Kiến trúc Việt Nam được mùa giải thưởng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/08/2024 07:25 GMT+7

Nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế xướng tên Việt Nam trong thời gian gần đây.

Mùa mới nặng tay

Lễ trao giải Giải thưởng kiến trúc châu Á 2024 - Asia Architecture Design Awards (AADA) vừa diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) với sự góp mặt của nhiều kiến trúc sư (KTS), nhà thiết kế (NTK), các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, bất động sản… đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban giám khảo gồm các chuyên gia, học giả, người có tầm ảnh hưởng đến từ Singapore, Thái Lan, Ý và UAE… đã chọn ra 55 tác phẩm chiến thắng. Trong số này, VN đoạt 8/55 giải ở 7/20 hạng mục.

Các tác phẩm VN vừa được vinh danh tại AADA gồm: công trình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia VN (Thiết kế kiến trúc tòa nhà thương mại tốt nhất châu Á); Dahwa Resort Quy Nhơn (Thiết kế cảnh quan tốt nhất châu Á); Nam Mê Kitchen & Bar (Thiết kế nội thất F&B tốt nhất châu Á); Garrya Đà Nẵng Hotel (Thiết kế kiến trúc khách sạn tốt nhất châu Á); Border House (Thiết kế kiến trúc nhà ở tốt nhất châu Á); C8A (Thiết kế kiến trúc tốt nhất châu Á dạng ý tưởng, dự án đang triển khai); À La Carte Ha Long Bay (Thiết kế nội thất khách sạn tốt nhất châu Á); Trung tâm nghiên cứu và phát triển Apache Footwear VN (Thiết kế nội thất nơi làm việc tốt nhất châu Á).

Kiến trúc Việt Nam được mùa giải thưởng- Ảnh 1.

Công trình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia VN (tại KCN cao Hòa Lạc, Hà Nội) được giải Thiết kế kiến trúc tòa nhà thương mại tốt nhất châu Á, do giải thưởng Kiến trúc châu Á 2024 (AADA) trao tặng

Trung tâm cung cấp

KTS Tan Quee Peng, Trưởng ban giám khảo AADA 2024, chia sẻ giám khảo đánh giá cao các công trình VN ở giải thưởng này cả về ý tưởng cũng như cách KTS triển khai công trình. Theo đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với ý tưởng về một con đại bàng giương cánh, đại diện cho sự tự tin và tham vọng đổi mới. Công trình kết hợp với những khu vườn xanh và sử dụng pin mặt trời để giảm thiểu khí thải nhà kính. Công trình Nam Mê Kitchen & Bar là một điểm nhấn độc đáo về văn hóa khi lấy cảm hứng từ dòng sông Mê Kông uốn lượn. Việc kết hợp trải nghiệm ẩm thực cùng trong không gian biểu trưng cho sự sống, nét sinh hoạt địa phương gây ấn tượng với ban giám khảo. Hay Dhawa Resort Quy Nhơn mang ý tưởng xây dựng hệ thực vật bản địa vào trong thiết kế kiến trúc, khéo léo khoe ra cảnh tượng tự nhiên tuyệt đẹp của vùng biển VN cũng là một công trình độc đáo… 

Trước đó không lâu, quảng trường Tháp Nghinh Phong đạt 2 giải thưởng quốc tế là Công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới và giải Cảnh quan đô thị châu Á. Một công trình khác của kiến trúc Việt: Bảo tàng Đạo Mẫu nhận giải thưởng kiến trúc quốc tế Moira Gemmill. Theo KTS Đoàn Thanh Hà, một KTS từng nhận giải kiến trúc tại Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ..., thì chuỗi "mùa giải thưởng" của VN thực ra đã có hành trình cả chục năm nay.

Kiến trúc Việt Nam được mùa giải thưởng- Ảnh 2.

Công trình Viện Toán cao cấp (KTS Hoàng Thúc Hào) nhận giải thưởng AMP Architecture MasterPrize và giải International Architecture Awards 2022

NVCC

Theo KTS Đoàn Thanh Hà, từ khi KTS Võ Trọng Nghĩa mang về nhiều giải thưởng trong giai đoạn 2006 - 2010 thì số lượng các giải thưởng bắt đầu có đều. Trong 5 năm tiếp theo, nhiều văn phòng KTS cũng có giải thưởng như a21 studio, H&P Architects, 1+1>2. Thời gian sau đó lại ghi công các văn phòng Tropical space, kiến trúc O. Trong khoảng 5 năm gần đây lượng giải thưởng cũng nhiều hơn hẳn, đều đặn hơn.

Thị trường siêu tiềm năng với gu thẩm mỹ độc đáo

KTS Tan Quee Peng (RSP VN) chia sẻ: "Trong vài năm gần đây, ngành kiến trúc VN có sự phát triển vượt bậc về cả quy mô và chất lượng khi hàng loạt công trình, kiến trúc sư VN xuất hiện liên tiếp trên các trang tin chuyên ngành, chiến thắng nhiều giải thưởng quốc tế". Riêng với AADA, trong 2 mùa giải qua cũng nhận được rất nhiều hồ sơ từ các đơn vị VN.

Kiến trúc Việt Nam được mùa giải thưởng- Ảnh 3.

Tháp Nghinh Phong (TP.Tuy Hòa, Phú Yên)

ĐỨC HUY

Nhìn lại các giải thưởng kiến trúc quốc tế, có thể thấy ở đó dấu ấn của dòng chảy văn hóa bản địa cũng như xu hướng xanh. Bảo tàng Đạo Mẫu được xây dựng trong một khu vườn cây ăn quả lâu năm. Nhiều viên ngói được thu mua từ những căn nhà cổ, việc thu về số lượng lớn vật liệu xây dựng này đã là một kỳ tích. Trong khi đó, các công trình của KTS Đoàn Thanh Hà lại mang tới một ngôn ngữ khác cho tre. Tre được ông sử dụng với những kỹ thuật xưa như ngâm nước, sau đó đưa vào xây dựng để tăng tối đa vật liệu bản địa. Còn Nam Mê Kitchen & Bar, theo "cha đẻ" KTS Nguyễn Như Ý, lại bám vào mối liên hệ sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, với nhiều dấu ấn từ Sa Đéc đến Sài Gòn - Chợ Lớn, trên một chiếc thuyền sông.

Một điểm thú vị nữa là sự song hành của các chủ đầu tư với các KTS. Còn nhớ, trước Bảo tàng Đạo Mẫu, KTS Nguyễn Hà đã có hẳn một triển lãm trưng bày các thiết kế, mô hình kiến trúc mà cô sáng tạo nhưng không thể tới đích. Trong đó, có chủ đầu tư sau khi xem thiết kế, tuyệt nhiên không nói một câu nào, chỉ im lặng và... biến mất. "Các chủ đầu tư thông minh xuất hiện nhiều hơn cũng là điều đáng kể cho kiến trúc VN", một KTS chia sẻ.

Kiến trúc Việt Nam được mùa giải thưởng- Ảnh 4.

Nam Mê Kitchen & Bar

TD ARCHITECTS

KTS Tan Quee Peng cũng đánh giá, kiến trúc VN có bản sắc rất riêng, không lẫn vào bất kỳ quốc gia nào. Điều đó khiến các tác phẩm của KTS VN trở nên đặc biệt. Theo ông, KTS VN biết cách tận dụng được những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống, mang tinh thần của dân tộc kiên cường với một bề dày lịch sử vào trong các công trình. "Họ cũng có cá tính rất riêng, áp dụng được những công nghệ tiên tiến, tôn trọng tự nhiên cùng với sự sáng tạo. Nhờ vậy, kiến trúc VN đã đột phá những giới hạn và vượt biên ra với thế giới. Tựu trung lại, tôi nhìn thấy VN là một thị trường đầy tiềm năng với nhiều KTS giỏi, sở hữu đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo và gu thẩm mỹ độc đáo", ông Tan Quee Peng nói.

Giám khảo nhiều cuộc thi kiến trúc quốc tế

KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội KTS VN, cho biết thời gian gần đây các KTS VN ngày càng nhận được nhiều lời mời trở thành giám khảo trong các cuộc thi kiến trúc quốc tế. Cá nhân ông từng làm giám khảo các cuộc thi của Liên hiệp hội KTS thế giới (UIA), cũng như các cuộc thi của nhiều hiệp hội KTS quốc tế khác ở châu Âu, châu Á. Mới nhất, ông Hào làm giám khảo của Liên hoan kiến trúc thế giới tổ chức tại Singapore.

KTS Đoàn Thanh Hà, H&P Architects, cho biết lần đầu được mời làm giám khảo một cuộc thi kiến trúc quốc tế sau khi đoạt giải cuộc thi đó ở mùa trước. Lần gần nhất, ông làm giám khảo cho giải thưởng kiến trúc RIBA của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh. Ở giải thưởng với các tiêu chí rõ ràng và khắt khe này, ông Hà được mời làm giám khảo 2 lần vào 2021 và 2024.

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh, MIA Design Studio, cũng đảm nhiệm vai trò giám khảo của Cuộc thi kiến trúc quốc tế Tiny house 2022. Từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, KTS Mạnh còn làm diễn giả chính tại các chương trình hội thảo, tọa đàm về kiến trúc xanh tại Trường ĐH Thammasat (Thái Lan) và Học viện Kiến trúc Malaysia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.