương dựng nó lên. Tiếng gõ búa cạch cạch. Tiếng thịt tre cọ khẽ vào nhau hệt như tiếng những rặng tre gió tạt qua kêu xào xạc cũng ở chính mảnh đất Suối Rè, Hòa Bình này. Sau cùng, bộ mái tre được dựng lên, tre xuyên tre, hàng cách hàng nghiêm ngắn như đội ngũ đang duyệt binh. “Thợ cả Nguyễn Văn Âu đã làm tất cả những việc đó. Anh ấy khéo tay lắm”, ông Hào nhớ lại về căn nhà cộng đồng đầu tiên mình xây dựng ở Suối Rè.
Lớn như vậy, nhưng cả mảng kèo mái diện tích hơn trăm mét vuông đều được làm bằng kỹ thuật thủ công địa phương. Những cây tre dài được khớp bằng cách xỏ vào nhau qua con xỏ. Bộ vì kèo lớn như vậy có tới hơn 80 con xỏ. Chỉ cần một lỗ xê dịch là cả bộ mái khớp không nổi. “Dựng như cái chòi lên nương thôi nhưng nó to hơn nhiều. Cái chòi ngày xưa chỉ 2 m2 thôi. Cái này cả trăm. Ngày xưa các cụ cũng khớp nối bằng con xỏ thế thôi”, ông Âu nhớ lại.
Khi hoàn thành ngôi nhà có tông màu nâu vàng sáng với khoảng không gian mở phía trước. Gió vào ra trong nhà cũng chiều lòng người mà mát và ấm như ý. Cầu thang vững chắc để hàng chục bé cùng lúc chạy rầm rập, nhưng dáng vẫn thanh thoát. Cặp xích đu bằng tre ngay trước mái hiên, khi trẻ ngồi đông để đu thì dây bện khẽ kêu cọt kẹt. Còn có cả sân bóng chuyền. “Tôi không rõ tại sao nhưng lạ là người dân ở đó rất thích chơi bóng chuyền. Không hiểu ai đã mang môn đó đến”, ông Hào nói về việc vì sao mình lại đưa sân bóng vào thiết kế.
Cũng như nhà Suối Rè, nhà cộng đồng Tả Phìn, Lào Cai được xây dựng bằng vật liệu, nhân công địa phương. Gạch không nung tự sản xuất tại chỗ đứng cạnh gỗ thông gai và cả gỗ tái chế. Nhà cộng đồng Nậm Đăm, Hà Giang lại dùng kỹ thuật nhà trình tường...
Trong thư đề cử kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, chuyên gia kiến trúc - tiến sĩ Nirmal Kishnani (Đại học Quốc gia Singapore) viết: “Tôi chọn công trình nhà cộng đồng Suối Rè này bởi sự nhạy cảm của nó với khí hậu và cộng đồng, điều tôi nhận thấy rất có ý nghĩa trong bối cảnh của Việt Nam. Khuynh hướng bản địa của nó không chỉ thể hiện sự hoài cổ. Kiến trúc sư còn lồng vào đó những cách làm mới mẻ và nâng tầm, gây được sự chú ý đối với nông thôn đang bị lãng quên, trong bối cảnh thành thị luôn là trung tâm của mọi sự chú ý”.
Kiến trúc sư của hạnh phúc 2
Trường tiểu học Lũng Luông
Bay trên tổ chim én
Sử dụng kỹ thuật, nhưng những ngôi nhà không mang hình dáng xưa cũ nữa. Nhà Tả Phìn mê li với những bình phong bằng song gỗ đỏ son, cách điệu từ chiếc khăn của người Dao Đỏ kết hợp nhịp điệu núi đồi. Nhà homestay kiêm nhà cộng đồng Nậm Đăm, Hà Giang có một bên mái hơi vênh lên tạo hình như cánh én để lấy ánh sáng. Có mảng pin mặt trời. Có máy lọc nước, nhà vệ sinh. Một lối sống xanh sạch.
Những mảnh xanh từ trong ruột công trình với đầy đủ vật liệu địa phương, cách làm địa phương tới cây cỏ đặc trưng đã được ông cố gắng nhân lên như thế. “Tre ở mái nhà Suối Rè, màu vàng ngả nâu, không hẳn là vàng. Nó không bóng đâu nhé mà thô. Cây tre đúng ở đây nó vậy”.

Về cách làm này của Hoàng Thúc Hào, Giáo sư Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư đánh giá: “Thực ra các công trình sử dụng tri thức bản địa, công trình xanh như vậy đang là xu hướng. Ngoài thân thiện môi trường, việc sử dụng vật liệu như thế khiến giá thành cũng giảm nhiều. Nó xanh và rẻ”.
“Kỹ thuật làm nhà tre như vậy giờ cũng không còn nhiều người có thể làm được. Ngày trước đó là kiểu làm nhà của nhà nghèo. Sau này, ở Hòa Bình, giàu hơn một chút là họ đã làm nhà gỗ rồi”, Phó giáo sư - tiến sĩ Lưu Anh Hùng, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói về việc sử dụng kỹ thuật nhà tre. Một nhận xét tương đồng với ông Thông.

“Một mình tôi làm sao xuể. Phải nhiều người”
Cũng như nhà Suối Rè, Hoàng Thúc Hào còn xây dựng nhiều công trình khác với thước đo làm thế nào để sống vui trong đó mà ít tốn kém. Ông tâm sự, những ngôi nhà cho cộng đồng hiện là thiết chế đang bị lãng quên. Càng ở những vùng “trũng” về đầu tư văn hóa như các tỉnh vùng núi Hòa Bình, hay Yên Bái, Lào Cai, việc đó càng dễ bị quên. “Trước đây chúng tôi muốn phổ biến cái nội dung gì cũng không có chỗ cho bà con họp. Nhưng bây giờ có nhà cộng đồng bà con đã được riêng cái nhà đó để họp rất là thoải mái”, bà Lì Ló Mảy, cán bộ ở Tả Phìn nói.
“Tôi nghĩ một kiến trúc hạnh phúc sẽ cần người kiến trúc sư hạnh phúc, người sử dụng hạnh phúc và cả bản thân nó nữa, bản thân nó phải mang văn hóa bản địa”, ông Hào nói. Với những kiến trúc ông làm, từng mảnh sân bóng chuyền, từng mảng tường vàng kiểu trình tường xưa cũ... đều cho cộng đồng, do chính cộng đồng cùng chung.
“Một mình tôi làm sao xuể. Phải nhiều người”, ông nói về con đường giờ đây ngày một đông hơn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.