Mẹ vay tiền chạy việc cho tôi.
Hai thằng cùng lớp thi trượt cao đẳng đợt vừa xong cũng đi chuyến này. Lên xe ngoài ba chúng tôi còn một đám nữa. Hàng năm qua mùa nhập học, người ta lại về làng vợt những đứa còn rơi lại đi làm công nhân.
Hai thằng kia được phân công làm bộ phận đế giày. Ngày hôm nay vào ngày mai đi làm luôn. Tôi làm ở bộ phận may, phải đi học một tháng.
Làm được ba ngày hai thằng bỏ về. Chỗ làm nóng như lò thiêu, chịu không nổi, bọn tao chấp nhận mất năm trăm.
Còn lại mình tôi giữa thành phố. Không quen biết ai ngoài bà môi giới công nhân và giờ là bà chủ trọ. Biết tôi không có tiền mang theo, bà cho nợ tiền nhà trọ và cho mượn một trăm năm mươi nghìn đồng tiền ăn.
Với một trăm năm mươi nghìn đồng này ăn tiêu thế nào cho vừa một tháng? Mỗi ngày tôi ăn mỗi bữa trưa. Bữa trưa nào cũng hai bát cơm và một bìa đậu phụ. Hôm nào ngán đậu phụ quá thay bằng rau muống. Món ăn đậu phụ kéo dài ngày khiến sau này tôi bị lên cơn nhức đầu mỗi khi nhìn thấy đậu phụ.
Chiều học xong, đi bộ hai cây số về nhà trọ, bụng đói cồn cào. Khi bên kia nhà bà chủ ăn cơm tối thì ở phòng trọ bên ngoài này tôi lại lấp đầy dạ dày bằng tràng niệm chú không đói không thấy đói không đói không thấy đói. Lần nào cũng như lần nào, cơn đói biến mất.
Sau một tháng đi học, có tờ chứng chỉ nghề trong tay, tôi được nhận đi làm.
Ngày đầu tiên:
Kẻng báo giờ ăn cơm trưa. Bắt chước mọi người tôi cũng chạy. Tranh thủ ăn để còn chợp mắt, một người chị nói vậy.
Bước vào nhà ăn cảm giác choáng váng. Những khay cơm đầy tràn. Thịt rau đầy tràn. Muốn ăn bao nhiêu cũng được. Ăn xả láng. Vừa xúc cơm ăn vừa nghĩ về nhà. Lại nghèn nghẹn. Ước sao các anh các chị của mình còn trẻ để được vào đây làm công nhân. Cứ làm rồi đến bữa ăn cơm, không cần lương. Cả đời họ biết bao giờ mới được chứng kiến một bữa ăn không phải nghĩ thế này.
Ngày thứ hai:
Xin phép đi vệ sinh. Chạy từ lầu ba xuống lầu một, trước cửa nhà vệ sinh cả một hàng dài công nhân đang xếp hàng chờ. Mười phút mới tới lượt tôi.
- Cô lên đây!
- Cô trốn việc đi ngủ à?
- Cô mới vào làm đã giở thủ đoạn à?
Đứng ở đầu chuyền, tất cả các cặp mắt nhìn lên. Tôi cúi gằm đầu. Lý nhí nói lời xin lỗi. Đầu chuyền giống như dưới cột cờ ngày chào cờ thứ hai ở trường học.
Ngày thứ ba:
Lại lên đứng đầu chuyền cắm mặt chịu trận.
- Cô óc chó?
- Cô muốn bị đuổi việc hay sao mà để lỗi may vậy.
Ở đây chỉ có một thứ tiếng đó thôi. Là tiếng chửi. Kẻ chửi người im hoặc cả hai cùng chửi.
Ngày thứ năm:
Kẻng báo giờ ăn. Lại ùa chạy. Cầu thang chật hẹp mà người thì sáp vào nhau. Tất cả như cỗ xe ùn ùn về phía trước. Một nữ công nhân trượt chân bị ngã giữa cầu thang, người ta vẫn cứ thản nhiên giẫm lên người cô theo đà xô đẩy từ phía sau. Cô gái ngất xỉu. Một tháng sau gia đình vào thành phố, đến bệnh viện đón cô về cùng một số tiền đền bù việc bị gãy chân không đi làm được nữa.
Tôi vẫn duy trì mỗi ngày ăn một bữa để dành tiền. Bữa cơm trưa cố nện thật chặt. Ba bát. Bốn bát. Rồi tới lúc tôi ăn được năm bát. Phần ăn cho cả ngày chỉ trong mười lăm phút này.
Nhận tháng lương đầu tiên là 620 nghìn đồng.
50 nghìn tiền nhà trọ.
150 nghìn tiền ứng hôm trước. Tiền điện, tiền nước...
Hỏi đường ra bưu điện gửi về cho mẹ 100 nghìn.
Từ phút giây ra bưu điện gửi tiền về cho mẹ lòng dạ bồn chồn không yên. Đêm nào cũng thao thức không biết mẹ đã nhận được tiền chưa. Cảm giác của mẹ khi nhận được tiền thế nào. Chắc mẹ ngạc nhiên lắm... Bảy ngày đã qua, đoán tầm này tiền đã về đến nơi, chạy ra bưu điện gọi về bưu điện xã nhờ nhắn cha mẹ 12 giờ trưa chủ nhật lên nghe điện thoại con gái.
Cha cất tiếng a lô. Tôi òa khóc. Tôi không nói được gì. Ống nghe bên kia chắc cha cũng vậy. Nghẹn ngào nghe tiếng khóc tủi thân của con gái. Hết 50 nghìn - bằng số tiền một tháng thuê nhà trọ. Vậy là vẫn chưa hỏi được cha tiền đã về đến nhà chưa.
Lại nhắn bưu điện 12 giờ trưa chủ nhật tuần sau cha mẹ ra nghe điện thoại con gái.
Chị dâu ra. Hỏi thăm vài câu chuyện ở nhà thì gác máy. Tôi không muốn chị biết chuyện gửi tiền.
Sao mẹ không ra nghe điện? Mẹ không biết nghe điện. Đừng tốn tiền vào các cuộc gọi điện. Mẹ nhắn.
Tôi viết thư cho mẹ. Mẹ nhớ giữ sức khỏe, đừng lo gì cho con. Cuộc sống con đã ổn định. Ở đây con sướng lắm, không phải như ở nhà… Viết đến câu ở đây con sướng lắm là hai mắt ầng ậc nước. Bao nhiêu cảnh khổ nhục cứ hiện lên. Vò lá thư, viết lại. Đến câu ở đây con sướng lắm lại không ngăn được nước mắt. Viết dở chừng lại vò đi. Đến lần thứ năm mới bình tĩnh viết xong lá thư.
Mẹ không biết chữ. Thư về phải nhờ chị hàng xóm đọc. Rồi nhờ chị viết hộ.
Mẹ đã nhận được một trăm nghìn. Biết cuộc sống con tốt mẹ yên tâm. Con tập trung cống hiến cho công ty, ở nhà cha mẹ đều mạnh khỏe.
Đến tháng nhận lương là tôi lại ra bưu điện gửi tiền. Tiền này để mẹ mua cá, tiền này mẹ mua thịt. Người chị hàng xóm viết. Tiền con gửi về mẹ góp lại mua cho con một con bò làm vốn sau này. Vài tháng sau chị hàng xóm lại viết. Con bò đã bị ăn trộm mất rồi. Mất bò, mẹ em ốm, khóc suốt cả tuần nay.
Chị hàng xóm đi lấy chồng xa, không viết hộ mẹ được nữa. Từ đó là những lá thư của cha. Thư cha viết:
“Tên tôi là: Phan Đăng…
Gửi con gái tên là:
Cha viết thư này thông báo tình hình ở quê nhà. Báo cáo con cha vẫn khỏe. Về phần mẹ con đừng trăn trở. Trước đây cha hay say rượu về chưởi mẹ nhưng từ ngày con đi cha không chưởi mẹ nữa.
Về tình hình kinh tế thì có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Người viết thư: Phan Đăng…”
Thư nào của cha tôi cũng đọc thuộc lòng. Hiện ra trước mặt là ngôi nhà mái tranh xập xệ toang hoác. Trong nhà không có gì ngoài bàn uống nước, một cái giường, cụi bếp và hai cỗ hậu sự của cha và mẹ đóng sẵn ba mươi năm rồi nước sơn vẫn đỏ tươi.
Khu chế xuất gần ba mươi nghìn công nhân. Qua ba, bốn tháng làm việc ai cũng bộc lộ hết tính xấu và sự nhẫn nhục của mình thì mới trụ được. Những năm tháng ấy chỉ có những lá thư của cha mẹ mới làm tôi rơi nước mắt trong đêm.
2.
Anh ở quê vào tôi mừng quá. Từng ngày anh về từng ngày tôi mong chờ, từng ngày tôi nhớ nhung da diết.
Anh ở quê vào tới gặp tôi ngay. Ngồi sau xe anh ra bờ sông uống nước, tôi sung sướng.
Gió hồ mát lộng. Tóc tôi rối tung. Nước cam chưa uống anh đưa lên tay tôi. Anh bảo mấy ngày không gặp nhìn em vẻ như gầy hơn. Ôi anh quan tâm sát sao vậy, tôi trằn trọc vì mong anh vào nên khó ngủ. Uống nước đi em, anh giục lần nữa. Tôi đưa cốc nước lên rít một hơi nhỏ nhẹ.
Nào tôi có khát nước gì đâu. Đi với anh để được ngồi bên. Nghe anh kể chuyện mấy ngày về quê. Nghe anh nói là vui rồi, anh nói gì tôi cũng vui.
- Anh có chuyện này muốn nói.
Chuyện gì chứ. Tôi nghĩ trong bụng là chuyện cưới xin. Đợt này về chắc anh đã bàn với cha mẹ. Tôi cũng nghĩ tới rồi, chả đợi tới lúc anh gợi.
- Anh có nói với cha mẹ chuyện hai đứa mình.
Anh không để cho đầu tôi bay bổng. Anh cắt ngang tưởng tượng. Anh nói trơn tru. Anh nói liền mạch. Anh nói như khách nói.
- Cha mẹ muốn anh tìm người tương xứng. Anh có nghề nghiệp đàng hoàng nên cũng phải lấy vợ có nghề nghiệp đàng hoàng.
Cái gì đấy nhỉ? Anh vừa nói với tôi cái gì đấy nhỉ?
- Em con gái có thì, anh không muốn kéo dài thêm làm em mất cơ hội.
Cả người tôi nhẹ bẫng. Hai chân tôi không trọng lượng. Tôi không đứng trên mặt đất.
Vậy mà tôi vẫn nói được câu lịch sự không kém anh:
- Cha mẹ anh nghĩ gì muốn gì cũng chả cản được anh nếu anh thực sự yêu em, nếu anh còn thương em. Thôi muốn bỏ cứ bỏ đi đừng viện cớ cha mẹ thêm bực mình.
Tôi đi bộ về phòng trọ. Anh dắt xe máy đi bộ theo sau. Tới nửa đường tôi đành lên xe anh ngồi vì ngại về gần tới khu trọ người quen nhìn thấy đoán giận nhau.
Anh về rồi. Đi thẳng vào cơ quan. Thời bấy giờ điện thoại không có. Muốn gặp chỉ có thư từ và chờ tới ngày cuối tuần.
Anh về rồi. Tôi nằm lăn ra khóc. Sao anh bỏ tôi ngang xương vậy? Giả sử hết tình yêu thì vẫn còn tình người chứ. Có ai một tuần trước còn nghĩ tới chuyện lấy nhau, một tuần sau tuyên bố chia tay. Tại sao chứ? Tại tôi là công nhân. Điên rồ. Công nhân thì sao.
Tôi khóc. Tôi nghỉ làm. Tôi chả thiết tha gì công việc nữa. Tiền tôi cũng chẳng thiết. Tôi nghỉ làm mà không cần xin phép gì hết. Cắt lương tôi chả sợ. Đuổi việc tôi chả sợ. Đứng đầu băng chuyền tôi chả sợ.
Tôi khóc suốt bốn ngày. Ba ngày tôi không ăn gì chỉ uống nước. Tôi sụt ba ký trong bốn ngày.
Ngày thứ năm tôi tỉnh dậy. Tôi ra quán ăn một bát cháo. Tôi ngủ một giấc say. Tôi dậy. Đầu óc bắt đầu hoạt động trở lại.
Tôi viết cho anh một lá thư. Từ chỗ tôi tới cơ quan anh ba chục cây số. Thư viết hai ngày là tới nơi. Tôi viết thư. Không phải. Tôi viết giấy nhắn đòi tiền. Giấy đòi tiền.
Anh bỏ em rồi giờ anh trả lại tiền cho em.
Ba ngày sau tôi nhận được thư trả lời. Không yêu nhau nữa chúng mình vẫn có thể là bạn. Em cho anh thư thư thời gian rồi anh trả hết, anh không quỵt em đâu.
Tôi viết liền. Em hẹn anh đúng năm ngày kể từ hôm nay.
Thả thư vào thùng thư tôi chạy về nhà lại viết tiếp. Em hẹn anh đúng bốn ngày nữa kể từ hôm nay.
Tôi viết tiếp. Viết viết viết. Chửi chửi chửi. Anh độc ác sau này con gái anh nó cũng bị phụ tình phụ tiền giống như em bây giờ. Anh tàn nhẫn hứa hẹn đủ kiểu rồi đùng một cái nói chia tay. Thư chồng thư tôi chẳng còn sức để đi gửi nữa. Tôi viết giấy cuối cùng. Hai ngày nữa anh không mang tiền trả đây em sẽ đến cơ quan làm ầm ĩ lên rêu rao cho ai cũng biết mặt kẻ lừa tình. Ngày này giờ này bằng mọi giá anh phải có mặt tại đây.
...
Anh đưa tôi đi xem một miếng đất. Sáu mươi mét vuông, đường trước mặt bốn mét.
Anh nói giờ cần xây tạm một ngôi nhà cho chúng mình có chỗ đi ra đi vào. Làm móng hai tầng rưỡi nhưng trước mắt cứ một tầng một phòng khách, một ngủ, một bếp, một vệ sinh.
Anh nói em sẽ nghỉ làm ở nhà nuôi lợn chăm con.
Được làm vợ anh là tôi sướng. Đi làm công nhân nuôi lợn bán cháo lòng làm thú nhồi bông gì cũng được.
Nhan sắc anh đi bên tôi khập khiễng biết nhường nào, thế mà nhìn anh tôi say đắm. Mắt anh ti hí miệng anh thì hơi vẩu. Tóc anh lơ thơ, chân anh đi chữ bát.
Tôi mê anh vì anh có nghề nghiệp. Tôi mê anh vì anh có học. Tôi đưa anh về làng và người ta sẽ xôn xao ôi chồng con bé là người cơ quan nhà nước. Nghĩ đến đấy thôi tôi lịm đi vì hạnh phúc. Đừng có tưởng nữ công nhân chỉ có lấy được chồng công nhân, thợ nhôm kính hàn xì.
Anh nói, nhưng giờ anh chưa xoay được tiền xây nhà. Yêu nhau chân thành rồi nói thẳng luôn. Em giúp anh công đoạn này nhé.
Giúp anh công đoạn này, giúp anh công đoạn nữa, giúp anh được cái gì tôi cũng hả dạ. Nhưng tôi không có tiền. Tháng nào tôi cũng phải dành tiền gửi về cho cha mẹ. Tôi chẳng giữ được cho mình triệu bạc nào bên người. Nhưng từ giờ, tính chuyện với anh rồi kế hoạch gửi tiền về nhà tôi sẽ điều chỉnh. Một nửa cho anh? Không, hai phần ba cho anh vì anh đang cần cấp hơn cha mẹ. Tôi viết thư về cho cha mẹ báo đã gặp được người thương mình cũng ở miền quê ta vào đây.
Tôi không có tiền nhưng tôi không thể cho anh biết điều đó. Ba đứa bạn tôi quen ngày vào làm công nhân chúng nó vài ba tháng lại tích trữ mua một chỉ vàng. Tôi năn nỉ vay hết số vàng của mỗi đứa. Tôi bán hết vàng, gom được một mớ tiền chạy ào đến đứng trước cơ quan anh. Anh cầm tiền chẳng hỏi ở đâu ra, tránh được cho tôi câu trả lời tôi muốn giấu. Em chỉ giúp được có chừng này thôi, từ từ em xoay tiếp.
Nhà xây xong rồi tôi đến dọn dẹp. Nhà xây xong rồi anh mời bạn bè đến làm hai mâm. Tôi đi chợ tôi nấu ăn, tôi rửa bát, tôi pha chè, tôi gọt hoa quả. Tim tôi nhảy nhót vì vui. Khuya rồi anh bận tiếp bài với các bạn, tôi ra đường bắt xe ôm về chỗ trọ cũng chẳng thấy buồn. Tôi về ngủ mai đi làm sớm. Trong giấc mơ tôi mơ thấy mình đang chăn một đàn lợn xung quanh hai ba đứa con cũng béo tốt như lợn con.
***
Ba ngày sau anh đến chỗ trọ tôi như đã hẹn.
- Em đếm tiền xem có đủ không.
Tôi đếm.
- Đủ rồi. Anh về được rồi đấy.
- Em có cần gì ở anh nữa không?
- Không.
Anh về. Giả sử anh nán lại thêm chút nữa tôi cũng chả đuổi.
Tiền đã đòi được rồi. Giờ tôi chẳng biết bấu vào cái cớ nào để chửi bới anh. Không có lý do gì để tôi viết thư cho anh nữa.
Tôi đi mua những chỉ vàng lần lượt trả lại các bạn. Phải bù thêm tiền chênh lệch mua bán.
Tôi quen anh qua bác họ của đứa bạn làm cùng. Thấy chúng tôi cùng quê bác giới thiệu.
Đau khổ quá mức mà tôi không biết chia sẻ cùng ai. Bạn gái tôi bấy giờ cũng đang thất tình. Nó còn đau khổ đến mức uống thuốc tự tử nhưng có người phát hiện ra đã kịp thời đưa đi xổ ruột.
Để trong bụng như miểng thủy, tôi sinh bệnh. Tôi đánh liều đến nhà gặp bác.
- Con muốn nhờ bác viết giúp một cái đơn kiện.
- Kiện ai? Sao kiện? Trai chưa vợ gái chưa chồng yêu nhau rồi bỏ nhau thì kiện cái gì?
Tôi khóc òa. Bác cũng là người hiền từ hay tại vào đây không có người thân nên quen được ai tôi cũng muốn tin.
- Con muốn kiện anh ấy về mặt đạo đức. Con muốn gửi đơn kiện cho người cấp cao nhất trong cơ quan để họ kỷ luật nhân viên.
- Bác không ngờ thằng đó lại là người như vậy. Thôi biết đâu lại là may cho con.
Biết đâu vậy là may. Tôi ôm câu động viên của bác ra về.
Bình luận (0)